3 giờ vật vã trong 'lò' luyện thi công chức thuế

Thời sựThứ Sáu, 12/09/2014 06:21:00 +07:00

(VTC News) - Không khí tại các lò luyện thi công chức thuế đông đúc chẳng kém gì cảnh chen chúc xếp hàng nộp hồ sơ trước trụ sở Cục thuế TP. Hà Nội.

(VTC News) - Không khí tại các lò luyện thi công chức thuế đông đúc chẳng kém gì cảnh chen chúc xếp hàng nộp hồ sơ trước trụ sở Cục thuế TP. Hà Nội. 

Ồ ạt vào lò luyện công chức
Phóng viên VTC News đến tìm hiểu một khoá luyện thi công chức thuế được tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. 
Tại đây, chúng tôi được chứng kiến cảnh đông đúc, náo nhiệt không thua là mấy so với cảnh xếp hàng nộp hồ sơ ứng tuyển công chức trước cổng trụ sở Cục thuế TP. Hà Nội tháng trước.
Mặc dù 18h hàng ngày lớp học mới chính thức diễn ra nhưng trước đó 30 phút, rất đông học viên đã kéo đến kín cả hội trường chính của bảo tàng.
 Lớp học diễn ra khá nghiêm túc trong thời gian đầu buổi học.
Tại đây, những câu chuyện về kỳ thi tuyển cũng như về ngành thuế đã được các “công chức tương lai” bàn luận rôm rả.
Một học viên bày tỏ sự lo lắng với bạn mình: “Sau khoá học này, chị có học thêm khoá Tin học với Tiếng Anh không? Em nghe nói, nếu phần thi kiến thức chung về thuế được điểm cao nhưng phần thi Tin học và Tiếng Anh không đạt thì cũng bị loại đấy.”
Đáp lại câu hỏi, cô bạn đi bên cạnh bảo: “Chỉ học khoá này đã mất 2 triệu rồi mà chưa biết có tác dụng gì không. Nếu học thêm Tin học với Tiếng Anh nữa thì tốn kém quá. Với lại, thi mà không đỗ thì mất cả đống tiền đấy chứ đừng đùa!”
Qua vài lời hỏi thăm, một người đàn ông quê Hải Phòng cho biết: “Ở quê anh năm nay chỉ tiêu khoảng 90 người mà nghe nói đã có 900 hồ sơ dự thi. Tỉ lệ chọi cao như vậy, không biết mình có đỗ được không?”
Nghe tới đây, một cô gái quê ở Thanh Hoá nói xen vào: “Thế chưa là gì đâu anh. Ở quê em, hôm nộp hồ sơ cũng phải xếp hàng dài chẳng kém gì Hà Nội đâu!”
 Cuốn giáo trình khoảng 400 trang được phát cho học viên.
Khi PV hỏi, tại sao tỉ lệ người thi đông, lương công chức lại thấp mà các anh chị vẫn muốn thi, chị H. ở Long Biên thẳng thắn nói: 
“Vấn đề tài chính với chị không phải là mục đích hàng đầu. Chị ở Long Biên, muốn có việc làm ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình nên mới thi vào Cục thuế. Nhưng với các bạn ở tỉnh khác, nếu làm công chức với mức lương Nhà nước thì không biết sẽ sống thế nào khi phải thuê nhà, ăn uống tại Hà Nội đắt đỏ này.”
Về vấn đề này, anh C. quê ở Hưng Yên cho rằng: “Người ở tỉnh lẻ thì làm sao có thể sống được ở Hà Nội nếu chỉ dựa vào lương Nhà nước. Chắc chắn là phải có các khoản phụ cấp, hay thu nhập khác ngoài lương chứ. Cứ thi đỗ đi đã rồi hẵng hay. Nhiều người làm ngành thuế họ vẫn sống tốt, thậm chí là giàu có đấy thôi.”
Tại lò luyện thi, chúng tôi nhận thấy rất nhiều học viên là các sinh viên mới ra trường. Theo các ứng viên này, lý do họ muốn thi vào công chức chỉ vì đang thất nghiệp và không cần phải có kinh nghiệm làm việc.
“Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu về kinh nghiệm rất cao. Em mới tốt nghiệp nên chưa có kinh nghiệm. Dù sao em cũng chưa xin được việc làm. Xem thông báo tuyển dụng thì thấy mình đủ điều kiện ứng tuyển nên đã nộp hồ sơ. Nếu thi đỗ thì tốt, còn không thì cũng không sao cả,” học viên T., quê ở Quảng Ninh, mới tốt nghiệp Học viện Tài chính, dự thi vào Cục thuế TP. Hà Nội nói.
3 giờ vật vã trong “lò” luyện thi
Theo tìm hiểu của PV, các khoá luyện thi công chức ngành thuế tại Bảo tàng Phụ nữ do Công ty CP Đầu tư, Tư vấn và Phát triển Doanh nghiệp TANET đứng ra tổ chức. Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế là người được mời làm giảng viên đứng lớp.
Khi tham gia khoá học này, mỗi người phải đóng 2 triệu đồng cho 7 buổi học, mỗi buổi kéo dài 3 giờ. Nếu học thêm Tin học hoặc tiếng Anh thì học viên phải đóng thêm 800.000 cho mỗi khoá kéo dài 4 buổi. Họ đăng ký học trực tiếp hoặc trên website: tanet.vn và chuyển khoản thanh toán tiền trước cho đơn vị tổ chức. 
 
 
Ngủ gật tại lò luyện thi. 
Trước giờ học, đơn vị tổ chức đã cử 4-5 nhân viên đứng ngoài cửa để soát phiếu học của từng thành viên tham gia khoá học. Phải rất khó khăn, chúng tôi mới tránh được sự kiểm soát gắt gao này để vào lớp với tư cách là một học viên.
Đúng 18h, hội trường với sức chứa khoảng 350 người hầu như không còn một chỗ trống. Trước khi giảng viên giảng bài, một nữ nhân viên của đơn vị tổ chức đã đứng lên nhắc nhở học viên về việc đóng học phí cho khoá học, đồng thời giới thiệu thêm 2 khoá học khác về Tin học và Tiếng Anh do đơn vị này tổ chức.
Lấy lý do là người đã đăng ký nhưng có việc bận nên bây giờ mới có thời gian theo học, PV ghé sang hỏi một học viên ngồi cạnh rằng cô dạy có hay không? Học viên này trả lời: “Nội dung học thì nhiều, cô giáo lại nói từ đầu đến cuối buổi học nên cũng không nắm được bao nhiêu. Càng học càng nhàm chán. Không biết học thế này có giúp ích gì cho mình được không.”
Đúng như lời học viên này nói, một mình giảng viên “độc diễn” có lẽ là mô tuýp phổ biến của các khoá luyện thi cấp tốc như vậy. Trong khoảng 15 phút đầu giờ học, giảng viên có dành một chút thời gian ngắn ngủi để mời 1 học viên phát biểu về cách làm bài tập thuế. Toàn bộ thời gian kéo dài gần 3 giờ còn lại, giảng viên ngồi trên bục giảng và nói một mạch theo giáo trình điện tử đã được soạn sẵn.

Sao lắm người thi vào Thuế đến vậy?
Trong quá trình giảng bài, giảng viên có đưa ra một số đề thi của các kỳ thi tuyển công chức ngành thuế những năm trước. Trong đó có đề bài: 
“Điều 15 Luật cán bộ công chức năm 2008 quy định: ‘Cán bộ công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ’. Anh/chị hãy phân tích quy định trên. Nếu được tuyển dụng vào làm công chức thuế, anh chị sẽ thực hiện quy định trên như thế nào?”
Khi giảng viên đưa ra đề bài này, PV chờ đợi một cuộc thảo luận sôi nổi của các học viên. Thật đáng tiếc, giảng viên chỉ dừng lại ở việc kết luận, “đây là một câu hỏi hay nhưng mà khó”, rồi chuyển sang nội dung khác.
 Nhiều học viên tỏ ra mệt mỏi.
Không phải là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực thuế nên PV không thể nhận định được nội dung giảng dạy của giảng viên có chất lượng ra sao. Tuy nhiên, theo quan sát thì hàng trăm học viên tại lò luyện này chỉ chăm chú lắng nghe, ghi chép trong khoảng 1 giờ đầu tiên của buổi học.
Thời gian sau đó, nhiều người tỏ ra mệt mỏi, nói chuyện riêng, thậm chí là nằm ra bàn để ngủ. Đặc biệt, tới 20h, sau giờ giải lao giữa buổi khoảng 5 phút, nhiều học viên đã lục đục ra về, để lại hàng loạt chỗ trống trong hội trường.
Liên quan đến “câu hỏi hay nhưng mà khó” nói trên, khi đưa tra câu hỏi này, giảng viên bỗng ngừng lại rồi chia sẻ với học sinh về câu chuyện “tại sao lại có quá nhiều người thi vào ngành thuế như vậy”.
Bà nói, thời gian qua, nhiều người hỏi tôi là “ngành thuế có gì hay sao mà nhiều người dự thi đến thế?” Tôi không thể trả lời câu hỏi này và cũng không biết trả lời ra sao. Thi vào công chức nói chung đều rất khó chứ không chỉ có ngành thuế, chỉ tiêu ít nhưng người dự thi lại nhiều. 
Theo tôi thì có nhiều lý do khiến đông người dự thi. Trước hết, có thể do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp tư nhân phá sản nên người ta nghĩ vào công chức sẽ ổn định hơn. Những gia đình có điều kiện kinh tế lại muốn con cái họ vào công chức để được ổn định, được rèn luyện và công việc nhàn hạ hơn.
Tôi nghĩ mọi người thi vào công chức thuế không phải để tìm cách "ăn" của doanh nghiệp. Đó là điều không tốt. Nhưng vấn đề này thời gian qua được nhắc đến rất nhiều. Đi đâu tôi cũng thấy người ta nói và hỏi chuyện đó. Vậy ‘nếu được tuyển dụng vào làm công chức thuế, anh chị sẽ thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư như thế nào?’ Đây là một câu hỏi hay nhưng mà khó”,  giảng viên nói.
21h, buổi học kết thúc, PV rời lớp học trong tình trạng vừa đói vừa mệt. Thế mới biết, để nuôi ước mơ làm công chức ngành thuế, các ứng viên đã phải vất vả và tốn kém tiền bạc như thế nào.

Tổ chức kiếm bộn tiền

Chưa biết có bao nhiêu ứng viên trong lò luyện thi này sẽ vượt qua kỳ thi công chức vào 1 tháng tới đây, nhưng chắc chắn những lớp học như vậy đang là cơ hội kiểm tiền tỷ cho các doanh nghiệp như TANET.
Tính trung bình một lớp học có 350 học viên, với học phí 2 triệu đồng/người thì sau một khoá học 7 buổi, đơn vị tổ chức đã thu về khoảng 700 triệu đồng. Được biết, tính tới thời điểm này, Công ty TANET đã tổ chức ít nhất 3 khoá học như vậy. 
Hiện không chỉ có Công ty TANET mà các lò luyện thi công chức đang được thành lập ở nhiều nơi khác. Chỉ cần gõ cụm từ "luyện thi công chức thuế 2014" trên công cụ tìm kiếm google, người ta có thể nhận được hàng trăm nghìn kết quả trong vòng chưa tới 1 giây. Điều này cho thấy, dịch vụ luyện thi công chức thuế đang hút khách như thế nào!

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn