Kim Jong-un, rốt cuộc anh là ai?

Thế giớiThứ Năm, 29/12/2011 08:54:00 +07:00

Cũng giống như cha và ông nội là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, mọi chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của Kim Jong-un từ trước đến nay đều là ẩn số.

Trong khi cả đất nước CHDCND Triều Tiên nước mắt đau thương bên linh cữu của Chủ tịch Kim Jong-il thì đồng thời, khắp các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới, cái tên được vang lên nhiều nhất, bình luận nhiều nhất, đặt câu hỏi nhiều nhất,.. chính là tên người con trai út chưa đầy 30 tuổi của ông - Kim Jong-un.

Cũng giống như người cha hay ông nội là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim il-sung), mọi chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của Kim Jong-un từ trước đến nay luôn là ẩn số.

Đặc biệt hơn nữa là ẩn số của thế hệ thứ 3 trong gia tộc họ Kim giờ đây đang được trao một trọng trách to lớn đối với đất nước và nhân dân Triều Tiên. Như hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA nhận định thì Kim Jong-un thực sự đang được tôn vinh là "người kế nhiệm vĩ đại" và được kỳ vọng sẽ thay thế cha chèo lái đất nước.

Mới mẻ và bí ẩn

Rất khó để ai đó trả lời chính xác: "Kim Jong-un thực sự là ai?". Đây đang là câu hỏi lớn  bởi tương lai của Triều Tiên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người chèo lái trẻ tuổi đầy mới mẻ và bí ẩn này.

Lâu nay những hình ảnh hiếm hoi mà báo chí săn được hầu hết là khi Kim Jong-un còn nhỏ và thời đi học. Rất hiếm khi xuất hiện những thông tin về cậu út của gia tộc họ Kim. Không xuất đầu lộ diện trên các mạng xã hội, luôn kín đáo cả đời tư lẫn sự nghiệp chung. Người ta chỉ chú ý đến nhân vật này khi có tin đồn Triều Tiên đã chuẩn bị những động thái cần thiết để đưa người thanh niên trẻ lên nắm quyền từ 2-3 năm trước, sau khi sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-il bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lần đột quỵ năm 2008.

Tiếp đó hồi năm ngoái và đầu năm nay, một vài lần người ta được mục sở thị khi Jong-un xuất hiện cạnh cha trong các hoạt động chính thức của đất nước Triều Tiên.

 3 thế hệ gia tộc họ Kim (từ trái sang): Kim Nhật Thành (Kim il-sung), Kim Jong-il và Kim Jong-un

Câu hỏi đầu tiên mà đến nay người ta vẫn chưa trả lời chính xác được, đó là tuổi thực sự của Kim Jong-un. Có khá nhiều phỏng đoán và hầu hết cho rằng Jong-un sinh ngày 8/1/1982 hoặc 1983. Báo JoongAng Daily của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin tình báo cho biết Kim sinh ngày 8/1/1984. Nhưng trong khi đó, Chính phủ Triều Tiên công bố ngày sinh chính thức của Kim Jong-un là 16/2/1982. Điều này JoongAng Daily lý giải là "để có sự tương đồng với năm sinh của ông nội Kim il-sung (1912) và người cha Kim Jong-il (1942)".

Cũng giống như các anh trai mình, Kim Jong-un được cho là theo học ở trường quốc tế Gümlingen ở Bern, Thụy Sỹ nằm sát Đại sứ quán Triều Tiên với một cái tên khác. Theo phỏng đoán thì những ngày đi học, Kim Jong-un có bí danh "Pak Chol" (hoặc Pak Un). Tạp chí L'Hebdo (Thụy Sỹ) viết: "Ở trường Gümlingen, cậu thiếu niên ấy được gọi bằng cái tên Pak Chol và được giới thiệu có cha là tài xế".

Người ta thấy luôn có một học sinh lớn hơn mà Pak Chol gọi là Chol Wang theo cậu như vệ sĩ. Cặp đôi Pak Chol và Chol Wang ở trường được chú ý vì đều là fan cuồng nhiệt của môn bóng rổ và đều là những tay chơi bóng cừ khôi. Hãng Reuters cho hay, Kim học ở Gümlingen cho đến năm 1998.

Một số nguồn tin cho rằng, sau đó Kim Jong-un có thời gian học ở Đức với danh nghĩa con trai của một nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên. Thời gian học tại trường nói tiếng Đức Liebefeld-Steinholzli cũng như ở Bern từ năm 1998-2000, sinh viên ở đây mô tả Kim là "có khiếu hài hước, hòa đồng tốt với mọi người, không bày tỏ quan điểm chính trị" và "bị ám ảnh bởi bóng rổ".

Căn hộ ở số 10 Kirchstrasse, Liebefeld của Kim có hẳn một phòng để trưng bày các vật kỷ niệm liên quan đến thần tượng là các cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Về điều này, nếu là sự thật thì như tờ Washington Post năm 2009 cho biết, có thể "người kế vị vĩ đại" thừa hưởng niềm yêu thích bóng rổ và thần tượng Michael Jordan từ chính người cha của mình, vì cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng nổi tiếng say mê bóng rổ.

Kể từ khi trở về Bình Nhưỡng, người ta còn được biết Kim Jong-un đã nhập học tại Đại học Tổng hợp Quân sự Kim il-sung.

Vua Sao Mai

Có rất nhiều câu hỏi và giả thiết việc vì sao người con út Kim Jong-un giành được vị trí thừa kế quyền lực khi mới chưa đầy 30 tuổi, vượt qua hai anh trai Kim Jong-nam và Kim Jong-chol. Trước đây, dư luận vốn biết rất ít về Kim Jong-un. Thân mẫu của ông được cho là người vợ mà ông Kim Jong-il yêu thương sủng ái nhất - bà Ko Yong-hui. Có lẽ bà đã đặt nhiều kỳ vọng vào người con trai này của mình và nghe nói từng gọi ông là "Vua Sao Mai".

Mặc dù có nguồn tin nói rằng Jong-un là người con mà ông Kim Jong-il cưng nhất, nhưng trước đây vị trí của Jong-un vẫn đứng sau người anh cùng cha khác mẹ. Tờ Telegraph từng đưa tin: người anh là Kim Jong-chol từng có thời là ứng viên sáng giá cho vị trí người kế nhiệm.

 Kim Jong-un (vòng tròn) cùng các bạn khi học tại Thụy Sỹ...

Tuy nhiên, trong quyển hồi ký của Kenji Fujimoto, đầu bếp riêng của ông Kim Jong-il, thì tiết lộ những chuyện nội bộ đầy bí mật, rằng Kim Jong-chol không được cha tín nhiệm về năng lực lãnh đạo. Còn Kim Jong-nam thì báo giới nhận định rằng bị loại vì "quá ăn chơi", nhất là sau vụ lùm xùm dùng hộ chiếu giả để đến Nhật vui chơi ở Tokyo Disneyland.

Sau cái chết của bà Ko Yong-hui vào năm 2004, dường như vị trí người con út của ông Kim đã có nhiều thay đổi. Trước đây, người ta không bao giờ thấy bất kỳ hình ảnh nào của Jong-un ngoài bức hình chụp Kim Jong-un lúc 11 tuổi. Chỉ sau khi được chọn là người kế nhiệm, Jong-un mới xuất hiện và trở nên quen thuộc hơn với người dân Triều Tiên và quốc tế.

Người con trai út của lãnh đạo Kim Jong-il dần thu hút sự chú ý lớn của thế giới. Từ những lần xuất hiện ở những vị trí trang trọng trong những dịp đặc biệt của đất nước, ống kính của giới truyền thông bắt ngay lấy khuôn mặt, mái tóc của người thanh niên được cho là rất giống với ông nội, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Không những thế, Jong-un còn được xem là có tư tưởng giống cha nhất trong số 3 con trai của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

Trong một động thái được dư luận đánh giá là bước chuẩn bị, hồi tháng 9/2010, Kim Jong-un bất ngờ được phong hàm đại tướng. Chỉ vài giờ ngay sau khi Kim Jong-un được phong hàm đại tướng tại CHDCND Triều Tiên, các cơ quan truyền thông nhà nước đã loan báo Kim Jong-un còn được bổ nhiệm vào Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động. Quan trọng hơn là Kim còn được cử làm Phó chủ tịch ban Quân ủy trung ương.

Trước sự chứng kiến của dân chúng và truyền thông quốc tế, Kim Jong-un xuất hiện trên ban công Hội trường Nhân dân trong bộ quần áo xanh, vẫy tay khi xe tăng chở tên lửa tầm xa diễu qua. Sau lần xuất hiện đó, người dân Triều Tiên thường xuyên bắt gặp hình ảnh Kim Jong-un bên cạnh cha trong những chuyến thăm trên khắp đất nước và những chuyến thăm tới Nga và Trung Quốc, qua đài truyền hình quốc gia, tờ Thời báo Bình Nhưỡng hoặc Hãng thông tấn KCNA.

Với sự thăng tiến nhảy vọt đầy bất ngờ và sự hiện diện trong các sự kiện trọng đại đầy chủ ý đó, các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, các vị trí quan trọng mà Kim Jong-un vừa được bổ nhiệm rõ ràng dọn đường để Kim Jong-un sẽ là người kế nhiệm cha mình - ông Kim Jong-il. Tuy nhiên, bản tin buổi sáng của Đài phát thanh Bình Nhưỡng khi đó dường như không muốn dư luận quá xôn xao nên có ý nhấn mạnh, rằng cha ông - Kim Jong-il vẫn tiếp tục nắm giữ quyền hành với đất nước.

Theo một báo cáo mới đây của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, chính phủ còn dự kiến phong hàm nguyên soái và đề bạt làm Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên vào cuối năm nay cho Kim Jong-un. Đó cũng là một trong những lý do vì sao mà dư luận thế giới dồn chú ý vào nhân vật trẻ tuổi này và Wall Street Journal đưa Kim Jong-un vào danh sách "Những người đáng quan tâm của năm 2011".

Thách thức cho người cầm lái

Cùng với sự tôn vinh của nhân dân Triều Tiên như là "người kế nhiệm vĩ đại", dư luận đang đặt quá nhiều câu hỏi và các đồn đoán được đưa ra về người lãnh đạo mới của đất nước CHDCND Triều Tiên. Trước đây giới phân tích từng cho rằng, sẽ có một người giữ cương vị "quyền lực sau ngôi báu" là ông Chang Song-taek - người em rể của ông Kim Jong-il và cũng là người đứng đầu cơ quan hành chính của Đảng Lao động Triều Tiên. Đây được coi là "nhân vật số 2" và là một trong những người thân tín nhất của cố Chủ tịch Kim Jong-il.

 ...và khi trở thành vị tướng trẻ nhất thế giới...

Các nhà bình luận còn cho rằng, có thể chính Song-taek trước đây từng là người nắm quyền khi ông Kim Jong-il bị ốm. Người đàn ông 64 tuổi này được đánh giá là một trong những nhà kiến tạo về việc nối nghiệp và Kim Jong-un sẽ rất cần sự hỗ trợ của ông ta. Chang Song-taek là người có vai trò như "quan nhiếp chính" cho ông Kim Jong-un cho tới khi ông có thể tự nắm vai trò lãnh đạo.

Có lẽ dư luận Phương Tây vẫn còn hoài nghi tuổi trẻ và kinh nghiệm của nhà lãnh đạo còn chưa đủ so với tầm vóc và trọng trách đang mang. Người ta nhận thấy, quá trình chuyển giao quyền lực cho Kim Jong-un mới được khởi động từ hơn một năm trước, một thời gian tương đối ngắn để Kim Jong-un tích lũy kinh nghiệm, xây dựng ảnh hưởng chính trị và xóa tan đi những hoài nghi trong và ngoài nước về khả năng lãnh đạo của mình.

So sánh với cha, ông Kim Jong-il lên nắm quyền khi thân phụ là Kim il-sung, người lập quốc, qua đời vào năm 1994 sau khi đã có tới 2 thập niên thực hành các kỹ năng chính trị và xây dựng tiếng tăm trước đó. Tuy nhiên, sự trẻ trung mới mẻ và những phẩm chất hiện đại của Kim Jong-un được kỳ vọng có thể làm được nhiều điều cho đất nước thay vì chỉ là người kế nhiệm dựa trên quan hệ huyết thống. Và những phẩm chất tiềm ẩn của nhân vật thế hệ thứ 3 trong gia tộc họ Kim đang được mong đợi tạo nên một bước ngoặt lớn lao.

Hiện câu hỏi lớn nhất đối với các bên quan tâm đến Triều Tiên là quốc gia này sẽ đi theo hướng nào dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un. Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc đưa ra dự đoán nhà lãnh đạo mới sẽ ưu tiên duy trì ổn định. Hãng tin Reuters thì trích lời các chuyên gia nhận định, rằng nhiều khả năng Kim Jong-un sẽ đi theo con đường của cha mình và sẽ khiến tiềm lực quân sự của quốc gia này trở nên mạnh hơn, nhờ sở hữu vũ khí hạt nhân.
 
Phía Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh: "Bất kỳ chế độ nào lên nắm quyền ở Bắc Triều Tiên cũng phải có biện pháp ngưng theo đuổi vũ khí và phổ biến hạt nhân và mưu tìm hòa bình và ổn định trên bán đảo. Vì thế người nào nắm các vị trí trong giới lãnh đạo ở đó không quan trọng bằng việc họ làm gì để đạt được những mục tiêu vừa kể".

Có lẽ dự đoán tương lai của Triều Tiên ở thời điểm này là việc thật khó.

Nguyễn Hải - Nguyên Linh
(An ninh thế giới)

Bình luận
vtcnews.vn