Người Libya và cuộc thánh chiến vì La Mã ngàn năm

Thế giớiThứ Hai, 24/10/2011 08:08:00 +07:00

(VTC News) – Cánh cổng Septimus Severus vĩ đại là một cống phẩm dành cho đế chế La Mã ngày nay vẫn đứng sừng sững trên con đường của ngàn năm trước.

(VTC News) – Sải bước trên con đường rải sỏi dưới bóng mát của những hàng cây, tiến dần về phía một trong những di tích kiến trúc La Mã vĩ đại nhất, điều nhỏ bé này là bước chuẩn bị cho những thú vị bạn sắp được trải qua.

Khi bước ra khỏi bóng mát của hàng dương cao vút, những lâu đài bằng đá bảo vệ khu di tích Leptis Magna sẽ hiện ra. Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp có sức gợi phi thường đến choáng ngợp. Như một cú đánh trực diện vào lồng ngực, nó sẽ khiến bạn thấy tim mình đập gấp hơn.

Cánh cổng Septimus Severus vĩ đại là một cống phẩm dành cho đế chế La Mã nhằm tưởng nhớ đến vị Hoàng đế cùng tên, ngày nay vẫn đứng sừng sững trên con đường của người La Mã xưa kia.

Cánh cổng vào khu di tích mang tên Hoàng đế La Mã Septimus Severus 

Trong thời gian gần đây dưới sự cai trị của Gaddafi, Đại tá đã đổ nhiều tiền của vào việc nâng cấp, trùng tu và phát triển các di tích trên đất nước mình, khiến Leptis trở nên nổi tiếng và là thành phố lớn thứ 3 của Châu Phi sau Carthage và Alexandria.

Đây là nơi chúng ta có thể cảm nhận được những gì chân thực nhất về đế chế La Mã cổ đại. Những con đường chạy tuyến Đông - Tây dọc theo bờ biển Châu Phi phục vụ việc hành quân của đế chế hùng mạnh, trong khi những con đường theo tuyến Nam - Bắc lại nối liền Địa Trung Hải với phần lục địa sâu bên trong Châu Phi với chức năng phục vụ giao thương, thể hiện rõ ràng sự phồn hoa của xã hội La Mã cổ đại đã được lan rộng khắp nơi.

Khi đứng dưới cánh cổng này, ít nhất bạn sẽ cảm giác như thời gian đang quay ngược trở lại, những hình ảnh điêu khắc trên nền đá và những con đường lớn tỏa ra khắp mọi hướng khiến người ta ngỡ rằng những thị trấn đang bị cát chôn vui kia dường như vẫn còn tồn tại, tấp nập như các đây hàng thế kỉ.

Những bức phù điêu trên đá trong khu di tích Leptis 

Khu di tích vẫn còn đó sau hàng thiên niên kỉ của chiến tranh và giao tranh làm minh chứng cho các thời kì của đất nước Libya. Lần này, trong cuộc cách mạng lật đổ Gaddafi, những thế hệ người Libya lại tiếp tục giữ gìn, bảo vệ nó như một món quà gửi tặng con cháu mai sau.

Những người dân trong thành phố, cùng với cảnh sát và các nhà khảo cổ tiến hành tuần tra 24/7. Khu di tích Leptis với những bảo vật nằm rải rác đã được bảo vệ tối đa. Giám đốc khu di tích đã có một hành động thể hiện tầm nhìn xa hơn khi phân phối một số tài liệu, hiện vật quan trọng cho những người bạn ở Thủ đô. Điều này có nghĩa: nếu như giao tranh vượt khỏi tầm kiểm soát và khu di tích bị phá hủy thì vẫn còn đó những hiện vật quan trọng.

Những cố gắng này đã giải thích được những thắc mắc của các chuyên viên cao cấp UNESCO. Luật sư đồng thời là nhà khảo cổ Louise Haxthausen đã rất vui mừng trong chuyến thăm gần đây của cô đến Leptis. Những di tích hầu như không bị xâm phạm và gần như vẫn còn nguyên.

Các hàng cột mang đặc trưng kiến trúc La Mã cổ đại 

Nhưng điều đó không diễn ra ở Benghazi, thành trì của phe nổi dậy, thành phố cách Leptis 1 ngày lái xe về phía Đông. Haxthausen cho biết, tại đây đã có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử bị đánh cắp và tồi tệ hơn nữa là chúng vẫn chưa được lưu lại bằng những bức ảnh tư liệu.

Có hơn 7.000 đồng tiền hiếm thời Alexander Đại đế, chiếm 90% cái gọi là “kho báu Benghazi” và một số hiện vật có giá trị khác có cùng niên đại đã biến mất. Tất cả đều rất quan trọng và không có gì thay thế được. Điều khả thi nhất có thể làm vào thời điểm này - đó là sự kết hợp giữa UNESCO và Interpol nhằm bắt giữ những kẻ vận chuyển các hiện vật qua cửa khẩu hải quan.

Không dừng lại ở đó, Haxthausen cho biết UNESCO sẽ có thông báo gửi đến các nhà sưu tập, các tổ chức bán đấu giá cảnh báo chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ giúp những kẻ đánh cắp tiêu thụ các hiện vật này. Tuy nhiên các chuyên gia UNESCO vẫn vô cùng lo lắng vì một khi đã được đưa ra nước ngoài thì các hiện vật này rất khó quay trở về, dẫn chứng cụ thể nhất là các hiện vật bị đánh cắp trong những bảo tàng ở Baghdad, Iraq hồi 2003.

Khu di tích Leptis vẫn còn khá nguyên vẹn sau cuộc chiến lật đổ Gaddafi (Video: CNN) 

Theo các chuyên gia thì việc đánh cắp các hiện vật lịch sử được thực hiện một cách chuyên nghiệp bởi các tổ chức xuyên quốc gia. Haxthausen nói rằng việc các bảo tàng tại Baghdad đã bị đánh cắp một cách nặng nề, và dù đã có nhiều hình thức vận động nhưng đến bây giờ các hiện vật vẫn chưa hoàn toàn trở về nơi chúng bị lấy đi.

Vấn đề lớn nhất theo Haxthausen, đó là hầu như các hiện vật này không có giấy tờ hay tài liệu nào chứng minh nguồn gốc. Khi đã được đưa ra nước ngoài thì điều này còn khó khăn hơn nữa, chính vì thế việc xác nhận để đem các hiện vật trở về là vô cùng gian nan.

Tất cả những điều trên đã chứng minh những hoạt động giữ gìn di tích Leptis là một thành công có ý nghĩa vô cùng to lớn, đến thời điểm hiện tại tất cả vẫn còn đó như một món quà cho các thế hệ Libya tương lai.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn