Nhà lãnh đạo lâm thời Libya: Hành trình 2 chiến tuyến

Thế giớiThứ Ba, 20/09/2011 05:57:00 +07:00

(VTC News) - Lý do Mustafa Abdul Jalil từ bỏ chế độ Gaddafi là gì? Tại sao ông lại được chọn thay thế nhà lãnh đạo hiện đang thất thế?

(VTC News) - Chỉ mới tháng 2 vừa qua, Mustafa Abdul Jalil còn đang là Bộ trưởng Tư pháp của chế độ Gaddafi, nhưng giờ ông đã trở thành người đứng đầu của Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (NTC), thay Gaddafi tiếp quản đất nước này.

Lý do ông Abdul Jalil “tạo phản” là gì, và tại sao ông lại được chọn thay thế nhà lãnh đạo hiện đang thất thế?

Abdul Jalil là thành viên đầu tiên trong Hội đồng đại nhân dân và nội các của Libya tuyên bố từ bỏ chế độ để bày tỏ sự phản đối trước việc Gaddafi “sử dụng quá nhiều bạo lực để đàn áp những người biểu tình không có vũ khí” ở đây.

Trước khi tuyên bố từ chức vào ngày 21/2, ông Abdul Jalil từng được chính phủ Gaddafi tin tưởng, cử tới trấn an thành phố ở phía đông Libya – Benghazi, nơi sau này trở thành thành trì của phe nổi dậy, thông qua việc tìm cách ứng phó với những kẻ biểu tình, phản đối nhà lãnh đạo này. Đó cũng là thời điểm cuộc nổi dậy bắt đầu nổ ra ở Libya.

Mustafa Abdul Jalil - Người đứng đầu Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (NTC) 

Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh binh lính chính phủ bắn giết và giam giữ những người biểu tình hoà bình, ông Abdul Jalil đã xin từ chức và ít lâu sau đó, ông đã trở thành Chủ tịch của Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (NTC).

Vào thời điểm đó, ông Abdul Jalil cho hay: “Chúng tôi cũng giống như nhân dân ở các quốc gia khác và cũng đang tìm kiếm những thứ tương tự. Chúng tôi muốn có một chính phủ dân chủ, một hiến pháp công bằng, và không muốn bị cô lập với thế giới nữa”.

Động thái rời bỏ chế độ Gaddafi của ông Abdul Jalil dường như không gây bất ngờ cho nhiều người bởi đã từ lâu, Abdul Jalil nổi tiếng là người đã chuẩn bị sẵn tinh thần để lật đổ chế độ này.

Lý lịch trích ngang

Abdul Jalil sinh năm 1952 ở thành phố Bayda, thuộc miền đông Libya - nơi đóng đô của chế độ quân chủ Sanusi và cũng là một trong số những nơi đầu tiên bùng nổ cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Gaddafi. Ông từng theo học ngành Luật và Shariah (Luật Hồi giáo) tại Đại học Libya.

Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành luật sư của văn phòng công tố ở Bayda, trước khi trở thành thẩm phán vào năm 1978. Vào năm 2002, ông được bổ nhiệm là Chủ tịch Tòa án phúc thẩm. Trước khi lên làm Bộ trưởng Tư Pháp Libya vào năm 2007, ông từng giữ chức vụ chủ tọa tòa án ở Bayda.

Theo Wall Street Journal, trong suốt quãng thời gian là thẩm phán, ông từng được người ta biết đến nhiều bởi các quan điểm chống đối lại chính phủ đương thời. Tuy nhiên, thật bất ngờ là chính những điều “tai tiếng” đó đã khiến ông lọt vào “mắt xanh” của cậu con trai Gaddafi - Saif al-Islam. Và để minh chứng cho sự sáng tạo trong việc cải cách của mình, cậu ấm Saif al-Islam đã đưa Abdul Jalil lên một tầm cao mới trong bộ máy của chế độ Gaddafi.

Ông Mustafa Abdul Jalil đã tới Tripoli vào đầu tháng này 

Khi còn là Bộ trưởng Tư pháp, Abdul Jalil  từng nhận được nhiều lời khen ngợi từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các cường quốc phương Tây cho những nỗ lực nhằm cải cách luật hình sự ở Libya.

Theo một điện tín ngoại giao của Mỹ từng bị rò rỉ từ tháng 1/2010, Abdul Jalil được các nhân viên ở Bộ Tư pháp Libya và một số thẩm phán đánh giá rất cao, thậm chí họ còn xem ông là đại diện cho công lý, trong khi đại sứ Mỹ ở Libya Gene Cretz cũng không tiếc lời ngợi khen ông trong một cuộc họp.

Đại sứ Gene Cretz từng viết: “Không chỉ truyền cảm hứng cho các nhân viên của mình trong việc hợp tác với chúng tôi, Abdul Jalil còn cho thấy, nhiều người Libya vẫn rất quan tâm tới các hỗ trợ của chính phủ Mỹ cho Israel và cả việc mầm mống khủng bố bắt nguồn từ nhận thức rằng châu Âu và Mỹ đang chống lại người Hồi giáo”.

Điện tín này cũng cho hay, Tổ chức theo dõi nhân quyền tin rằng ông Abdul Jalil chính là chìa khoá để thay đổi chế độ từ chính những quan điểm bảo thủ của ông chứ không phải bằng một chương trình nghị sự cải cách.

Muốn rút về ở ẩn cũng không được!

Tháng 1/2010 đã xuất hiện một động thái chưa từng xảy ra trước đó: Abdul Jalil công khai thách thức nhà lãnh đạo Gaddafi trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, trong đó nêu rõ, ông đang có ý định từ chức do không đủ khả năng để vượt qua những khó khăn hiện đang phải đối mặt trong lĩnh vực tư pháp của mình.

Không chỉ thế, Abdul Jalil còn tiếp tục bài phát biểu gây sốc đó bằng việc trích dẫn rằng 300 tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị giam giữ bất chấp phán quyết trả tự do cho họ của tòa án. Thay vào đó, chính phủ nước này lại trả tự do cho các tù nhân lãnh án tù chung thân mà không hề thông báo tới gia đình của các nạn nhân để họ biết chuyện.

Cả Anh và Pháp đều đã công nhận NTC 

Thành viên Heba Morayef thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền đã nói với tờ Wall Street Journal: “Dường như ông ấy không nói dối. Tôi chưa bao giờ thấy một vị Bộ trưởng Tư pháp nào lại công khai chỉ trích các cơ quan an ninh có quyền lực mạnh nhất ở quốc gia mình”.

Ngay sau khi Abdul Jalil tuyên bố từ chức, nhiều nhà lãnh đạo ở Libya đã phản đối điều đó. Theo một điện tín ngoại giao khác của Mỹ, một số nhà quan sát tin rằng ông Gaddafi – người từng công khai khiển trách Abdul Jalil trước những tuyên bố như vậy – lại thích Abdul Jalil đưa ra quan điểm của riêng mình; trong khi nhiều người khác nói rằng lý do Abdul chưa thể xuống thang là bởi cậu con trai Gaddafi - Saif al-Islam không chịu để ông từ chức.

Nhiều người dân ở miền đông Libya đã rất “sướng tai” khi nghe các tuyên bố chỉ trích chính phủ của Abdul Jalil.

Mặc dù phía Gaddafi từng đưa ra mức thưởng khoảng 400 nghìn USD cho bất cứ ai hạ thủ được Abdul Jalil, tuy nhiên, trong vài tháng qua, người đàn ông này vẫn tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế cho Hội đồng quốc gia lâm thời Libya.

Khi NTC mới được thành lập vào tháng 2 vừa qua, Abdul Jalil từng tuyên bố, họ sẽ đứng ra tiếp quản mọi việc của Libya thời hậu Gaddafi, tuy nhiên, sẽ không trở thành một chính phủ mới. Khi Gaddafi bị thất thủ ở Tripoli, ông lại nói: “Libya sẽ hướng tới việc lập pháp, bầu cử quốc hội và Tổng thống”.

Người ta cho rằng thách thức lớn nhất đối với ông Abdul Jalil trong vài tháng tới có thể sẽ tới từ chính hàng ngũ của ông; mặc dù NTC đã được nhiều quốc gia công nhận là đại diện hợp pháp của Libya - trong đó bao gồm cả Mỹ lẫn Anh.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn