Tàu sân bay TQ (3): Kiev và Minsk - "con nuôi" lận đận

Thế giớiChủ Nhật, 28/08/2011 06:03:00 +07:00

(VTC News) - Con tàu Minsk từng bị đem ra bán đấu giá vào ngày 22/3/2006, tuy nhiên, không có ai chịu rút hầu bao dù giá khởi điểm của nó chỉ là 128 triệu NDT.

(VTC News) - "Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc đang dần thành hiện thực, trong một tương lai không xa, nó sẽ chiếm ưu thế không chỉ vì khả năng tự đóng tàu sân bay mà còn bởi khả năng sáng tạo, thừa kế và phát triển ngành tàu sân bay dựa trên một số tàu sân bay nhập khẩu." - Báo chí Trung Quốc hân hoan tung hô.

Tàu sân bay thuộc lớp Kiev (Còn được biết đến với tên gọi Dự án 1143 hoặc lớp Krechyet (Gyrfalcon)) là lớp đầu tiên của các tàu sân bay có cánh nâng gắn cố định được sản xuất tại Liên Xô (cũ).

Lần đầu tiên được chế tạo vào năm 1970, con tàu sân bay Kiev thuộc lớp có cùng tên gọi Kiev này được sản xuất một phần dựa trên thiết kế của một tàu sân bay thuộc dự án Orel. Ban đầu, Hải quân Liên Xô (cũ) muốn có một siêu hàng tương tự như lớp tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ. Tuy nhiên, thiết kế của các tàu sân bay thuộc lớp Kiev nhỏ gọn hơn nhiều nhằm giúp tiết kiệm chi phí hơn.

Novorossiysk năm 1986



Không giống như các tàu sân bay của Mỹ hay của Anh, tàu sân bay Kiev là sự kết hợp giữa một tàu sân bay và một tuần dương hạm. Riêng đối với Hải quân Liên Xô (cũ), con tàu Kiev được xem là một tuần dương hạm hạng nặng có thể chở theo máy bay, chứ không chỉ là một tàu sân bay thông thường.

Mặc dù các con tàu thuộc lớp này được thiết kế theo kiểu đặt cấu trúc thượng tầng ở phía mạn phải, nhưng đường băng góc cạnh của chúng có độ dài chỉ bằng 2/3 các tàu sân bay thông thường khác, và boong tàu phía trước còn được trang bị thêm các vũ khí tên lửa hạng nặng.

Kiev ngày 1/5/2004




Mục đích của việc chế tào tàu sân bay thuộc lớp Kiev này là nhằm hỗ trợ các tàu ngầm tên lửa chiến lược, các tàu nổi và hệ thống không lực hải quân khác. Nó có khả năng tham gia vào việc phòng không, các cuộc chiến chống tàu ngầm và vào việc chiến đấu trên mặt biển.

Tổng cộng có 4 tàu sân bay thuộc lớp Kiev được đóng và được đưa vào sử dụng, phục vụ Hải quân Liên Xô (cũ) mà bây giờ có tên gọi Hải quân Nga. Ba con tàu đầu tiên đã ngừng hoạt động, trong đó một con tàu bị biến thành sắt vụn, còn hai con tàu khác được thanh lý thành “vật giải trí” của Trung Quốc. Con tàu thứ 4 có tên gọi Admiral Gorshkov đã bị bán cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2004 và hiện đang được nâng cấp.

Minsk năm 1983




Cụ thể, tàu Kiev (1975–1993) hiện đã được bán cho Trung Quốc, tàu Minsk (1978–1993) được bán cho Hàn Quốc trước khi tới tay Trung Quốc, tàu Novorossiysk (1982–1993) được bán cho Hàn Quốc, nhưng hiện đã bị biến thành sắt vụn, trong khi tàu Baku (1987–1991) hay còn có tên gọi Admiral Gorshkov từ năm 1991 tới năm 1995 và hiện tại được gọi là Vikramaditya sẽ được đưa vào phục vụ Hải quân Ấn Độ trong năm 2011 hoặc năm 2012 tới đây.

Riêng hai tàu được bán cho Trung Quốc là Kiev và Minsk, mỗi tàu đều được trang bị các tên lửa chống ngầm SUW-N-1 FRAS, hệ thống phóng ngư lôi, hệ thống vũ khí tự động CIWS nhằm bảo vệ các loại tàu nổi, súng AA, vũ phạm P-500 Bazalt SSM với 8 tên lửa, vũ phạm M-11 Shtorm SAM với 72 tên lửa, và vũ phạm 9K33 Osa với 40 tên lửa.

Đôi nét về Minsk

Minsk là tên gọi đặt theo tên thủ đô của Belarus. Tàu được chế tạo vào năm 1972, được hạ thủy lần đầu vào ngày 20/9/1975, và chính thức hoàn chỉnh vào ngày 27/9/1978. Tàu bị tạm ngừng hoạt động vào 30/6/1993.

Tàu sân bay thuộc lớp Kiev - Minsk từng hoạt động trong Hạm đội Thái Bình Dương. Con tàu này đã phải tạm ngừng hoạt động sau một vụ va chạm nghiêm trọng và các bộ phận hư hỏng của nó chỉ có thể được phục hồi tại nhà máy Chernomorski, Ukraine.


 



Vào năm 1995, tàu được bán lại cho một doanh nhân người Hàn Quốc và sau đó nó được bán lại cho một công ty trách nhiệm hữu hạn về tàu biển của Trung Quốc có tên gọi Shenzhen Minsk.

Đến năm 2006, công ty này bị phá sản và Minsk trở thành một “vũ khí” quân sự được đặt tại huyện Yantian thuộc Shatoujiao và được Hải quân Thâm Quyến gọi là Minsk World.

Con tàu này từng bị đem ra bán đấu giá vào ngày 22/3/2006, tuy nhiên, không có ai chịu rút hầu bao ra mua con tàu “ghẻ” này dù giá khởi điểm của nó chỉ là 128 triệu Nhân dân tệ. Bởi vậy mà con tàu được giữ lại tại Trung Quốc. Vào ngày 31/5/2006, một tập đoàn kinh tế ở tỉnh Thâm Quyến có tên gọi CITIC đã đứng ra mua lại con tàu này với giá 128 triệu Nhân dân tệ.

 



Đôi nét về Kiev

Tàu được đóng từ năm 1970 tới tận năm 1975 mới hoàn thành tại nhà máy Chernomorski ở Nikolayev và là con tàu đầu tiên thuộc lớp Kiev. Kiev được ra mắt lần đầu vào ngày 26/12/1972, tuy nhiên, phải tới tận ngày 28/12/1975 nó mới được đưa vào hoạt động và chính thức được phục vụ Hải quân Liên Xô (cũ) vào tháng 2/1977 sau khi hoàn thành tất cả các thử nghiệm của mình.

Vào năm 1976, con tàu này đã được chuyển từ Biển Đen tới Severomorsk và trở thành một “thành viên” của Hạm đội phương Bắc. Từ năm 1977 tới năm 1987, Kiev đã thực hiện 10 chuyến đi thực tế tới Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Vào tháng 3/1979, nó đã có chuyến đi biển cùng với tàu sân bay Minsk ở Địa Trung Hải. Tới tháng 10/1981, con tàu này đi đầu trong cuộc tập trận với quy mô lớn Zapad-81 trên biển Baltic.
 
 



Từ tháng 12/1982 tới tháng 10/1984, nó phải trải qua một đợt đại tu và được hiện đại hoá lên ở Nikolayev. Từ năm 1985 trở đi, con tàu này đã được cải thiện đáng kể, hàng loạt các cuộc diễn tập của những chiếc máy bay chiến đấu đa nhiệm Yakovlev Yak-38s đã được thực hiện trên nó thay vì những chiếc VTOL như đã từng được giới thiệu.

Kiev cũng có thể chở được nhiều máy bay hơn và những chiếc trực thăng Kamov Ka-27 đã được lựa chọn để thay thế những chiếc Kamov Ka-25 đã lỗi thời trên con tàu sân bay này.

Năm 1985, Kiev trở lại Hạm đội phương Bắc. Từ năm 1987 trở đi, nó chủ yếu hoạt động ở Severomorsk. Vào tháng 12/1989, con tàu này tạm ngừng hoạt động. Sau khi Liên Xô sụp đổ, con tàu này vẫn thuộc sở hữu của Nga. Tuy nhiên, do ngân sách quân sự suy yếu cùng với đó là tình trạng con tàu ngày một xấu đi nên vào ngày 30/6/1993, nó đã được cho “về vườn”.





Tới năm 1996, nó đã bị bán cho một công ty Trung Quốc và kể từ ngày 1/5/2004, nó trở thành một phần của Binhai Aircraft Park, công viên quân sự ở Thiên Tân (Trung Quốc). Tháng 8/2011, con tàu này được “hô biến” thành một khách sạn hạng sang, xa xỉ sau khi Trung Quốc tung hàng triệu USD để tân trang.

Minh Quân 

Bình luận
vtcnews.vn