Đằng sau chuyến thăm Libya của nguyên thủ Anh, Pháp

Thế giớiThứ Sáu, 16/09/2011 10:12:00 +07:00

(VTC News) - Chuyến thăm Libya của Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Anh Cameron đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đằng sau đó là gì?

(VTC News) - Hôm qua 15/9, Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Anh Cameron cùng đến thăm thủ đô Libya Tripoli và thành phố Benghazi ở miền đông nước này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ nước ngoài đến Libya sau khi Hội đồng quốc gia lâm thời giành quyền kiểm soát đại bộ phận Libya, đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Anh, Pháp là những nước lãnh đạo NATO trong hành động quân sự tại Libya, được nhận định là có vai trò lớn nhất và trực tiếp nhất trong hành động lật đổ chính quyền Gaddafi. Nhiều người cho rằng chuyến thăm Libya của Sarkozy và Cameron là “chuyến đi chúc mừng thắng lợi”.

Tờ Reuters bình luận, chuyến thăm này có ý nghĩa như tuyên bố thắng lợi của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh đối với những người trong nước từng chất vấn hành động quân sự tại Libya trước đó.

Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Anh Cameron  

Tuy nhiên, có học giả chỉ ra rằng, mục đích trong chuyến thăm Libya của lãnh đạo Pháp, Anh là muốn đi trước Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Erdogan một bước. Từ ngày 12/9, ông Erdogan bắt đầu chuyến thăm đến Ai Cập, Tunisia và Libya; theo kế hoạch ban đầu thì ngày 15 sẽ thăm Libya.

Tờ Le Figaro (Pháp) bình luận rằng: Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Erdogan thăm Libya trước thì Sarkozy và Cameron rất có thể sẽ phải chia sẻ “ánh đèn huỳnh quang” với Thổ Nhĩ Kì. Từ đó, ảnh hưởng đến hình ảnh “anh hùng’" của Pháp, Anh.

Tờ National Journal (Thổ Nhĩ Kì) nhận định: Sarkozy rõ ràng không hài lòng với chuyến thăm đến Ai Cập, Tunisia và Libya của Erdogan, đặc biệt là khi Erdogan rất được hoan nghênh tại Ai Cập.

Pháp là quốc gia đầu tiên công nhân Hội đồng quốc gia lâm thời do phe đối lập Libya thành lập, là quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí cho hội đồng này, cũng là quốc gia đầu tiên khôi phục sứ quán tại Libya. Do đó, không khó để nhận ra rằng, Sarkozy mong muốn Pháp có thể giữ vị trí ưu tiên trong các vấn đề tại Libya.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Erdogan

Bên cạnh đó, giới phân tích chỉ ra, Pháp đi đầu trong hành động đưa chiến cơ không kích Libya. Hành động này còn có ý nghĩa “đánh bạc” với hi vọng tái đắc cử Tổng thống Pháp vào năm 2012 của Sarkozy. Hiện nay, Hội đồng quốc gia lâm thời Libya đã thành công kiểm soát đại bộ phận Libya, có thể nói Sarkozy đã chiến thắng trong canh bạc này.

Theo truyền thông Ai Cập, mục đích chính trong chuyến thăm Libya của hai nhà lãnh đạo Sarkozy và Cameron là chúc mừng hành động lật đổ chính quyền Gaddafi của Hội đồng quốc gia lâm thời đã giành được thắng lợi dưới sự ủng hộ chính của Pháp và Anh, cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của Anh, Pháp trong hành động lần này, hơn nữa giữ quyền chủ động hai nước này có được từ khi bắt đầu xảy ra xung đột.

Hiện nay, mặc dù Hội đồng quốc gia lâm thời Libya đã kiểm soát đại bộ phận Libya, nhưng nhiều vùng như Bani Walid, Sirte vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh dai dẳng của phe ủng hộ Gaddafi.

Tại buổi họp báo được tổ chức ngày 15/9 tại Libya, Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố: "Hành động quân sự của NATO tại Libya sẽ tiếp tục cho đến khi Hội đồng quốc gia lâm thời kiểm soát toàn bộ Libya, Anh sẽ tiếp tục giúp đỡ Hội đồng này tìm kiếm tung tích Gaddafi".

Ông đồng thời nhấn mạnh:
“Anh sẽ suy nghĩ về việc tiếp tục giải băng tiền của chính phủ Libya”.

Cameron phát biểu tại Benghazi 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết, Pháp sẽ cung cấp cho nhân dân Libya các gói viện trợ dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có viện trợ tái thiết quốc gia sau chiến tranh.

Lãnh đạo Anh, Pháp cùng nhấn mạnh: “Chuyến thăm lần này không liên quan đến bất cứ hợp đồng và thỏa thuận nào về kinh tế, hơn nữa cho thấy sự ủng hộ của Anh, Pháp đối với Libya không kèm theo bất cứ điều kiện nào".

Chủ tịch Hội đồng quốc gia lâm thời Libya Abdel Jalil đã bày tỏ cảm kích trước sự giúp đỡ của các nước đồng minh và đối tác, đồng thời tuyên bố sẽ giành cho họ quyền ưu tiên bằng những thể chế rõ ràng.

Một số phân tích chỉ ra, chuyến thăm lần này là “đôi bên cùng có lợi”. Libya cần viện trợ để tái thiết quốc gia sau chiến tranh; còn Anh, Pháp cần nguồn tài nguyên phong phú của Libya trong quá trình nước này tái thiết.

Sáng Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn