5 bài toán lớn cho Libya sau cái chết của Gaddafi

Tư liệuChủ Nhật, 23/10/2011 10:07:00 +07:00

(VTC News) – Gaddafi đã chết. Tuy nhiên, dấu chấm hết trong cuộc đời Gaddafi lại là dấu hỏi cho toàn bộ đất nước Libya.

(VTC News) – Gaddafi đã chết. Tuy nhiên, dấu chấm hết trong cuộc đời Gaddafi lại là dấu hỏi cho toàn bộ đất nước Libya.

Nếu Gaddafi thực sự chết trong chiến trận thì kết thúc này là chuyện tốt đối với Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC). Bởi kết thúc này giúp chính phủ lâm thời Libya tránh được bài toán pháp luật xử lí Gaddafi như thế nào sau khi bắt sống.

Hiện nay, đối với chính phủ lâm thời, đất nước Libya mà thời đại Gaddafi để lại ngoài đống đổ nát sau chiến tranh còn có rất nhiều ẩn số ảnh hưởng đên công cuộc tái thiết chính trị và kinh tế.


1. Xây dựng chính phủ mới.

Thời đại mới đã mở ra cho đất nước Libya. Ngay từ ngày 20/9 năm nay, bên ngoài tòa nhà trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York, cờ 3 màu đỏ, đen và xanh mà NTC sử dụng đã thay thế cờ màu xanh của thời  Gaddafi. Tên nước cũng đổi từ Đại Dân Quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả Rập Libya (Great Socialist People’s Libyan Arab Jamahiriya) thành Libya.

Cờ của NTC tung bay trước tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc 

Tên nước Libya ban đầu mang đậm màu sắc Gaddafi: nhấn mạnh việc thống nhất thế giới Ả rập, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, nhân dân quản lí đất nước. Hiện nay, tuy tên nước Libya đơn giản nhưng trên thực tế lại đặt ra bài toán mới cho tương lai Libya: Libya đi theo chế độ cộng hòa hay chế độ liên bang? Libya đi theo chế độ tổng thống dân bầu mô phỏng Pháp hay chế độ tranh cử chính đảng học tập Mĩ?

Với tư cách là tiền đề cần thiết để đi đến nền chính trị dân chủ, NTC buộc phải nhanh chóng xác định rất nhiều vấn đề như nguyên tắc xây dựng chính phủ mới, khởi thảo Hiến pháp mới, thời gian bầu cử, ...

Trên thực tế, nội bộ NTC nhiều phe phái, tồn tại nhiều khác biệt về dân tộc, vùng miền, tôn giáo, … Do đó, công tác xây dựng chính phủ chuyển tiếp sẽ vướng phải nhiều vật cản.


2. Thực sự kết thúc nội chiến


Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của chính phủ lâm thời Libya là nhanh chóng thực hiện phi vũ trang hóa, ổn định tình hình trong nước.

Có thể nói tại Libya hiện nay, thiết bị quân sự xuất hiện khắp nơi. Chiến sự Libya kéo dài hơn nửa năm khiến nhiều “dân chúng” trở thành “binh sĩ”, một số người có thể đứng trước nguy cơ “thất nghiệp” vì chiến sự kết thúc.

Làm thế nào đưa những binh sĩ này trở lại cuộc sống ban đầu, dỡ bỏ những khẩu pháo trên các xe bán tải là chuyện không hề đơn giản. Một số người trong số họ sẽ yêu cầu trao thưởng, một số người cần bồi thường về kinh tế, một số người từ các bộ lạc xa xôi đến thành phố lại cần thay đổi cương vị.


Vũ khí hiện có mặt ở khắp nơi trên đất nước Libya 

Một nhân tố bất ổn khác là việc xử lý người thân và bộ hạ của Gaddafi như thế nào? Trong số đó, một số người không rõ tung tích, một số người trước đó đã lấy đi rất nhiều tài sản, có thể tập hợp thành lực lượng chống chính phủ tại nước ngoài.

Ngoài ra, sắp xếp quan chức chính phủ cũ như thế nào cũng là vấn đề mà NTC phải thận trọng xử lý. Trên thực tế, không ít người trong chính phủ lâm thời từng là quan chức cấp cao dưới thời Gaddafi.


3. Xây dựng chính trị và kinh tế.

Cùng với cái chết của Gaddafi, hệ thống chính trị cũ của Libya hoàn toàn sụp đổ nhưng hệ thống chính trị mới lại chưa được xây dựng. Tuy NTC có được sự công nhận rộng rãi của Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ả rập, Liên minh Châu Phi và cộng đồng quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa thể xây dựng chính phủ chuyển tiếp chính thức.

Ngoài ra, Libya có nhiều bộ tộc, tổng cộng có hơn 140 bộ tộc, không ít bộ tộc có quân đội và địa bàn truyền thống riêng, rất nhiều bộ tộc nhất là bộ tộc tại quê hương Gaddafi còn bất mãn với việc lật đổ chỉnh phủ Gaddafi.

Làm thế nào giải quyết vấn đề này thực sự là thách thức đối với NTC.


Quê hương Gaddafi trong mưa bom bão đạn 

Về kinh tế, chính phủ mới Libya vừa phải giải quyết vấn đề thu hồi lại tài sản bị gia tộc Gaddafi lấy đi, thu hút trở lại đầu tư nước ngoài vừa phải nghĩ cách thu hẹp khoảng cách phát triển vốn đã không cân bằng ở trong nước.

Về lâu dài, sự phát triển tại các khu vực xa xôi ở miền đông và miền nam Libya sẽ có khoảng cách rất lớn với sự phát triển tại khu vực bờ biển ở phía bắc. Đây là một vấn đề lịch sử trong quá trình phát triển Libya.


4. Phân chia cổ tức chiến tranh.

Phân chia cổ tức sau chiến tranh cũng là bài toán không dễ dàng.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố kết thúc hành động quân sự tại Libya vào cuối tháng này. Cùng với sự kết thúc của chiến sự Libya, làm thế nào để “báo đáp” những quốc gia tiến hành can thiệp quân sự nhằm ủng hộ NTC và phân phối lợi ích dầu mỏ cũng là vấn đề lớn thử thách chính phủ mới.

Libya - quốc gia dầu mỏ 

Trên thực tế, mấy tháng trước, các quốc gia Phương Tây như Pháp, Anh, Ý đã nhiều lần tiếp xúc với cơ quan quản lí dầu mỏ của NTC, cố gắng giành lợi ích dầu mỏ tại Libya. Trước chiến tranh, sản lượng dầu mỏ tại Libya là 1,6 triệu/ngày, hiện nay sản lượng dầu mỏ chỉ bằng 1/4 trước đây.

Có thể thấy, quyền lợi dầu mỏ tại Libya đa phần sẽ rơi vào tay các công ty dầu mỏ của các nước phương tây như Anh, Pháp, Ý, … Tuy nhiên, tăng sản lượng dầu mỏ của Libya và xây dựng thị trường xuất khẩu ổn định vẫn cần sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Libya cần viện trợ từ các quốc gia phương tây nhưng các quốc gia mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kì, .. cũng có thể phát huy vai trò tích cực trong công cuộc tái thiết Libya. Đây là vấn đề Libya không thể không tính đến.


5. Hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Libya thời đại Gaddafi có thể nói là “thành viên cá biệt” của cộng đồng quốc tế. Bất luận là quốc gia phương tây hay quốc gia láng giềng đều rất khó xây dựng quan hệ quốc gia ổn định, bình thường với Libya.

Điều có thể khẳng định là Libya thời đại hậu Gaddafi sẽ giữ quan hệ mật thiết với Phương Tây trong một thời gian nhất định. Nhưng sau này Libya vẫn cần phải định vị lại vị trí trong Châu Phi và cục diện địa chính trị ở Trung Đông.


Libya trong cục diện Trung Đông và thế giới 

Chính phủ mới của Libya không những cần chữa lành vết thương với Liên đoàn Ả rập, hòa nhập với các quốc gia thành viên của liên đoàn mà còn cẩn điều chỉnh lại quan hệ với các nước láng giềng.

Sự chuyển đổi của chính phủ mới Libya cần có nền tảng nhưng trong thời gian ngắn một nước Libya chuyên chế không thể chuyển sang Libya dân chủ. Công cuộc tái thiết Libya cần thời gian. Cộng đồng quốc tế hi vọng Libya không lâm vào bất ổn như các trường hợp Afghanistan và Iraq.

Sáng Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn