Strauss-Kahn và cuộc đấu khẩu của báo chí Pháp - Mỹ

Thế giớiThứ Bảy, 16/07/2011 05:50:00 +07:00

(VTC News) - Trong và sau sự cố của cựu TGĐ IMF, báo chí Pháp - Mỹ đã liên tiếp có những bài công kích nhau. Sự khác biệt về văn hóa hay vấn đề "fair play"?

(VTC News) - "Tốc độ", "chi tiết phong phú" đến bất ngờ, các bài tường thuật về vụ án cựu lãnh đạo IMF của làng báo chí Anh - Mỹ đã làm người Pháp sốc mạnh. Đây là sự khác biệt về văn hóa hay vấn đề “fair play” (chơi đẹp)? Cùng theo dõi bài bình luận về sự khác biệt đó trên tờ New York Times.

Cú đảo lộn ngoạn mục trong vụ án hình sự chống lại cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, người được xem như một ứng viên Tổng thống Pháp tiềm năng, đã khơi dậy một trào lưu bài Mỹ tại Pháp, đồng thời thúc đẩy luồng dư luận cho rằng, nền văn hóa dưới sự định hướng của truyền thông Mỹ đã làm ảnh hưởng đến công lý cũng như sự fair play của báo giới.

Người Pháp đã gặp cú sốc lớn sau vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn hồi tháng 5 và chỉ trích dữ dội các hãng truyền thông Mỹ khi đưa hình ảnh nhà lãnh đạo này bị còng tay, không cạo râu trong một phiên tòa lên truyền hình, hay hình ảnh ông bị tạm giam ở nhà tù khét tiếng Rikers Island dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên an ninh vì lo ngại ông tự tử.

Hình ảnh Strauss-Kahn bị còng tay đã gây sốc cho người Pháp 

Họ chỉ trích sự hân hoan mà một số tờ báo lá cải New York và nhấn mạnh, họ cho rằng đã bị sỉ nhục khi các tờ báo này sử dụng những ngôn từ châm biếm nhắm vào cựu TGĐ IMF. Thậm chí, nhiều người cho rằng, điều đó không chỉ là sự sỉ nhục đối với ông Strauss-Kahn mà còn làm bẽ mặt mọi người dân Pháp.

Khi tòa án New York tuyên bố lời khai của nguyên đơn, nữ hầu phòng người Guinea là không đủ tin cậy, cựu lãnh đạo người Pháp Strauss-Kahn được thả tự do, người Pháp đã cảm nhận niềm hân hoan của mình trong cay đắng, và những lời chỉ trích của họ giờ đây đổ đồn sang sự vội vàng của tòa án, dư luận Pháp tập trung vào các công tố viên được lựa chọn, vào bản chất "thiếu văn minh, tàn bạo, lạm dụng" của chế độ dân chủ, và sự công bằng của nước Mỹ.

Cựu Thủ tướng Lionel Jospin lớn tiếng tuyên bố: “Ông ấy đã bị ném vào giữa bầy sói”. Còn cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter gọi các vụ xét xử ông Strauss-Kahn là “một lối hành hình lin-sơ, một vụ giết người bằng phương tiện truyền thông”.

Trong một bài xã luận, tờ Le Monde của Pháp đã viết rằng: “Ít nhất một người có thể nhận thấy sự thay đổi bất thường trong hệ thống pháp lý của Mỹ”, và rằng người ta đã lên án ông Strauss-Kahn trước khi bắt đầu một cuộc thẩm tra nghiêm túc. Khi chỉ trích “bộ máy pháp lý truyền thông”, tờ báo này nhận xét, cái giá mà ông Strauss-Kahn phải trả quá nặng nề, bao gồm cả việc đánh mất sự nghiệp và tương lai chính trị của ông.  

Noelle Lenoir, cựu Bộ trưởng phụ trách các sự vụ châu Âu cho biết, nhiều người Pháp cảm thấy bị xúc phạm: “Mọi người đã bị sốc bởi các thông tin truyền thông. Họ nghĩ rằng, việc truy tố là do thông tin sai trái từ các tờ báo lá cải. Có thể đã có sự trả thù đâu đó cho cái được gọi là hành vi bài Pháp”.

Trang nhất tờ New York Post đăng bài về cựu TGĐ IMF số ra ngày 16/5 

Ông Dominique Moïsi, một nhà phân tích lâu năm về mối quan hệ Pháp - Mỹ, người nghiên cứu và giảng dạy tại cường quốc số một thế giới cho biết: việc các công tố viên Mỹ tiết lộ có sự bịa đặt trong lời khai của nữ hầu phòng về lý lịch, đơn xin tị nạn và khoản thuế của mình đã “đánh thức giấc nồng của phong trào bài Mỹ; và người thua cuộc lại là công lý Mỹ và cảnh sát New York”.

Ông Moisi còn cho biết, ngay cả trong những năm 90, khi quan hệ hai nước còn gần gũi, khi chiến tranh lạnh đã kết thúc và cuộc chiến Iraq lần thứ hai vẫn chưa diễn ra, hai nước vẫn bị chia rẽ sâu sắc bởi quan điểm về án tử hình: "Ở châu Âu, bạn sẽ có cảm giác không được hưởng quyền công dân đầy đủ khi chịu án tử hình. Giờ đây, sự khác biệt này đang tăng lên – Mỹ không phải là một quốc gia văn minh với cách hành xử như vậy của cảnh sát. Người châu Âu có cảm giác rằng, đó là một quốc gia nguy hiểm”.

Những khác biệt về văn hóa, được đánh dấu bởi sự lỗ mãng của các hãng truyền thông Mỹ, thúc đẩy cuộc chiến văn hóa ở hai bờ Đại Tây Dương, gợi nhớ về thời kỳ Pháp phản đối cuộc tấn công Iraq của chính quyền Bush, điều khiến một số người Mỹ phản ứng với “tự do khoai tây chiên” và gọi người Pháp bằng câu miệt thị “cheese-eating surrender monkeys” – Những con khỉ đầu hàng ăn pho mát.

Hình ảnh cựu lãnh đạo IMF tại tòa án New York
 
Nhà báo Pháp Bernard-Henri Lévy, một người bạn của Strauss-Kahn đã nhận xét, nước Mỹ có một la bàn đạo đức và chính trị tầm thường khi cho rằng nữ hầu phòng “là một người nhập cư nghèo đói, vô tội, và ông Strauss-Kahn là một người đàn ông quyền lực chắc chắn phạm tội”.

Nói rộng ra, giới truyền thông Pháp đã phản bác những lời lăng mạ bài Pháp của truyền thông New York – ví dụ tờ Le Monde đã có một bài viết với tựa đề “Thùng rác – Vụ DSK được đưa lên trang nhất của New York Post”, và một cái cười ngạc nhiên khinh miệt với bài “Sự đảo ngược của giới truyền thông Mỹ” trong tờ The Journal du Dimanche, khi các tờ báo Mỹ đột nhiên quay lại tấn công nữ hầu phòng.

Người dân Pháp còn tỏ ra khó chịu hơn với cách xử lý của Mỹ và trào lưu bài Pháp đi kèm theo đó. Anh Benard Kevin, 28 tuổi, cho biết trong phiên xét xử đầu tiên của ông Strauss-Kahn rằng: “Mỹ có một hệ thống tư pháp khắc nghiệt. Chúng tôi tin tưởng người ta vô tội trước khi họ bị quy kết có tội”.  

Marc Placet, 30 tuổi, cho hay ông đã ở New York trước đó một tuần và bị ấn tượng bởi trào lưu bài Pháp ở đó. “Tôi nghĩ rằng vụ việc D.S.K đã khơi dậy một trào lưu bài Pháp ở Mỹ. Tại New York, mọi người trong quán bar hay trên đường phố đều sẽ cười nhạo nếu biết tôi là người Pháp. Họ sẽ mang đề tài ông Strauss-Kahn ra và gọi người Pháp là “trụy lạc” hay tương tự như thế”.

Ông Strauss-Kahn đã được thả tự do sau phiên tòa 1/7 

Một số nhà quan sát chính trị cho rằng, những lo ngại về phản ứng dữ dội chống Mỹ là quá lời. Arlette Chabot, Tổng biên tập Đài phát thanh Châu Âu 1 nói: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng nói người Pháp phản đối Mỹ là quá phóng đại”, đồng thời dẫn chiếu sự quý mến mà người Pháp dành cho 2 Tổng thống Mỹ Obama và Bill Clinton. Tất nhiên, ông phớt lờ trường hợp cựu Tổng thống G. Bush và Ronald Reagan, những nhà lãnh đạo Mỹ bị quay lưng tại Pháp.

Ông Moïsi cho rằng, ông Strauss-Kahn, người sẽ phải tham dự phiên điều trần tiếp theo vào tháng 8, có thể đã kết thúc sự nghiệp chính trị. Đảng Xã hội muốn giành chiến thắng bằng mọi giá và họ có thể phủ quyết rằng, ông Strauss-Kahn đã mang một vết nhơ mới. “Tuy nhiên, nếu như D.S.K. quay trở về như một nạn nhân chiến thắng công lý Mỹ thì có thể thay đổi mọi thứ”, ông Moisi nói.

Phương Mai
(Theo Nytimes)


Bình luận
vtcnews.vn