30 kỷ lục mới của Việt Nam được xác lập

Thời sựThứ Bảy, 18/12/2010 01:19:00 +07:00

(VTC News) – Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều tuổi nhất, bức ảnh chụp hồ Gươm có độ phân giải lớn nhất v.v... là những kỷ lục vừa được công nhận.

(VTC News) – Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều tuổi nhất, bức ảnh chụp hồ gươm có độ phân giải lớn nhất, người hiến máu nhiều nhất, v.v... là những kỷ lục vừa được công nhận trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 20.

Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam là chương trình thông lệ vào cuối mỗi năm tạo điều kiện để cộng đồng kỷ lục gia trong
nước cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ những ước mơ hoài bão, các kế hoạch mới của mình.Trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 20 diễn ra tại TP.HCM, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập 30 kỷ lục Việt Nam mới nhất.

1. Bà mẹ Việt Nam anh hùng cao tuổi nhất

Mẹ Trần Thị Viết, sinh năm 1892, có 10 người con gồm 8 trai và 2 gái. Trong số đó một con trai bị bệnh chết, còn bảy người còn cùng một người con rể đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và lần lượt hy sinh. Mẹ Trần Thị Viết được Chủ tịch nước  tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu của tỉnh Long An vào năm 1994.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Viết. 

Hiện nay tuy đã 118 tuổi nhưng mẹ vẫn tỉnh táo tự đi lại được và nhớ hàng trăm bài hát dân ca, hò vè, nhớ nhiều chuyện về cuộc đời mẹ trong suốt 3 thế kỷ qua. Mẹ hiện sống cùng vợ chồng người cháu nội ở ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

2. Nữ họa sĩ vẽ chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất

Ngày 19/2/2010, họa sĩ Đặng Ái Việt nguyên là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh đến 24 tỉnh thành khác nhau. Bà về đến thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/8 và đã ký họa chân dung 244 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Họa sĩ Đặng Ái Viết - Nữ họa sĩ vẽ chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất.

Từ ngày 25/8, bà lại tiếp tục đến các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh và ký họa 44 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau đó, bà thực hiện chuyến đi đến các tỉnh miền Tây Nam bộ và đến nay, họa sĩ Đặng Ái Việt đã ký họa chân dung của 343 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

3. Người phụ nữ có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất

Từ 15 năm nay chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đều đặn tham gia hiến máu tình nguyện tại Trung tâm hiến máu nhân đạo thành phố Hồ Chí Minh. Tính từ 21/6/1996 đến ngày 8/7/2010, chị Thanh Nhàn đã tham gia hiến máu nhân đạo 65 lần, với số đơn vị máu hiến là 81,5 đơn vị (mỗi đơn vị 250 ml), tương đương với 20,375 lít máu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người phụ nữ có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất.


4. Người chủ trì và tham gia khai quật mộ cổ vì mục đích khoa học nhiều nhất

Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật năm nay đã hơn 70 tuổi và đã có nửa thế kỷ tham gia khai quật hơn 300 ngôi mộ từ Nam ra Bắc để phục vụ công cuộc nghiên cứu khảo cổ học.

Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đang tiến hành khai quật một vùng đất.

Ông tham gia phong trào chống Pháp tại miền Nam và ra Bắc năm 1956, là một trong những người tham gia cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam và đã phát hiện nhiều bằng chứng về các nền văn hóa người Việt cổ sinh sống hàng vạn năm trước trên các vùng châu thổ sông Hồng.

Sau 1975, ông vào sinh sống tại TP. HCM tiếp tục đào mộ khảo cổ tại TP. HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương đóng góp vào kết quả khai quật phát hiện di chỉ của nền văn hóa Óc Eo.


5. Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới

Anh Hoàng Đức Thảo, tuy làm công tác quản lý nhưng có nhiều công trình nghiên cứu được các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới trao giải thưởng. Anh đã nhận được giải thưởng "Nhà sáng chế giỏi nhất" do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (viết tắt là WIPO) trao tặng cho công trình sáng chế Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn dành cho hệ thống thoát nước và môi trường Việt Nam.

Anh Hoàng Đức Thảo

Trong hai năm 2008 và 2009 anh nhận 2 giải vàng và 1 giải bạc của Hiệp hội sáng kiến sáng chế Hàn Quốc (SIIF) dành cho các công trình: Nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng hệ thống hố ga thu nước mưa & ngăn mùi kiểu mới cho các đô thị Việt Nam; Nghiên cứu chế tạo & ứng dụng cụm tời máy nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị; Thiết kế, chế tạo và ứng dụng bể phốt kiểu mới tại các đô thị Việt Nam. Và Giải đặc biệt dành cho cá nhân do Hiệp hội các doanh nghiệp sáng tạo Hàn Quốc (FKIE) trao tặng.

6. Bản di chúc của Bác Hồ viết bằng chất liệu lá Thốt nốt lớn nhất

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2010), Ban quản lý du lịch và văn hóa huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã khánh thành bản di chúc của Bác Hồ thể hiện bằng lá thốt nốt. Bản di chúc có kích thước ngang 1,18m, cao 2,05m được bảo vệ bằng khung gỗ và hai mặt kính mỗi bên (mỗi mặt dày 8mm).
Bản di chúc của bác Hồ viết bằng chất liệu lá Thốt nốt lớn nhất.

Bản di chúc gồm 2 mặt, mặt trước là toàn văn di chúc của Bác Hồ với nét chữ đứng, tròn chân phương; mặt sau gồm 5 tấm ảnh về Bác Hồ. Bức tranh này do cơ sở của ông Võ Văn Tạng thực hiện từ ngày 9/4. đến ngày 9/5/2010.


7. Gold ATM – máy bán vàng đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 9/10/2010 vừa qua, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đưa vào sử dụng chiếc máy có tên gọi Gold ATM. Đây là máy bán vàng tự động đầu tiên tại Việt Nam. Gold ATM được hoàn thành hoàn toàn bằng công nghệ của Công ty Cổ phần thẻ thông minh ViNa (V.N.B.C) (công ty công nghệ xuất thân từ DongA Bank) sau hơn 1 năm nghiên cứu và chế tạo.

Máy Gold ATM này có kích thước 776 x 1500 x 802mm, nặng 750kg. Máy có kết cấu và quy cách đường truyền theo tiêu chuẩn an toàn của ATM. Bên cạnh chức năng bán vàng miếng, máy này cũng có tính năng như các máy ATM khác.


8. Người thể hiện tiết tấu – âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng

Tiến sĩ Trần Quang Hải được tôn vinh là “Vua Muỗng - The King of  Spoons”. Nhìn phong cách xử lý tài tình và điêu luyện của ông với những chiếc muỗng, người xem đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Tiến sĩ Trần Quang Hải được mệnh danh là Vua muỗng.

Từ những chiếc muỗng, ông khai triển thành nhiều cách gõ khác nhau như với 2 hoặc 3, hoặc 4, hoặc 5 ngón tay, rồi kéo lên hết cánh tay hay đánh lên đùi, đánh lên miệng, đánh thành bài bản… Ông đã cống hiến một nghệ thuật gõ muỗng khiến người xem phải thán phục vì thể hiện các điệu nhạc một cách đa dạng từ jazz, pop, đến techno, hiphop, flamenco…


9. Người thực hiện quyển thư pháp “Bổn môn pháp kinh hoa” có kích cỡ lớn nhất


Chị Minh Hạnh (tên thật là Đỗ Ngọc Tuyết) sau khi được Hòa thượng Thích Trí Quảng tặng cho cuốn “Bổn môn Pháp Hoa kinh” đã phát nguyện viết lại và trình bày quyển kinh này bằng chữ thư pháp.

Quyển kinh hoàn toàn thực hiện thủ công bằng cách viết thư pháp chữ Việt. Quyển thư pháp “Bổn môn Pháp Hoa kinh” này có các nét đặc trưng sau: dày 72 trang, kích cỡ 60cm x 110cm, chất liệu chính là giấy xuyến chỉ và viết bằng mực tàu.


10. Người làm đàn Guitar nhỏ nhất

Em Vũ Danh Sơn năm nay 14 tuổi. Năm 2009, Sơn dùng vỏ lon bia, bìa cứng, dây cước mảnh, keo dán siêu chắc làm hai chiếc đàn guitar thùng cao 6,9cm, chiều ngang thùng đàn 2,8cm và guitar bass cao 7,3cm và chiều ngang thùng đàn 2,3cm. Hai cây guitar tuy nhỏ bé nhưng khi dùng tay gẩy lên các dây đàn vẫn cho ra âm thanh vì các dây đàn tuy làm bằng sợi cước nhưng đã được Sơn mài rất mảnh.

Hai chiếc đàn ghi ta do em Vũ Danh Sơn chế tạo.

Đầu năm 2010, cũng với những vật liệu đơn giản như giấy bìa, vỏ lon bia, dây cước và keo 502, Sơn làm thêm 3 cây đàn guitar "tí hon" khác.

11. Người làm bức tranh đá quý (Hạ Long xanh) trên vải toan nguyên khổ lớn nhất

Từ 15/12/2008 đến ngày 30/03/2009, ông Nguyễn Quang Hùng (nghệ danh Nguyễn Hùng), dùng vải Toan để thực hiện bức tranh đá quý “Hạ Long xanh” có kích thước 3,95m x 2m.

Bức tranh đá quý trên vải toan nguyên khổ lớn nhất.

Để làm nên bức tranh này, ông Hùng phải gom góp, tích lũy những viên đá quý thiên nhiên trong một thời gian dài. Ông cùng những người phụ việc đã khéo léo gắn, đính những viên đá này lên mặt vải bằng một sự cần mẫn, chăm chỉ nhưng vẫn thể hiện rõ tỷ lệ xa gần, sắc độ sáng tối, đậm nhạt trong bố cục bức tranh.

12. Tác phẩm mô phỏng ngựa Thánh gióng làm bằng tre lớn nhất

Trung tâm từ thiện nhân đạo Làng Tre (khu vực cầu Khỉ Khô, ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã dùng hàng ngàn mảnh tre ghép hình tượng Thánh Gióng cưỡi trên lưng ngựa.

 


Sau 2 năm 6 tháng, hình tượng Thánh Gióng cùng chú ngựa đã hoàn thiện với chiều cao 1,94m; dài 2,12m; rộng 55cm, nặng 300kg. Cả bờm và đuôi ngựa làm từ rễ tre. Còn cây roi của Thánh Gióng lấy từ gốc tre.


13. Ảnh kỹ thuật số có độ phân giải lớn nhất

Anh Dương Vi Khoa cùng cộng sự Nguyễn Huy Trung Dũng mất khoảng 2 tiếng chụp liên tiếp 1000 bức ảnh 16 megapixel bằng máy ảnh Canon EOS 1D Mark IV và ống kính Canon EF 400 mm f/5.6L cùng một số phụ kiện khác trên đỉnh tòa nhà BIDV 25 tầng của Hà Nội, ghi lại toàn cảnh hồ Gươm, khu phố cổ và một phần của thủ đô ở góc nhìn rất rộng và rõ đến từng chi tiết.

Bức ảnh kĩ thuật số có độ phân giải lớn nhất.

Sau đó, anh Dương Vi Khoa bỏ ra hơn 24 giờ xử lý và ghép ảnh với máy tính chuyên dụng HP Z800 để tạo nên tấm hình có kích cỡ 6,1 Gigapixels rõ đến từng chi tiết về thủ đô của Việt Nam. Khi phóng to, người xem còn có thể thấy được cả biển số xe trên đường. Nếu in ở độ phân giải 72 dpi, ảnh có diện tích khoảng 770 m2.


14. Người đầu tiên phục hồi làm hoa sen bằng giấy

Từ năm 2008, ông Thân Văn Huy (làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã nghiên cứu để phục hồi hoa sen làm từ giấy. Ông đã tìm loại giấy thích hợp, chịu đựng được nắng mưa và tìm ra phương pháp nhuộm màu để hoa sen tuy làm từ giấy nhưng vẫn đạt được màu sắc như tự nhiên.

Hoa sen bằng giấy được phục hội một cách tự nhiên.

Vốn là một họa sĩ nên ông Huy đã nhanh chóng học hỏi để nắm bắt, tìm hiểu nhằm phục hồi hoa sen làm từ giấy theo cách tạo hình gần với tự nhiên nhất. Vì vậy, khi nhìn những hoa sen bằng giấy do ông Huy và cộng sự làm ra trông giống như những hoa sen thật.

15. Người đầu tiên tạo màu sắc hoàn toàn từ rau củ cho bánh phở

Chị Thanh Nguyên suy nghĩ: “Sao lại không thử làm ra bánh phở nhiều màu sắc?... Xung quanh mình đa dạng các loại cây củ quả mà mỗi loại lại có màu sắc đặc trưng, hấp dẫn. Sao không dùng nguồn màu sắc phong phú này”? Nghĩ là làm. Từ tháng 8/2009, chị đã thử với cải xanh cho ra bánh phở màu xanh lục, với bí đỏ cho ra màu vàng, với quả gấc cho màu cam, gạo lứt cho màu nậu, cải tím ra màu tím…

Chị Thanh Nguyên đang sáng tạo ra những loại bánh phở có đủ màu sắc.

Chị Thanh Nguyên đã mở quán phở Hai Thiền tại 16 Bùi Viện, quận 1 (TP.HCM) để phục vụ khách trong và ngoài nước thưởng thức món phở có những màu sắc hấp dẫn và ấn tượng chế biến hoàn toàn từ rau củ.

16. Bức tranh ghép ngôi sao giấy lớn nhất

41 sinh viên tình nguyện đến từ các khoa trong trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp. Hồ Chí Minh (HUFLIT) đã tập hợp lại, dùng những tờ giấy A4 cũ bỏ đi, cùng với giấy màu để xếp thành 35.000 ngôi sao nhỏ bằng giấy. Sau đó, xếp những ngôi sao này thành một bức tranh thể hiện hình ảnh bàn tay con người đang nâng niu quả địa cầu với các lục địa xanh, cùng dòng chữ “Mùa Hè Xanh 2010 HUFLIT - Vì một hành tinh xanh”. Sau 16 ngày xếp giấy ghép tranh, bức tranh hoàn thành có chiều dài 5m và rộng 3,58m.

Bức tranh ghép ngôi sao giấy lớn nhất.

17. Rồng làm bằng nắp chai dài nhất

Các sinh viên thuộc Nhóm Môi Trường Xanh - Khoa Khoa học môi trường - trường Đại học Sài Gòn đã tiến hành thực hiện thu gom rất nhiều nắp các chai nhựa đã qua sử dụng để ghép thành bức tranh hình con rồng mang tên “Rồng Việt”.

Tác phẩm Rồng được làm bằng nắp chai nhiều nhất.

Trong vòng 10 ngày (từ 1/10 đến 10/10/2010), các sinh viên đã thu gom đủ 101.010 nắp chai với 101.010 chữ kí của sinh viên và những người dân thành phố trên các nắp chai. Bức tranh này dài 30m, rộng 4,7m,  ghép thành hình con rồng uốn lượn.


Mặt sập hai lá ghép, nếu không tinh mắt thì không nhìn ra vết ghép, được khảm tích tam đại đồng đường; bốn góc chân khảm mai - sen - cúc - trúc. Tác phẩm nghệ thuật này phải mất hai năm (từ 1998 đến 2000) để hoàn thành.

18. Sập gỗ khảm ốc xà cừ kỹ thuật - mỹ thuật tinh xảo nhất (Tích Bách điêu châu hoàng)

Cùng với sập gỗ tích Tam đại đồng đường, ông Trần Quang Khải đặt làm sập khảm thứ hai lấy tích Bách điểu chầu hoàng làm chủ đề chính, cũng với kích thước 1,6m x 2m, làm từ gỗ trắc khảm ốc xà cừ độc mầu hoa lý, vàng chanh, đỏ lửa.

Tích Bách điêu châu hoàng.

Mặt sập hai lá ghép, được khảm tích bách điểu chầu hoàng (một trăm con chim chầu chim phượng hoàng), bốn góc sập khảm hoa lá song thọ, cạnh bên sập khảm tích hồng - công (hoa hồng và chim công); bốn góc chân khảm quả lê - na - đào - lựu. Sập gỗ nghệ thuật này phải mất hai năm (1998-2000) để hoàn thành.  

19. Hai anh em ruột ăn ớt nhiều nhất cùng một lúc

Anh Bùi Ngọc Vinh và anh Bùi Ngọc Khánh là anh em ruột, sống tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh Vinh 43 tuổi, anh Khánh 40 tuổi.

Hai anh em Bùi Ngọc Vinh và Bùi Ngọc Khánh đang trổ tài ăn ớt của mình.

Điểm đặc biệt là trong 9 người anh chị em ruột chỉ có hai anh là có khả năng “miễn nhiễm” với vị cay của ớt. Hai anh ăn một lúc cả ký ớt cao sản (thứ ớt cay nổi tiếng ở Huế mà mọi người thường gọi chệch đi là “cay sảng”) chỉ trong khoảng 10 phút. Các anh không chỉ ăn mà còn làm những động tác bẻ từng trái ớt rồi “xát”, “chà” mạnh lên mặt, lên miệng, lên mũi, lên mắt, lên da… Tuy nhiên, thân thể, ngũ quan của hai anh không thấy có phản ứng với chất nóng hay vị cay của ớt.

20. Người làm chiếc diều hình tôm càng lớn nhất

Từ 11/3/2010 đến 10/6/2010, ông Phạm Mạnh Hùng, cùng với anh em trong CLB diều Sài Gòn đã thực hiện chiếc diều hình tôm càng. Các anh đã lên 89 bản vẽ, và dùng các loại máy may chuyên dụng để ráp nối các phần lại với nhau.

Chiếc diều hình tôm càng lớn nhất do ông Phạm Mạnh Hùng thiết kế.

Sau khi hoàn thành, chiếc diều hình tôm càng đã đạt kích thước, trọng lượng như sau: dài 34,7m, rộng 15m, dày 4m (khi thả), nặng 54kg làm từ 750m vải ny-lông dầu 2 da (khổ vải 1,5m). Khi thả con diều này lên trời, họ phải dùng loại dây ny lon 7 ly nhập từ Pháp. Trong cuộc thi thả diều tổ chức ngày 12/6/2010 tại Hội An (Quảng Nam), con diều hình tôm càng được thả ở độ cao 70m và đã đoạt giải nhất.

21. Gia đình có nhiều người nổi trên mặt nước nhất

Vào một ngày đầu tháng 4 năm nay (2010), ông Hứa Văn Bạch hiện sống ở tại ấp Tân Thới B, xã Tạ An Phương Đông, huyện Đầm Dơi 4, ra sông tắm bị  một chiếc đò chạy ngang qua tạo nên luồng sóng mạnh đã kéo ông ra giữa sông. Nhưng ông Bạch không chìm mà cả thân người đều nổi.

Gia đình có nhiều người nổi trên mặt nước đang trổ tài chơi đàn khi cả thân người nổi trên mặt nước.

Con trai, anh Hứa Tây Hạ, 29 tuổi và người em thứ 6 của ông Bạch là ông Hứa Hoàng Cương, 47 tuổi, ở ấp Tân Thới B, xã Tạ An Phương Đông, huyện Đầm Dơi cũng có khả năng như vậy.

22. Chiếc giày da nam lớn nhất

Hưởng ứng cuộc thi thiết kế tạo mẫu giày lần thứ 2-2007, Hội da giày xã Phú Yên đã thực hiện một chiếc giày da nam nặng 70kg do 20 nghệ nhân làm bằng tay trong 60 ngày. Đây là cuộc thi do Hiệp hội da giày Việt Nam và tạp chí Thời trang trẻ tổ chức có chủ đề “Nhịp bước thời đại”.

Chiếc dày da nam lớn nhất.

Trong quá trình làm chiếc giày da nam, các nghệ nhân đã đục gần 5.000 lỗ to nhỏ để trang trí và khâu, 2.000 răng cưa trang trí, sử dụng 40m2 da bò cao cấp, 300m chỉ khâu, pho mếch để gò 12m2, một thùng keo gò 10kg. Chiếc giày có hai màu nâu và sáng dài 2,72m, ngang 1,1m, cao 1,3m.

23. Cửa hàng có số mẫu Cà vạt nhiều nhất

Cửa hàng thời trang cao cấp Creations - được thành lập năm 1999 - đã đầu tư nghiên cứu, thiết kế những mẫu cà vạt đặc sắc, ấn tượng Cửa hàng hiện có 1.200 mẫu cà vạt khác nhau được bày bán.

Cửa hàng có số mẫu cà vạt nhiều nhất.

Với nhiều họa tiết, màu sắc, chất liệu đa dạng, các khách hàng của Creations sẽ không mấy khó khăn để tìm ra những chiếc cà vạt phù hợp nhất đối với lứa tuổi, trang phục và sở thích của bản thân hoặc những người mình muốn dành tặng.

7 kỷ lục còn lại mới được xác lập gồm:

 

Người đàn ông có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất

Trong 16 năm qua, từ từ ngày 6/6/1995 đến ngày 24/8/2010, anh Nguyễn Hữu Thuận đã tham gia hiến máu tình nguyện tại Trung tâm hiến máu nhân đạo thành phố Hồ Chí Minh liên tục tổng cộng 63 lần với 115 đơn vị máu hiến, tương đương với 28,75 lít máu.

 

Nhạc sư cao tuổi nhất dạy âm nhạc dân tộc trực tuyến cho học trò qua Internet

Ông Nguyễn Vĩnh Bảo, 92 tuổi. Qua Internet ông dạy nhạc trực tuyến cho học trò. Những học trò này, người thì ở Canada, người ở Mỹ, người ở Pháp… Hằng ngày, bằng e-mail, bằng webcam ông kiểm tra, đánh giá sự tiếp thu của họ. Học trò của ông không chỉ là những người trẻ mà nhiều người lớn tuổi có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ. Ông dạy nhạc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Năm 2008, ông đã được Tổng thống Pháp tặng Huân chương Officier des Arts et des Lettres - phần thưởng cao quý của nước Pháp dành cho những nghệ sĩ có cống hiến to lớn cho nghệ thuật và văn chương.

 

7. Người đầu tiên đưa các loại rau ôn đới trồng tại vùng có thời tiết nắng nóng

Ông Nguyễn Mân nhờ mối quan hệ với hãng hạt giống Takii Seed mà được biết về một loại cải bắp, cải bông có sức chịu đựng thời tiết nắng nóng, là giống cải bắp KK Cross và giống cải bông Tropicana. Từ việc trồng thử nghiệm thành công vào năm 1986, sau đó rau này đã đã trồng rộng rãi ở Gò Vấp, Tân Bình, Củ Chi, Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh)… và nhiều tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.

Nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu lá Thốt nốt nhiều nhất

Ông Võ Văn Tạng nhận thấy những ưu điểm của lá thốt nốt. Ông làm tranh từ lá thốt nốt bắt đầu từ năm 1999. Đến năm 2003 ông Tạng đã mở cơ sở sản xuất.

Đến nay ông Tạng đã làm ra trên 10.000 bức tranh từ chất liệu lá thốt nốt với nhiều đề tài, kích thước khác nhau. Nhưng nhiều nhất vẫn là các tranh về phong cảnh làng quê Việt Nam, đền thờ Bác Tôn, chân dung Bác Hồ, Bác Tôn, thư pháp, ảnh nghệ thuật, loài vật…

 

Người phát hành tranh chữ thư pháp vẽ tay nhiều nhất

Từ năm 2003 đến năm 2010, các sản phẩm tranh chữ thư pháp do nhà thư pháp Lưu Thanh Hải phát hành có mặt trên 100 nhà sách lớn và siêu thị trên toàn quốc. Toàn bộ các tranh thư pháp đều được viết và vẽ thủ công trên nhiều chất liệu đa dạng: gỗ và đá lát mỏng, đá cuội, đá đen, liễn giấy, mành tre, khung tranh. Trong 10 năm, đã có trên 150.000 sản phẩm tranh chữ thư pháp vẽ tay do nhà thư pháp Lưu Thanh Hải phát hành đến với khách yêu thư pháp chữ Việt

 

“Nhịp cầu nhà nông” – chương trình truyền hình khoa giáo trực tiếp có thời gian phát sóng dài nhất

Đây là chương trình truyền hình khoa giáo trực tiếp về lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp giúp bà con nông dân trong sản xuất.

Chương trình phát sóng hai tuần một kỳ vào lúc 20 giờ ngày chủ nhật và lần phát sóng lần thứ 257 vào tối 24/10/2010. Như vậy, Nhịp cầu nhà nông đã được 10 năm và tiếp tục phát sóng.

 

Sập gỗ khảm ốc xà cừ kỹ thuật - mỹ thuật tinh xảo nhất (Tích Tam đại đồng đường)

Từ niềm đam mê đối với nghệ thuật khảm xà cừ, ông Trần Quang Khải (thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội) đã tìm về làng nghề khảm xà cừ Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên để đặt làm riêng cho mình một bộ sập gỗ khảm trai với độ tinh xảo cao. Sập gỗ đầu tiên khảm tích cổ Tam đại đồng đường có kích thước 1,6m x 2m, làm từ gỗ trắc khảm ốc xà cừ độc mầu hoa lý, vàng chanh, đỏ lửa.

 

 



Dương Lãng Hoàng
(Ảnh: Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn