Giới trẻ điên rồ hít "keo chó" tìm cảm giác lạ

PhimThứ Năm, 13/05/2010 03:21:00 +07:00

Tuy mới xuất hiện nhưng hiện tượng học sinh hít “keo chó” (nhất là học sinh THCS) đang lan nhanh và gây nghiện cho người sử dụng không kém gì ma túy.

Tuy mới xuất hiện nhưng hiện tượng học sinh hít “keo chó” (nhất là học sinh THCS) đang lan nhanh và gây nghiện cho người sử dụng không kém gì ma túy đang thực sự đáng báo động.

Đây là loại keo dán dùng để dán gỗ, da giày, ống nước, roan động cơ xe máy... được bán công khai và rất dễ mua ngoài thị trường. Chính vì vậy, tình trạng hút “keo chó” càng dễ lan nhanh trong HS, và từ tháng 3-2010, đã có trường phản ánh về thực trạng này tại một cuộc họp của ngành Giáo dục để khuyến cáo chung.

Từ đó một số trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp HS có hút “keo chó” và đã xử lý kỷ luật, giáo dục giúp các em từ bỏ kiểu đua đòi nguy hại này.

Các loại keo dán này đều có thành phần dung môi hữu cơ, trong đó có những dung môi rất độc đối với sức khỏe con người là Methylene Chloride, Ethyl acetate, Toluene, Cyclohexane. Điều đáng nói là nếu tình trạng mua bán, sử dụng bị phát hiện song lại rất khó xử lý bởi các loại keo dán không phải là hàng cấm và hành vi hít “keo chó” không biết phải áp dụng hình thức chế tài nào để xử lý.

PV đã tìm hiểu tại một số trường học và chứng kiến một cảnh phê “keo chó” tại Công viên 29-3.

Hiện những loại keo dán được “chuộng” nhất là loại có nhãn hiệu Dog X-66 (keo con chó, dạng lon) và loại keo dạng tuýp dán roan động cơ xe máy có hình con voi (khác loại keo dán sắt 502 có hình con voi) được bày bán tại các tiệm chuyên về phụ tùng xe máy, tiệm thiết bị ngành nước... Mỗi tuýp hoặc lon keo dán này giá 1-5 ngàn đồng và có màu vàng nhạt, mùi hăng hắc nồng pha lẫn mùi xăng thơm (loại đổ hộp quẹt Zippo).

Những thanh thiếu niên hít “keo chó” tại Công viên 29-3. 
Một loại keo dán khác cũng rất dễ tìm mua là keo dán ống nước, nhưng loại này ít được sử dụng bởi mùi của nó nặng, hăng nồng hơn. Chị T., chủ một tiệm bán phụ tùng xe máy trên đường Trần Cao Vân (ĐN) cho biết, vài tháng trước tiệm của chị bán rất chạy loại keo dán roan, một ngày có khi bán hết cả hộp (khoảng vài chục tuýp), mà khách hàng hầu hết là thiếu niên, HS cấp II. Ban đầu chị T. cứ nghĩ những cậu HS này mua giúp cho ai đó hoặc dùng để dán đồ dùng học tập (vì loại keo này dán được nhiều chất liệu khác nhau).

Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, chồng chị và nhiều người dân trong tổ dân phố phát hiện số thiếu niên thường tụ tập ở những con hẻm vắng để nặn keo vào túi ni-lông rồi úp lên mũi hít. Sau khi hít keo chừng 15-20 phút, các cậu nhóc này có biểu hiện say như đang “phê thuốc”, mặt mũi đờ đẫn, mắt lờ đờ và bước đi cũng loạng choạng.

Từ khi biết việc số thiếu niên mua keo để hít, chị T. đã hạn chế bán loại hàng này cho người lạ và tuyệt đối không bán cho mấy cậu choai choai, song nhiều em thiếu niên vẫn tìm đến năn nỉ hỏi mua. Ngoài ra, chị T. còn cho biết địa điểm mà số thiếu niên thường tụ tập hít keo là khu vực bãi đất hoang ven đường sắt và những con hẻm gần đó. Về thông tin cho hay trong số thiếu niên thường hít keo này có HS Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (Q. Thanh Khê, ĐN), chúng tôi đã trực tiếp gặp thầy Nguyễn Bá Thanh - Hiệu trưởng trường để xác minh và được biết: “Sau khi nghe thông tin phản ánh về tình trạng này, nhà trường đã cho kiểm tra và phát hiện 2 HS của trường hít “keo chó” nên đã có biện pháp giáo dục, giám sát và đến giờ cả 2 HS này đã bỏ hẳn”.

Bình keo dán loại Dog X-66 mà nhóm thiếu niên bỏ lại. 
Sau khi phát hiện HS của trường có hít “keo chó”, nhà trường đã tăng cường các biện pháp giáo dục, kiểm tra nhằm ngăn chặn không để HS dính vào tình trạng này. Thầy Thanh nói: “Nhà trường đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn về sức khỏe để tuyên truyền cho HS về những tác hại của việc hít “keo chó” đến thể chất, trí lực của con người”.

Tuy nhiên, thầy Thanh cũng thừa nhận sẽ rất khó kiểm soát nếu HS hít “keo chó” bên ngoài trường, do đó việc quản lý các em cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ phía gia đình, nhất là trong thời gian nghỉ hè sắp đến.

Hiện số thiếu niên nghiện hít “keo chó” thường chọn những địa điểm vắng, ít người qua lại để thỏa mãn cơn nghiện, trong đó Công viên 29-3 là một địa điểm thường được chọn. Anh Lê T. - bảo vệ Công viên 29-3, cho biết tình trạng này xuất hiện tại công viên chừng 2 tháng trước đây.

Đa phần số thiếu niên vào đây hít “keo chó” là HS THCS, từ lớp 7 đến lớp 9 và thường đi thành nhóm 4 em trở lên. Thời gian số thiếu niên này vào công viên để hít tầm khoảng 8 giờ hoặc 15 - 16 giờ và đôi khi cũng rải rác trong ngày.

Khu vực thường được số thiếu niên này chọn là góc tây công viên (gần đường Nguyễn Tri Phương), chỗ khu vực trò chơi vận động. Theo anh T., thường số thiếu niên này đổ keo vào túi ni-lông rồi úp lên mũi hít, nhưng cũng có trường hợp đốt cháy và hít khói bốc lên (các loại keo dán này rất dễ cháy và có khói màu trắng đục, khi cháy gần hết có màu xám đen).

Từng chứng kiến cảnh con nghiện phê ma túy nên anh T. bảo sau khi hít keo, người sử dụng cũng có biểu hiện rất giống với phê ma túy, nhưng có điểm khác là người say “keo chó” thường có biểu hiện lơ mơ về trí óc giống như người bị bệnh tâm thần.

Lực lượng bảo vệ công viên phát hiện nhiều nhóm thiếu niên vào đây hít keo nhưng chỉ biết đẩy đuổi ra ngoài chứ không biết xử lý như thế nào. Trong lúc chở tôi dạo quanh công viên, anh T. phát hiện tại khu vực hòn giả sơn gần bờ hồ (đối diện trạm trung chuyển rác) có 3 thiếu niên đang hít “keo chó”. Chúng tôi dừng lại quan sát và thấy họ chiết keo từ lon (loại Dog X-66) sang túi ni-lông rồi úp lên mũi hít.

Chừng 15 phút sau, chúng tôi ập tới thì thấy có 2 thiếu niên đang lơ mơ say “keo chó”, trong đó một cậu nhóc đang nôn ọe rồi loạng choạng bước đi mà miệng không ngớt lảm nhảm. Theo một người bán nước giải khát gần đó cho biết, 3 thiếu niên này mới đến công viên hít keo chừng 3 ngày nay và thường sau khi say “keo chó” cả 3 cậu giống như bị tâm thần, miệng luôn nói nhảm và hành động rất vô thức.

Với những gì chúng tôi tìm hiểu và ghi nhận được cho thấy thực trạng nghiện “keo chó” trong thiếu niên hiện nay rất đáng báo động, trong khi đó việc xử lý hành vi này gần như không thể bởi không có chế tài.

Vì vậy, để ngăn chặn các em thiếu niên bị nghiện “keo chó” là việc làm rất cấp thiết bởi các em chưa ý thức được tác hại nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe của mình. Trước tiên gia đình cần phải quan tâm, giám sát con em đồng thời có sự liên hệ chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý con em.



Tác hại của Methylene Chloride

Methylene Chloride là một dung môi hữu cơ, công thức hóa học là CH2CL2, có mùi thơm ngọt ngào dễ chịu. Khi ngửi (hít) hóa chất này trong một thời gian ngắn sẽ bị giảm thị lực, giảm thính lực, rối loạn vận động. Những biểu hiện trên sẽ hết khi ngưng tiếp xúc với hóa chất. Nhưng nếu ngửi hoặc hít phải Methylene liên tục, thường xuyên, lâu dài thì hệ thống thần kinh trung ương sẽ bị tổn thương nặng dẫn đến nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, mất trí nhớ. Các khảo sát trên động vật cho thấy động vật bị tổn thương gan, thận, hệ tim mạch và tăng tỷ lệ bị ung thư phổi, ung thư gan khi tiếp xúc lâu dài với Methyl Chloride.

Tác hại của Ethyl acetate

Ethyl acetate có công thức hóa học là CH3COOCH2CH3, là một esther của ethanol và acid acetic, lỏng , ko màu, có mùi hương trái cây. Tiếp xúc với Ethyl acetate qua đường hô hấp (hít, ngửi) sẽ gây ho, chóng mặt, buồn ngủ, lơ mơ, nhức đầu, nôn mửa, đau họng, yếu người và mất ý thức.

Tác hại của Toluene

Toluene có công thức hóa học là C6H5CH3, còn được gọi là methylbenzen, phenyl metane. Tiếp xúc với Toluene qua đường hô hấp sẽ gây nên các biểu hiện tổn thương chủ yếu của hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu, nôn mửa, chóng mặt, buồn ngủ, loạng choạng cùng những biểu hiện như khi say rượu. Trường hợp nặng có thể mất ý thức và tử vong. Sự tiếp xúc với hóa chất này càng lâu dài thì các biểu hiện trên càng nặng.

Tác hại của Cyclohexane

Cyclohexane là một cycloalkane, công thức hóa học là C6H12, có mùi thơm nhẹ. Cũng như 3 chất trên, Cyclohexane gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, mức độ tổn thương nặng hay nhẹ phụ thuộc vào liều lượng và thời gian tiếp xúc với hóa chất. Khi tiếp xúc Cyclohexane qua đường hô hấp trong một thời gian ngắn sẽ có các biểu hiện nhức đầu, trạng thái đê mê như cảm giác “phê” trong hít ma túy, run chân tay, co giật. Trường hợp nặng hơn sẽ bị nôn mửa, mất điều hòa vận động (rối loạn trong phối hợp thực hiện các cử động nhanh và chính xác do hệ thần kinh bị rối loạn) và có thể bị hôn mê.

(Theo Khoa học và Đời sống)

 
 

Theo CA TP Đà Nẵng
 

Bình luận
vtcnews.vn