Ấn Độ - Pakistan đổi chỗ cho nhau trên "bàn cờ" Mỹ?

Thế giớiThứ Bảy, 30/07/2011 02:41:00 +07:00

(VTC News) - Cùng với việc trọng tâm chiến lược Mỹ chuyển sang khu vực Đông Á, Ấn Độ đã qua mặt Pakistan, tái chiếm vị trí chi phối trong “bàn cờ” của Mỹ.

(VTC News) - Gần đây, theo một số nhà phân tích, cùng với việc trọng tâm chiến lược Mỹ chuyển sang khu vực Đông Á, Ấn Độ đã qua mặt Pakistan, tái chiếm vị trí chi phối trong “bàn cờ lớn” chiến lược của Mỹ.

Ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đến Ấn Độ, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày. Một chuyến thăm diễn ra vào thời điểm ít ngày sau hàng loạt vụ đánh bom rung chuyển thành phố cảng Mumbai rõ ràng không phải ngẫu nhiên. 

Mặt khác, ngày 19/7, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Giám đốc điều hành Hội đồng Kashmir tại Mỹ (KAC) Syed Ghulam Nabi Fai, cáo buộc ông này là mật vụ của chính phủ nước ngoài, chịu sự điều khiển của một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI). Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra văn kiện tuyên bố nhiều năm nay, ISI đã đầu tư hàng triệu USD vào một tổ chức phi lợi nhuận tại thủ đô Mỹ Washington, âm mưu bí mật gây ảnh hưởng đến Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.


Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tại Ấn Độ 

Căng thẳng quan hệ Mỹ – Pakistan

Đặc vụ FBI tuyên bố tại tòa án: “Tôi cho rằng, mỗi năm Fai đều nhận khoảng 500.000 – 700.000 USD từ chính phủ Pakistan”. Mặc dù người phát ngôn Đại sứ quán Pakistan tại Mỹ nhanh chóng phủ nhận: “Fai không phải là công dân của Pakistan, chính phủ Pakistan và Đại sứ quán không biết gì về chuyện này” nhưng căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Pakistan đã là sự thật khó lòng tranh cãi.

Trên thực tế, sau khi quân đội Mỹ tiến vào Pakistan hạ sát lãnh đạo al-Qaeda Bin Laden vào tháng 5 năm nay, quan hệ Mỹ – Pakistan đã xấu đi. Mỹ cáo buộc Pakistan “không triệt để chống khủng bố”; Pakistan lại lên án Mỹ “vi phạm chủ quyền" Pakistan, chưa được sự đồng ý của Pakistan đã đưa máy bay trực thăng vào lãnh thổ Pakistan giết chết Bin Laden.

Đầu tháng 7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) Mike Mullen ám chỉ chính phủ Pakistan đã phê chuẩn kế hoạch mưu sát nhà báo Syed Saleem Shahzad - Trưởng văn phòng thường trú báo Asia Times Online tại Pakistan vào tháng 5. Sau đó, Pakistan đã trục xuất hơn 100 quân nhân Mỹ tại Pakistan.

Giám đốc điều hành Hội đồng Kashmir tại Mỹ (KAC) Syed Ghulam Nabi Fai.

Đáp trả lại hành động này, ngày 10/7, chính phủ Obama quyết định cắt giảm 800 triệu USD viện trợ quân sự cho Pakistan. Gói viện trợ này tương đương với 1/3 tổng viện trợ an ninh hàng năm của Mỹ cho Pakistan, bao gồm tiền trợ cấp luyện tập và thiết bị quân sự cho Pakistan, tiền bồi thường chi phí quân sự cho Pakistan trong Quỹ Hỗ trợ liên minh của Mỹ và tiền cho 100.000 quân đội Pakistan đóng tại biên giới Afghanistan và Pakistan.

Hai nước đồng minh chống khủng bố Mỹ và Pakistan đã qua thời kì “mật ngọt”, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng.

Ngẫu nhiên hay tất nhiên

Việc giết chết Bin Laden được coi là thắng lợi to lớn, có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Sau đó, kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Obama chính thức khởi động. 

Muốn rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ phải tìm được người thay Mỹ giải quyết những vấn đề tồn đọng, người này rất có thể là Pakistan. Việc Mỹ phải làm hiện nay là tận dụng ưu thế tuyệt đối buộc Pakistan tiếp tục hợp tác trong quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Đây không phải là sửa chữa quan hệ mà là tăng áp lực đối với Pakistan. Cho dù không có sự kiện Bin Laden bị chết, sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn cắt giảm viện trợ quân sự cho Pakistan.

Cũng có nghĩa là, “tuần trăng mật” Mỹ – Pakistan đã kết thúc, căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Pakistan thoạt nhìn tưởng là ngẫu nhiên, nhưng trên thực tế lại là tất nhiên.

Quân đội Pakistan đi tuần tại vùng North Waziristan 

Tất nhiên, quan hệ Mỹ – Pakistan không thể nói cắt là cắt. Nguồn cung ứng cho hàng vạn quân đội Mỹ tại Afghanistan trước hết phải vận chuyển đến cảng Karachi Pakistan, sau đó lại thông qua Pakistan đến Afghanistan. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ không thể không có Pakistan, phát triển kinh tế Pakistan cũng không thể không có Mỹ.

Sau khi Mỹ tuyên bố cắt giảm viện trợ cho Pakistan, lãnh đạo quân đội hai nước đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với hi vọng giảm căng thẳng trong quan hệ. Phát ngôn viên chính phủ Mỹ Alexander Downer nhấn mạnh: “Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan là quan hệ toàn đã được xác lập. Vì lợi ích quốc gia hai nước, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Pakistan”.

Ấn Độ - quốc gia không thể xem nhẹ


Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Clinton trong chuyến thăm Ấn Độ tuyên bố: "Hiện nay đã đến lúc đi đầu”, kêu gọi New Delhi đảm nhận trọng trách quan trọng hơn nữa tại Châu Á, tăng cường ủng hộ hai nước láng giềng là Pakistan và Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bày tỏ tình thân ái. 

Đây được xem là bài phát biểu quan trọng về mối quan hệ đồng minh Mỹ - Ấn trong tương lai. Mỹ hi vọng có thể dựa vào quan hệ Mỹ - Ấn để ổn định Châu Á, đồng thời kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Giới phân tích chỉ ra, gần đây, cùng với trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển sang khu vực Đông Á, Ấn Độ đã “qua mặt” Pakistan, tái chiếm vị trí chi phối trong “bàn cờ lớn” chiến lược của Mỹ. Mặc dù trong việc củng cố thành quả của cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan vẫn không thể không có sự ủng hộ của Pakistan; tuy nhiên, so với thời chiến, vai trò và vị trí chiến lược của Pakistan đã không còn như trước.

Vị trí địa chính trị của Ấn Độ ngày càng được khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ - Ấn ngày càng thiết chặt. Chiến lược Nam Á của Mỹ đã quan tâm đến cân bằng tình hình chiến lược toàn cầu, không còn chỉ là cuộc chiến chống khủng bố. Ở góc độ này, đóng góp của Ấn Độ có thể vượt xa Pakistan.

Với ý nghĩa đó, sự lạnh nhạt trong quan hệ Mỹ – Pakistan và sự ấm nồng trong quan hệ Mỹ - Ấn không khó lí giải.

Sáng Nguyễn(Theo Xinhua)


Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn




Bình luận
vtcnews.vn