5 biên chế dọn nhà vệ sinh, 391 hồ sơ ứng tuyển

Thời sự quốc tếThứ Tư, 22/09/2010 03:16:00 +07:00

(VTC News) - Dù công việc khá nặng nhọc và “nhạy cảm” nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người lao động chỉ bởi hai từ "biên chế".

(VTC News) – Có người cho rằng nghề nghiệp không phân cao thấp, lao động không chia sang hèn. Ngày nay ở các đô thị lớn của Trung Quốc không thiếu các thạc sỹ làm bảo vệ, tiến sỹ làm công nhân dọn vệ sinh, sinh viên đại học Bắc Kinh – một trường đại học thuộc top đầu của Trung Quốc phải ra chợ bán thịt kiếm sống thì sinh viên đi gánh phân không có gì là lạ…

Nhật báo Quảng Châu ngày 21/9 đưa tin, dư luận cộng đồng mạng Trung Quốc mấy ngày gần đây bàn tán xôn xao xung quanh thông tin Cục Vệ sinh Môi trường thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tuyển dụng 5 biên chế cho công việc gánh phân, dọn vệ sinh toilet.

Lễ ký hợp đồng tuyển dụng của 5 sinh viên – tân công nhân dọn toilet.

Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong số 391 bộ hồ sơ ứng tuyển, có 1 người là nghiên cứu sinh, nhiều người tốt nghiệp đại học, cuối cùng 5 sinh viên đã may mắn trúng tuyển.

Theo thông tin mới tiết lộ, cơ quan này đăng tin tuyển dụng từ tháng 6 năm ngoái. Mặc dù công việc khá nặng nhọc và “nhạy cảm” trong quan niệm của nhiều người nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người lao động chỉ bởi 2 chữ “biên chế”.

Chỉ riêng ngày đầu đã có 152 bộ hồ sơ được nộp, khi hết hạn nhận hồ sơ con số này tăng lên 391 bộ.

Sau khi ký hợp đồng là bắt tay vào công việc. 

Sau những đợt phỏng vấn tuyển dụng khá khắt khe, cuối cùng 5 sinh viên đã giành được cơ hội vào làm với công việc gánh phân của đội thông tắc bồn cầu, hút bể phốt trực thuộc Cục Vệ sinh môi trường Tế Nam, trong đó có 2 sinh viên nữ.

Năm người có độ tuổi từ 23 đến 26 và vẫn đang học đại học tại Tế Nam.

Một năm qua, 5 sinh viên này tuy chịu nhiều áp lực từ bên ngoài vì cái tên nghề nghiệp nhạy cảm và thân phận cử nhân tương lai của họ nhưng 5 bạn trẻ này vẫn kiên trì làm việc, họ trở thành lực lượng nòng cốt của đội gánh phân.

1 trong 2 sinh viên nữ trúng tuyển. 

Một quan chức phụ trách Cục Vệ sinh môi trường Tế Nam đánh giá, 5 công nhân này có năng lực, nhanh nhẹn và làm việc hiệu quả.

Hiện tượng này một lần nữa dấy lên những cuộc bàn luận xung quanh chủ đề việc làm ở Trung Quốc hiện nay.

Rất nhiều người trẻ ở nông thôn sau khi tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm khi muốn bám trụ lại thành phố, nhưng về quê nhiều người trong số họ không biết làm gì.

Ngại ngùng trước ống kính phóng viên. 

Câu chuyện 5 sinh viên đi gánh phân tạo ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi trên báo chí và các diễn đàn online tại Trung Quốc những ngày gần đây.

Có người cho rằng nghề nghiệp không phân cao thấp, lao động không chia sang hèn. Ngày nay ở các đô thị lớn của Trung Quốc không thiếu các thạc sỹ làm bảo vệ, tiến sỹ làm công nhân dọn vệ sinh, sinh viên đại học Bắc Kinh – một trường đại học thuộc top đầu của Trung Quốc phải ra chợ bán thịt kiếm sống thì sinh viên đi gánh phân không có gì là lạ.

Tuy nhiên, cũng không ít những sinh viên hoặc cử nhân mới ra trường để lại comments tỏ ra ngậm ngùi khi đọc câu chuyện này. Với họ, ngày bước chân vào giảng đường đại học có lẽ không ai ngờ rằng sẽ có một ngày phải đối mặt với sự thực phũ phàng như vậy - ra trường không công ăn việc làm.

Trong hoàn cảnh này, làm việc trái nghề cũng không có gì ghê gớm, nhưng nếu học bốn, năm năm đại học ra chỉ để xin 1 suất đi gánh phân, dọn bồn cầu thì đó có phải một sự lãng phí ghê gớm?!


Phóng viên Nhật báo Quảng Châu đã có buổi theo chân 5 sinh viên, giờ đây là 5 công nhân dọn vệ sinh để tìm hiểu thực tế công việc của họ. Dù đã lao động chăm chỉ 1 năm qua, nhưng khi đề cập đến công việc của mình, họ vẫn khống giấu nổi sự bùi ngùi trên gương mặt.

Vương Hiểu Dương, một trong số 5 người “may mắn” hơn 386 người khác tự an ủi mình: “Mỗi khi làm việc, em không nghĩ mình đang gánh phân mà là đang gánh… biên chế.”

Như vậy mới thấy được rằng thực tế nhiều lúc phũ phàng chứ không đẹp như giấc mơ, chỉ cần vào được biên chế thì gánh phân cũng chả sao. Điều kiện thực tế đã khiến nhiều người trẻ thay đổi quan niệm sống để thích nghi, tồn tại và chờ đợi một vận hội mới đến với mình.

Hồng Vũ(NewQQ, Quảng Châu nhật báo)
Bình luận
vtcnews.vn