"Bộ đôi Medvedev - Putin": Không mới, nhưng vẫn kịch!

Thế giớiThứ Ba, 27/09/2011 05:51:00 +07:00

(VTC News) - Việc Tổng thống Nga Medvedev đề nghị Thủ tướng Putin tranh cử Tổng thống hôm 24/9 đã giải tỏa nhiều bí ẩn trong chính trường Nga.

(VTC News) - Trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga được tổ chức vào tháng 3/2012, ai sẽ đại diện cho Đảng Nước Nga Thống nhất (UR) tham gia tranh cử - Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev hay Thủ tướng đương nhiệm Putin? Bài toán chính trị đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế này cuối cùng cũng có câu trả lời vào ngày 24/9 vừa qua.

Ngày 24/9, Tổng thống Dmitry Medvedev đã đề nghị Putin đại diện cho Đảng Nước Nga thống nhất tham gia tranh cử. Trong khi đó, Putin lại đề nghị Dmitry Medvedev lãnh đạo đảng này tham gia bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) khóa mới được tổ chức vào ngày 4/12 năm nay.Hai đề nghị này không những giải tỏa nhiều bí ẩn trong chính trường Nga mà còn cho thấy trong tương lai gần, Nga sẽ tiếp tục đi theo con đường "bộ đôi Medvedev - Putin".

"Bộ đôi Medvedev - Putin" tiếp tục hợp tác

"Bộ đôi Medvedev - Putin" chính thức hình thành vào năm 2008. Tháng 3/2008, ứng cử viên Medvedev do Đảng Nước Nga thống nhất đề cử đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ngay sau đó, Putin – người lãnh đạo đảng này giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội và nhận chức Thủ tướng.

Hơn 3 năm nay, Medvedev và Putin đều dốc hết sức mình, phối hợp chặt chẽ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng họ đã đưa nước Nga bước vào thời đại phát triển ổn định.


Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Putin tại Đại hội Đại biểu Đảng Nước Nga Thống nhất. 

Theo điều tra do Trung tâm Levada thuộc Cơ quan Điều tra dân ý Nga thực hiện vào cuối tháng 8, tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho Putin là 68%, còn tỉ lệ ủng hộ dành cho Medvedev là 63%. Tại Đại hội Đại biểu Đảng Nước Nga thống nhất được tổ chức vào ngày 24/9 vừa qua, khi Medvedev đề nghị Putin tham gia tranh cử Tổng thống vào năm tới, cả hội trường đứng dậy, vỗ tay ủng hộ. Medvedev tuyên bố: "Điều này thể hiện đầy đủ uy tín và kinh nghiệm quản lí quốc gia của Thủ tướng Putin".

Theo Medvedev, ngay từ giai đoạn hình thành "quan hệ đồng minh - đồng chí" giữa ông và Putin, hai người đã thảo luận về kế hoạch hợp tác trong tương lai. Mấy năm nay, những mô hình quản lí và chiến lược mà ông và Putin đạt được là chính xác và có hiệu quả.

Còn Putin cho biết: "Ai đại diện cho Đảng Nước Nga thống nhất tham gia tranh cử Tổng thống không quan trọng, quan trọng là Đảng Nước Nga thống nhất triển khai công việc như thế nào, đạt được những thành tựu gì và người dân Nga nhìn nhận sự việc này như thế nào".


Giới phân tích chỉ ra, Medvedev và Putin tiếp tục hợp tác vừa là kết quả mà hai người ngầm thỏa thuận trong thời gian dài, vừa thể hiện yêu cầu thực tế của Moscow hiện nay.

Trải qua 3 năm thử thách, trong chính trường Nga hiện nay, không ai có thể so sánh được với sức ảnh hưởng của "bộ đôi Medvedev - Putin" nói chung và từng người nói riêng. Tổng Thống đương nhiệm lãnh đạo tham gia bầu cử Quốc hội đã tăng cường sức mạnh cho Đảng Nước Nga thống nhất duy trì vị trí là đảng lớn nhất trong Duma Quốc gia. Đồng thời, sự tiếp tục của "bộ đôi Medvedev - Putin" cũng có lợi cho việc đoàn kết nội khối, chống lại đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, giúp ổn định tâm lí cho tầng lớp lãnh đạo, tạo sự đảm bảo chính trị cho Nga chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ mới đang tiềm ẩn và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kinh tế.

Các bên lên tiếng

Đối với việc Medvedev và Putin đề cử lẫn nhau tại Đại hội Đại biểu Đảng Nước Nga thống nhất, các bên có những phản ứng khác nhau. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên tự nhiên Nga Yury Trutnev cho rằng: "Nếu Putin và Medvedev lần lượt nhận chức Tổng thống và Thủ tướng sẽ cung cấp đảm bảo cho ổn định quốc gia – nhân tố cần thiết cho phát triển kinh tế".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên tự nhiên Nga Yury Trutnev 

Phó Thủ tướng Nga Alexander Zhukov tuyên bố: "Quyết định tham gia tranh cử Tổng thống của Putin là quyết định đúng đắn, có lợi cho bầu cử và công việc của chính phủ". Thành viên Hội đồng tối cao Đảng Nước Nga Thống nhất, ông Plymouth cho biết: "Tổng thống Medvedev lãnh đạo tham gia bầu cử Duma Quốc gia có lợi cho việc tăng tỉ lệ ủng hộ cho đảng này, bởi Tổng thống rất coi trọng việc xây dựng quốc gia dân chủ và quản lí nhà nước bằng pháp luật, mà đây lại là điều mà người dân mong muốn".

Ngược lại, thái độ một số đảng đối lập sắp tham gia vào bầu cử Duma Quốc gia rất khác nhau. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Bang Nga Gennady Zyugano nói rõ quan điểm: "Medvedev và Putin sớm đã có thỏa thuận. Chỉ là hiện nay họ mới tuyên bố ra. Tuy nhiên, điều này sẽ không mang lại nhiều phiếu bầu. Đảng Nước Nga thống nhất sẽ thất bại."

Lãnh đạo Đảng Yabloko, ông Yavlinsky bình luận: "Tuyên bố của Medvedev và Putin là mong muốn kéo dài hiện trạng nước Nga thêm 12 năm nữa. Cuộc bầu cử đang đến gần, mọi người nên quyết định đồng ý hay không đồng ý". Còn lãnh đạo Đảng Tự do dân chủ Vladimir Zhirinovsky lại cho biết: "Tuyên bố của Medvedev và Putin không có gì đặc biệt. Bởi từ trước đến nay, họ đều là một nhóm, không có gì mới".

"Bộ đôi Medvedev - Putin" sẽ thắng lợi

Giới phân tích chỉ ra, nhìn từ sự kết hợp và phân hóa sức mạnh chính trị trong nước và xu hướng phát triển kinh tế xã hội Nga có thể thấy, Medvedev và Putin có khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Cục diện một đảng Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền sẽ tiếp tục.

Thứ nhất, so với cục diện chính trị khá rối ren và xung đột gay gắt giữa các thế lực cấp tiến khi Liên Xô mới giải thể thì cục diện chính trị và mô hình hoạt động của các chính đảng tại Nga hiện nay có khác biệt rất lớn. Trải qua nhiều năm điều chỉnh, số lượng chính đảng tại Nga đã giảm xuống. Số chính đảng đăng kí chính thức tại Nga năm 1999 là 139 đảng, năm 2008 giảm xuống còn 14 đảng. Đến năm nay, chỉ có 7 chính đảng đăng kí chính thức tham gia bầu cử Duma Quốc gia. Trên khách quan, số lượng chính đảng tham gia bầu cử giảm xuống đã hạ thấp độ phân tán của phiếu bầu, khiến phiếu bầu tập trung vào một số đảng lớn.

Bộ đôi quyền lực sẽ thắng lợi 

Thứ hai, Đảng Nước Nga thống nhất không những là đảng cầm quyền mà còn có nền tảng xã hội, chịnh trị rộng rãi. Đảng Nước Nga thống nhất được thành lập vào tháng 12/2001. Hiện nay, đảng này có hơn 2 triệu đảng viên, là đảng lớn nhất tại Nga. Trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia khóa V diễn ra vào năm 2007, Đảng Nước Nga thống nhất giành được 315 ghế, chiếm hơn 2/3 trong toàn bộ 450 ghế.

Kết quả điều tra dân ý do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VCIOM) thực hiện vào giữa tháng 9 cho thấy, nếu lập tức tiến hành bầu cử Duma Quốc gia thì tỉ lệ ủng hộ mà Đảng Nước Nga thống nhất (UR), Đảng Cộng sản Liên Bang Nga (KPRF), Đảng Dân chủ tự do (LDP), Đảng Nước Nga công bằng (SR) giành được lần lượt là 42%, 12%, 10 % và 4%.


Giới quan sát cho rằng, mặc dù cuộc khủng khoảng tiền tệ khiến kinh tế Nga đối diện với nhiều khó khăn, mâu thuẫn xã hội trở nên phức tạp, tạo nên nhiều nhân tố bất ổn cho cuộc bầu cử; nhưng nếu không xảy ra sự kiện chính trị, kinh tế đặc biệt trọng đại thì Đảng Nước Nga thống nhất sẽ tiếp tục cầm quyền.

Sáng Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn