Đáy vực và cái cúi mình của chắt nội Tưởng Giới Thạch

PhimThứ Tư, 19/05/2010 06:07:00 +07:00

(VTC News) - Tháng 2/2003, Tưởng Hữu Bách kết hôn với Lâm Hằng Di – một minh tinh điện ảnh Đài Loan lúc bấy giờ.

(VTC News) - Tháng 2/2003, Tưởng Hữu Bách kết hôn với Lâm Hằng Di – một minh tinh điện ảnh Đài Loan lúc bấy giờ. Sau khi kết hôn, Lâm Hằng Di từ bỏ hẳn sự nghiệp điện ảnh để đảm nhiệm vai trò người vợ, người mẹ của “công chúa” Tưởng Đắc Nghĩa sinh năm 2003 và “thái tử” Tưởng Đắc Hiếu sinh năm 2005… 

>> Phần 1: Chắt nội Tưởng Giới Thạch: Thần tượng của giới trẻ Đài

Tháng 5/2010 nhà xuất bản nhân dân Triết Giang xuất bản cuốn Vương triều bên bờ vực: Tưởng Hữu Bách – gương mặt mới của dòng họ Tưởng của tác giả Chu Vi Quân. Số phận của các chính trị gia cũng như cuộc sống, gia đình, con cái họ luôn là đề tài hấp dẫn cánh báo chí cũng như những người tò mò, quan tâm đến hậu trường và những chuyện thâm cung bí sử. Chính trong bối cảnh “bên bờ vực của một vương triều”, đã xuất hiện nhân tố mới, gương mặt mới làm thay đổi hẳn cách nhìn của người đời về họ, đó chính là Tưởng Hữu Bách.

Tưởng Hữu Bách thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo như một thương hiệu nổi tiếng không kém bất cứ ngôi sao giải trí nào. 

"Rơi xuống đáy vực" sau cái chết của cha

Chiều ngày 22/12/2005, khi còn chưa tới giờ khai trương đã có rất nhiều người tập trung trước hộp đêm Luxy trên đại lộ Trung Hiếu thành phố Đài Bắc chờ đón màn công bố sản phẩm MP3 được quảng bá rầm rộ giữa công ty Orange với đối tác Kuro.

Tưởng Hữu Bách tay cầm ly rượu đứng giữa đám đông gồm rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong chính giới, giới kinh doanh cũng như làng giải trí. Để ý kĩ một chút, người ta thoáng thấy nét đượm buồn hiếm hoi trên khuôn mặt Tưởng Hữu Bách.

Ít ai biết rằng, thời khắc này 9 năm về trước là lúc Tưởng Hiếu Dũng, cha Bách sắp trút hơi thở cuối cùng ở độ tuổi 48, đánh dấu sự chấm hết của một danh gia vọng tộc với lời dặn đinh ninh: “Con cháu họ Tưởng sau này không được làm chính trị nữa!”. Ký ức tuổi thơ bỗng chốc lại ùa về trong tâm trí Tưởng Hữu Bách như xảy ra mới hôm qua đây thôi.

Tưởng Giới Thạch - cụ nội của Tưởng Hữu Bách. 

Sau cái chết của Tưởng Kinh Quốc năm 1988, Tưởng Hiếu Dũng quyết định đưa toàn bộ gia đình sang định cư tại bang Montreal, Canada, chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động liên quan đến chính trị và sống một cuộc sống bình thường như bao gia đình khác.

Sáng sáng, Tưởng Hiếu Dũng đưa các con đến trường, chiều lại lái xe tới đón về. Những lúc rảnh rỗi, hoặc cùng các con chơi bóng bàn, hoặc đưa cả nhà đi mua sắm, mọi việc trong gia đình đều do các thành viên cùng chia sẻ, họ không thuê giúp việc.

Thời gian cả nhà quây quần bên nhau trên đất Canada xa xôi có lẽ là quãng đời đẹp nhất, êm đềm nhất đối với Bách. Đến miền đất mới, do bất đồng ngôn ngữ nên Bách gặp khó khăn không nhỏ trong việc học, những lúc đó người cha lại là chỗ dựa tinh thần cổ vũ anh. Từ một “công tử” của đảo Đài Loan giờ trở thành một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, mọi việc đều phải tự lập hoàn toàn.

Cuối năm 1996, trước lễ Noel 3 ngày, mặc dù vẫn đang nằm trên giường bệnh nhưng Tưởng Hiếu Dũng vẫn nhắc hai cậu con trai Tưởng Hữu Bách, Tưởng Hữu Thường đi mua sắm quần áo chuẩn bị đón Noel. Nhìn thấy hai con trai, đứa em 18 tuổi, thằng anh 20 tuổi nhưng đã khá chững chạc, Tưởng Hiếu Dũng cũng yên tâm phần nào, ông trút hơi thở cuối cùng bên người thân.

Chân dung doanh nhân thành đạt, phong cách Tưởng Hữu Bách.

Hai anh trai của Tưởng Hiếu Dũng là Tưởng Hiếu Văn, Tưởng Hiếu Vũ đều đã qua đời trước đó. Giờ đến lượt Tưởng Hiếu Dũng. Bà Faina Epatcheva Vahaleva tưởng chừng đã khóc cạn dòng nước mắt khi người đầu bạc phải đưa tiễn kẻ đầu xanh, nhưng người đã không trụ được trước mất mát quá lớn lại không phải người mẹ già, mà chính là Tưởng Hữu Bách.  

Mất đi người cha, chỗ dựa tinh thần, Bách rơi xuống đáy vực của sự khủng hoảng, lúc nào cũng chếnh choáng hơi men như muốn mượn nó để khỏa lấp sự trống trải trong tâm hồn. Với Bách, ông Dũng không chỉ là người cha nhân từ, mà còn là một người bạn tri kỉ, từ nhỏ đến giờ mọi suy nghĩ, tính tình của Bách chỉ có cha là người hiểu nhất.

Tưởng Hiếu Dũng (trái), bố Tưởng Hữu Bách, bên cạnh là Tưởng Kinh Quốc. 

Học cách đối mặt và thành công

Cái chết dù không mấy đường đột của Tưởng Hiếu Dũng đã tác động ghê gớm đến Tưởng Hữu Bách. Đang theo học khoa tài chính của đại học New York, Mỹ, Bách bỏ học và lao vào rượu như muốn quên đi thực tại.  

Hậu duệ của Tưởng Giới Thạch ngày trước kiên cường, tự tin bao nhiêu thì lúc này trở nên bệ rạc bấy nhiêu. 3 năm sống trong hơi men, Tưởng Hữu Bách dần dần tìm lại được chính mình, sực nhớ đến lời dặn của người cha, năm 2000 Bách quay lại học chuyên ngành tài chính ở trường cũ. Năm 2004 anh học tiếp khoa quản lý thiết kế của Viện thiết kế Parsons. 

Ra đi từ đảo Đài Loan, Canada - môi trường mới ở trời tây đã rèn cho Tưởng Hữu Bách tính độc lập và phong thái tự tin. Nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển ở mảnh đất nơi mình sinh ra, năm 2003 Hữu Bách lần đầu tiên quay trở lại Đài Loan tìm kiếm lập nghiệp cùng em trai thứ hai, Tưởng Hữu Thường.  

Hai anh em họ Tưởng đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của mình ở ngành thiết kế - một lĩnh vực nằm ngoài chính trị, nằm ngoài sự tưởng tượng của gia đình họ Tưởng gắn liền với một thời kì lịch sử trên đảo Đài Loan. 

Thương trường không giống như những gì Tưởng Hữu Bách tưởng tượng khi còn đi học. Lúc mới thành lập công ty, sách lược kinh doanh vẫn đang trong thời kì định hình, khách hàng chưa có là những khó khăn không nhỏ đặt ra trước mặt hai anh em họ Tưởng. 

Cụ, ông nội và cha đẻ của hai anh em Bách, Thường đều là những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy một thời, trong tâm thức của người Đài Loan bấy giờ Tưởng Hữu Bách, Tưởng Hữu Thường phải là những người “hoành tráng” lắm, chí ít thì cũng là dòng dõi con nhà nòi. Tưởng Hữu Bách đã vượt qua được cái rào cản vô hình ấy, coi mình như những người bình thường khác, lịch thiệp, nhún nhường trong giao tiếp, ứng xử nên không mấy khó khăn để giành được thiện cảm của khách hàng.

Đơn đặt hàng đầu tiên mà công ty Orange nhận được là thiết kế logo cho một xưởng sản xuất giày thể thao. Ông chủ xưởng sau này cho biết: “Sở dĩ tôi nhận ký hợp đồng với cậu ấy là vì Tưởng Hữu Bách biết cúi mình trước khách hàng, mặc dù người ta biết rõ cậu là ai”.

Tưởng Hữu Bách với cặp kính rất tri thức đang là đối tượng được rất nhiều bạn trẻ Đài Loan ngưỡng mộ. 

Những hợp đồng đầu tiên, Tưởng Hữu Bách đều “thân chinh” xuất quân, trực tiếp đàm phán với khách hàng để họ thấy được tiềm lực, khả năng, và dịch vụ tốt nhất mà họ có thể được hưởng từ công ty Orange. Chỉ 2 năm sau khi thành lập, Orange đã đạt lợi nhuận 60%. 

Nhìn lại quãng thời gian ấy, Tưởng Hữu Bách chia sẻ: “Bài học lớn nhất tôi học được từ cha mình đó chính là đón nhận cuộc sống. Ở tuổi 17 tôi đã học cách đối mặt với kết quả biết trước và không thể thay đổi. 18 tuổi, tôi bắt đầu hiểu rằng ở đời không có người đúng kẻ sai, mà chỉ có những quan điểm khác nhau. Thành công lớn nhất của tôi lúc này, đó là định vị được giá trị của mình. Tôi đã làm được một việc, đó là không ngừng trưởng thành!”.

Tháng 2/2003, Tưởng Hữu Bách kết hôn với Lâm Hằng Di – một minh tinh điện ảnh Đài Loan lúc bấy giờ. Sau khi kết hôn, Lâm Hằng Di từ bỏ hẳn sự nghiệp điện ảnh để đảm nhiệm vai trò người vợ, người mẹ của “công chúa” Tưởng Đắc Nghĩa sinh năm 2003 và “thái tử” Tưởng Đắc Hiếu sinh năm 2005.  

Tưởng Hữu Bách cùng vợ và con. 

Sau khi có gia đình, Tưởng Hữu Bách vẫn là một tâm điểm săn tin của giới báo chí xứ Đài, nhưng mục tiêu không chỉ dừng lại ở thế hệ “f4”. Thế hệ “f5” của Tưởng Giới Thạch tiếp tục trở thành đề tài để cánh báo chí Đài Loan khai thác.

Từ bữa tiệc đầy tháng của Tưởng Đắc Nghĩa và sau này là Tưởng Đắc Hiếu cho tới cảnh Lâm Hằng Di vắt mũi cho con, tất cả đều được các bác “phó nháy” ghi lại và ngay hôm sau chễm trệ trên mặt báo với những cái tít khiến người đọc giật mình: “Hoàng tử vương triều họ Tưởng lần đầu tiên lộ diện”, “Tưởng Đắc Hiếu khá “bướng” và đẹp trai giống bố!”. 

Hồng Vũ (Tổng hợp) 

Bình luận
vtcnews.vn