2.851 người chết, bị thương trong 15.906 vụ cháy ở VN

Thời sựThứ Sáu, 16/07/2010 06:38:00 +07:00

(VTC News)- Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng cháy chợ. Khác với cháy ở các khu công nghiệp, cháy chợ thường hay xảy ra vào ban đêm, gây thiệt hại nghiêm trọng.

(VTC News) - Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng cháy chợ. Khác với cháy ở các khu công nghiệp, cháy chợ thường hay xảy ra vào ban đêm và gây thiệt hại nghiêm trọng (gần 80% số vụ).

Là nội dung được Bộ Công an đưa ra tại buổi đánh giá dự án nhằm mục đích điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn, tại các khu Công nghiệp, khách sạn, chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, các cơ sở trọng điểm quốc gia...

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2000 – 2009, trên địa bàn cả nước xảy ra 15.906 vụ cháy, làm 2.851 người chết và bị thương, gây thiệt hại trực tiếp về tài sản trị giá 3.291 tỷ đồng. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do điện và sự cố thiết bị (chiếm 82,1%).

Tình hình cháy nổ vẫn diễn biến rất phức tạp (Ảnh: internet)

Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng cháy chợ với diễn biến phức tạp, từ năm 2006 đến 4/2010, đã xảy ra 77 vụ, gây thiệt hại 229,3 tỷ đồng. Khác với cháy ở các khu công nghiệp, cháy chợ thường hay xảy ra vào ban đêm và gây thiệt hại nghiêm trọng (gần 80% số vụ) với nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do sơ xuất và sự cố thiết bị điện.

Dự án được Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai có hiệu quả tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ nhìn nhận  ý thức chấp hành các quy định an toàn PCCC của quản lý, người lao động thấp dẫn đến những vi phạm quy định trong việc sử dụng ngọn lửa trần, cắt, hàn kim loại, thắp hương thờ cúng, sử sụng bếp gas, bếp dầu, bếp than…

Bộ Công an cho rằng các nhà cao tầng, phải xây dựng, hoàn chỉnh phương án chữa cháy, thoát nạn và cứu nạn, cứu hộ. Khoảng cách an toàn PCCC tại các nhà cao tầng phải được thực hiện triệt để nhằm giảm bớt nguy cơ gây cháy và cháy lan, cháy lớn. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao rà soát, phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy nổ toàn bộ hàng hóa, vật tư nguyên liệu có nguy cơ cao để bố trí, sắp xếp, bảo quản, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các khách sạn, quản lý chặt chẽ các chất cháy, nguồn nhiệt, làm tốt vệ sinh công nghiệp đặc biệt là những nơi có nguồn nguy hiểm cháy nổ cao như bếp, khu giặt là, khu chứa gas, gara xe…

Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến rất phức tạp. Cần thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, xem đây là nhân tố quyết định trong việc xử lý sự cố cháy nổ.

Gia Minh- Uy Vũ
Bình luận
vtcnews.vn