'Quả bom Iran' chỉ nổ, không thể gỡ?

Thế giớiThứ Bảy, 21/01/2012 04:00:00 +07:00

(VTC News) – Một trong những luận điểm chính yếu của Iran là việc Israel có sức mạnh hạt nhân cũng như việc Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép đối với Israel và Iran.

(VTC News) – Nhận định siết chặt lệnh trừng phạt đối với Iran là biện pháp có hiệu quả nhất buộc Iran thỏa hiệp, “cấm vận dầu mỏ” đối với Iran là biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất, gần một tháng nay, Mỹ đã mở “cuộc chiến ngoại giao” với Iran trên toàn thế giới, cố gắng xây dựng một liên minh cấm vận dầu mỏ quốc tế nhằm cô lập và trừng phạt Iran.

"Liên minh cấm vận dầu mỏ quốc tế"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner vừa kết thúc chuyến thăm Châu Á, thuyết phục Trung Quốc và Nhật Bản giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. 

Ngày 16/1, ông Robert Einhorn - cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Hàn Quốc. Trong thời gian viếng thăm, ông đã hội kiến với các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng đồng quốc tế hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, hơn nữa truyền tải lập trường của chính phủ Mỹ trên các vấn đề như trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ đối với Iran.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner 

Trong thời gian ông Timothy Geithner thăm Trung Quốc và Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ William Burns cũng bắt đầu chuyến thăm hai ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những khách hàng lớn của Iran. Được biết, ông William Burns đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hai kiến nghị là “đóng cửa các ngân hàng của Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ”“giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran”

Nhằm tăng sức nặng cho lời đề nghị, ông William Burns đã đi từ thuyết phục với nguyên nhân “các ngân hàng của Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ Iran mua nguyên liệu hạt nhân” đến hăm dọa “nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác với các ngân hàng của Iran thì sẽ mất rất nhiều đối tác hợp tác là các ngân hàng của Mỹ”. 

Thành công lắm, thất bại nhiều

Nhìn chung, những nỗ lực ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới đã đạt được hiệu quả nhất định nhưng cũng gặp phải nhiều trở ngại. 

Với lời kêu gọi của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý áp dụng lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Iran. Nhật Bản cũng bày tỏ “sẽ cân nhắc vấn đề giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran”.

Tuy nhiên, ông William Burns đã gặp trở ngại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dầu mỏ của Iran chiếm 30% số dầu mỏ nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy không trực tiếp từ chối nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã khước từ khéo Mỹ bằng cách bày tỏ “sẽ tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, không làm theo bước đi trừng phạt của Mỹ và Châu Âu"

Được biết, trước khi ông William Burns thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thăm Tehran, tuyên bố quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang ở vào giai đoạn tốt nhất trong 400 năm trở lại đây.

Ngoại trưởng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp tại Tehran 

Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có rất nhiều ý kiến bảo lưu đối với kế hoạch cấm vận dầu mỏ của Mỹ. Ví dụ: giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran trong bao lâu, giảm bao nhiêu…

Ông Timothy Geithner kết thúc chuyến thăm Châu Á chưa được bao lâu, Mỹ lại tuyên bố trừng phạt Công ty Chu Hải Chấn Nhung (Zhuhai Zhen Rong Company) của Trung Quốc với lý do công ty này có giao dịch thành phẩm với Iran. Ngoài công ty của Trung Quốc, lệnh trừng phạt còn được áp dụng đối với Công ty dầu Kuo của Singapore và FAL của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hiện nay, vấn đề mà hầu như tất cả các quốc gia đều đặt ra cho Mỹ là nếu cấm vận xuất khẩu dầu mỏ đối với Iran thì ai bổ sung lượng dầu mỏ thiếu hụt trên thị trường? Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có khả năng này không? Nếu giá dầu tăng cao vì lệnh cấm vận dầu mỏ tác động đến nền kinh tế các nước thì ai chịu trách nhiệm?

Iran: "Ăn miếng trả miếng"

Đối mặt với “liên minh cấm vận dầu mỏ quốc tế” do Mỹ dày công xây dựng, Iran đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” trên lĩnh vực ngoại giao.

Một mặt đe dọa “phong tỏa eo biển Hormuz”, thề “không cho một giọt dầu đi qua eo biển này”; mặt khác, Iran cổ súy tác động của của lệnh cấm vận đến thị trường dầu mỏ quốc tế và đe dọa những nước có ý định thay thế Iran cung cấp dầu mỏ cho thế giới. 

Nhà máy hóa dầu của Iran tại phía nam Tehran 

Ngày 15/1, khi nói đến phương tây có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, ông Mohammad Ali Khatibi - đại diện Iran tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố: Nếu các nước xung quanh phía nam Iran sử dụng dầu mỏ của nước khác thay thế dầu mỏ của Iran thì những nước khác này sẽ bị coi là đồng lõa với phương Tây".

Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Bất cứ hành động nào nhằm thay thế xuất khẩu dầu mỏ của Iran đều có nghĩa là tham gia vào trò chơi chính trị rất nguy hiểm".

Theo báo cáo, tại Hội nghị Ngoại trưởng tổ chức vào ngày 23/1 tới đây, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ thảo luận vấn đề có liên quan đến việc thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran. Saudi Arabia – quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - từng tuyên bố nước này đã sẵn sàng bổ sung lượng dầu mỏ thiếu hụt nếu Iran bị trừng phạt.

Mỹ - Iran tiếp xúc thông qua kênh đặc biệt

Đúng lúc 3 tàu sân bay của Mỹ (tàu sân bay Carl Vinson, tàu sân bay USS John C. Stennis CVN-74 và tàu sân bay USS Abraham Lincoln CVN-72) tiến sát Iran, bóng đen chiến tranh bao trùm eo biển Hormuz, Tehran lại bất ngờ đưa tin Mỹ và Iran đang tiếp xúc thông qua kênh đặc biệt.

Ngày 15/1, chính phủ Iran tuyên bố nước này nhận được một lá thư từ chính phủ Mỹ. Được biết, bức thư này đến Iran qua 3 kênh: lần lượt thông qua Tổng thống Iraq Jalal Talabani, đại diện Iran tại Liên Hợp Quốc và đại sứ Thụy Sỹ tại Iran. 

Mỹ và Iran không tiết lộ nội dung cụ thể của bức thư bí mật này, chỉ cho biết đây là thư Mỹ gửi Iran về việc Tehran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz.

Bản đồ eo biển Hormuz 
 
Đồng thời, Iran cũng gửi cho đại sứ Thụy Sỹ tại Iran bức thư nói về nhà khoa học Iran bị ám sát. Trong thư, Iran bày tỏ: “Iran có đẩy đủ chứng cứ chứng minh cái chết của nhà khoa học Iran là hành động ám sát do Cục điều tra Liên bang Mỹ thực hiện có chủ đích”. Phía quân đội Iran cũng tuyên bố: “Mỹ, Anh và Israel phải chịu trách nhiệm về vụ việc này”.

Trời không chịu đất...
Tuy các nước như Mỹ, Anh nhiều lần nhấn mạnh “tất cả lựa chọn chính sách đối với Iran đều đặt trên bàn, bao gồm cả chiến tranh” nhưng đối đáp ngoại giao chỉ là một chuyện, còn chính sách thực tế lại là một chuyện khác. Quan chức và các cơ quan nghiên cứu của Mỹ đều nhận định “chiến tranh không phải là lựa chọn tốt nhất, đặc biệt là trong năm tổng tuyển cử tại Mỹ”.

Vấn đề đặt ra hiện nay là hình như Mỹ - Iran đã rơi vào thế lưỡng nan: trong bối cảnh đặc thù của tình hình chính trị trong nước và quốc tế, không nước nào muốn nhượng bộ. 

Trong khi đó, một số chuyên gia của Mỹ bắt đầu phê bình chính sách cứng rắn của chính phủ đối với Iran. Các viện nghiên cứu chiến lược thì nhận định: “Con đường cuối cùng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran vẫn là đàm phán ngoại giao”.
Phía Iran cũng có những dấu hiệu tích cực. Ngày 12/1, ông Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội Iran tuyên bố: “Iran đồng ý khởi động lại bàn đàm phán P5+1 (5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) để thảo luận về việc giải quyết hạt nhân"
Mỹ và Iran: "Trời không chịu đất, đất cũng không chịu trời". 

Ngày 13/1, một nhân sĩ ngoại giao cho biết Iran đã bước đầu đồng ý IAEA cử đoàn quan sát đến Iran kiểm tra vào tháng 1 này.
Ngày 18/1, tại buổi họp báo được tổ chức tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Iran đã sẵn sàng khởi động lại đàm phán hạt nhân với sáu nước (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức)”.  

Tuy nhiên, một vấn đề khác lại xuất hiện là hai nước có thể đạt được thỏa thuận mà tất cả các nước đều có thể chấp nhận được hay không. 

Trong khi đó, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ chia sẻ: “Một số người thường cho rằng vấn đề Iran chỉ có hai lựa chọn: cho phép Iran có vũ khí hạt nhân hoặc tấn công Iran trước khi nước này có vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, vấn đề Iran còn có một phương án giải quyết khác, cũng là phương án giải quyết hòa bình, đó là xây dựng khu vực Trung Đông không hạt nhân”.

Lý lẽ của khuynh hướng thứ 3: Một trong những luận điểm chính yếu của Iran là việc Israel có sức mạnh hạt nhân cũng như việc Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép đối với Israel và Iran. Nếu Mỹ có thể xây dựng khu vực Trung Đông không hạt nhân thì vấn đề hạt nhân của Iran có thể được giải quyết hòa bình.

Trên thực tế, một Israel không hạt nhân chắc chắn sẽ được thế giới Arab ủng hộ; nhưng có khả thi hay không lại là chuyện hoàn toàn khác, khi mà chính Mỹ đã đỡ đầu cho Israel trong tất cả những chương trình này và những thế lực thân Do Thái thì vẫn hoạt động không ngừng bên hành lang nghị viện Mỹ.
Sáng Nguyễn


Bình luận
vtcnews.vn