Hạ sát con trai Gaddafi, NATO đang tự bắn vào lưng mình

Thế giớiThứ Hai, 02/05/2011 06:06:00 +07:00

(VTC News) - Gây ra cái chết của con trai Gaddafi - nếu có - là sai lầm chiến thuật nghiêm trọng – một hành động vô nghĩa về quân sự và tai hại về ngoại giao.

(VTC News) - Thông tin về cái chết của Saif al-Arab Gaddafi, con trai út nhà lãnh đạo Libya sau cuộc không kích của phiến quân đã khiến rất nhiều người nghĩ đến một bước ngoặt mới cho cuộc chiến. Gaddafi sẽ xuống thang để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người còn lại trong gia đình, hay sẽ dốc toàn lực trả thù cho con trai? Đây là một chiêu bài dở của NATO, hay một màn kịch của Gaddafi?

 

Dưới đây là phân tích của nhà nghiên cứu Shashank Joshi, nghiên cứu sinh ngành Quan hệ Quốc tế ĐH Havard, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh RUSI, London.

Cái chết của Saif al-Arab Gaddafi, nếu được xác thực, có vẻ như là kết quả của chiến lược tấn công ngày càng dữ dội của NATO nhằm phá vỡ thế bế tắc của cuộc xung đột.

 

Nhưng trên thực tế, việc gây ra cái chết của con trai Gaddafi trong đợt không kích là một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng – một hành động vô nghĩa về mặt quân sự, và tai hại về mặt ngoại giao.

 

Tính đến cuối tháng Tư vừa qua, các nước NATO đã có những biến chuyển trong phương thức hành động. 3 nước thành viên Anh, Pháp, Italy đã đưa cố vấn quân sự vào miền đông Libya nơi  thuộc quyền kiểm soát của quân nổi dậy. Bên cạnh đó, Mỹ cũng bắt đầu mở lại các cuộc tuần tra bằng máy bay không người lái.

 

 Tòa nhà của Gaddafi sau khi bị oanh kích (Ảnh: AFP)

Thay đổi thứ 3 và quan trọng nhất, đó là các đợt không kích bắt đầu nhắm vào mục tiêu là các cơ quan đầu não, mạng lưới thông tin và tình báo của Libya. Trung tâm Bab al-Aziziya bị đánh phá hôm 25/4 bao gồm cả 3 chức năng này, và việc liên lạc từ trung tâm này bị gián đoạn được cho là sẽ làm quân chính phủ ngoài mặt trận mất phương hướng, cắt đứt việc chỉ huy từ Tripoli và gieo rắc hoang mang trong hàng ngũ quân Gaddafi.

 

Thế nhưng, ngay tại thời điểm không kích bắt đầu, một câu hỏi đã được đặt ra: Cuộc không kích liệu có phải là một vụ mưu sát?

 

Những cái chết giá trị

 

Việc ám sát nguyên thủ quốc gia là hành vi bất hợp pháp theo luật quốc tế và một loạt các lệnh cấm đã được đưa ra bởi nhiều đời Tổng thống Mỹ. Nhưng mặt khác, việc tiêu diệt các mục tiêu trong mạng lưới lãnh đạo của kẻ thù lại đang được bao biện bởi sự mơ hồ của luật pháp.

  

 Cái chết của Saif al-Arab, nếu có thật, không mang lại lợi ích thực tế nào cho liên quân

Người ta có thể dựa vào tính chất độc tài của chế độ Gaddafi cũng như mệnh đề “áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết” trong Nghị quyết 1973 của Liên Hợp Quốc để lập luận rằng, việc giết Đại tá Muammar Gaddafi và một số thành viên trong gia đình ông như cậu con trai Khamis, tư lệnh của một đội quân tinh nhuệ là điều được cho phép, ngay cả khi nó có thể gây rủi ro cho các mục tiêu phi quân sự.

Tuy nhiên, người ta không thể chỉ ra tính hợp pháp cũng như sự thận trọng cần thiết trong những hành động này. Đối với phía NATO, cuộc không kích cũng như cái chết của Saif al-Arab đã đem lại thắng lợi quân sự thì ít mà tổn thất về mặt ngoại giao và hình ảnh lại quá lớn.

 

Không giống như các anh trai của mình, Saif al-Arab không phải là tư lệnh quân đội hay phát ngôn viên cao cấp của chế độ. Cái chết của anh gợi nhắc lại cuộc không kích của Mỹ năm 1986 cũng vào chính tòa nhà này, giết chết một cô gái mà Gaddafi tuyên bố là con gái nuôi của mình, và cùng với tòa nhà bị tàn phá trở thành một biểu tượng lâu dài cho sự bất phục của Gaddafi.

 

Người ta khó mà lường hết giá trị tuyên truyền của những cái chết như vậy.

 

Trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, một máy bay tàng hình Mỹ đã ném 2 quả bom vào nơi được cho là boongke chỉ huy, nhưng trên thực tế là nơi trú ẩn của dân thường Iraq, làm chết 315 người, trong đó có 130 trẻ em.

 

Đại tá Gaddafi, cũng giống như Saddam Hussein trước kia, sẽ không dại gì bỏ qua cơ hội khai thác những sai lầm như vậy để tô đậm hình ảnh về việc “tấn công bừa bãi” của các cường quốc phương Tây xâm lược.

 

Không có “viên đạn bạc” nào hết

 

Hơn thế nữa, đây từ lâu đã không còn là một cuộc chiến thông thường coi việc chờ đợi mệnh lệnh từ trên xuống là tối quan trọng.

Các lực lượng ủng hộ ông Gaddafi ở cả thành phố miền tây đang bị bao vây Misrata lẫn ở miền đông Libya đã thích nghi với các cuộc không kích của NATO và đang sử dụng các chiến thuật ngày càng linh hoạt, không trông chờ vào các mệnh lệnh chi tiết từ Tripoli đưa xuống, và rõ ràng thiếu đi sự chỉ đạo, hành động này có thể gây ra tổn thất đáng kể cho dân thường.


Dễ hiểu sự thất vọng của NATO trước hiệu quả ngày càng giảm sút của các cuộc không kích, sau khi họ đã phá hủy hầu hết các mục tiêu có thể tiếp cận. Nhưng việc giết hại tư lệnh và làm gián đoạn liên lạc trên thực tế kém quan trọng hơn nhiều so với nhiệm vụ chính là phá hỏng các thiết bị quân sự hạng nặng như xe tăng và đại bác.

 

Thậm chí, nếu vụ không kích hạ sát được chính Đại tá Gaddafi, thì đó có được coi là một thành công quân sự?

  

 Cuộc chiến sẽ ra sao, ngay cả khi Gaddafi đã chết?

Một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc chiến Iraq là cho rằng sự ra đi của Saddam Hussein bộ máy nhà nước sẽ được đổi chủ một cách dễ dàng.

 

Cái chết của Đại tá Gaddafi có thể dẫn tới việc Saif al-Islam Gaddafi lên nắm quyền, khích động sự ủng hộ và tiếp tục cuộc chiến với sức mạnh tương đương. Thật nguy hiểm và thiển cận khi mô tả vụ ám sát - thậm chí là thành công - như một “viên đạn bạc”.

 

Hay có lẽ những mối đe dọa này là một cách lập luận rằng chính phủ không có nơi trú ẩn nào an toàn và chỉ có đầu hàng mới mang lại yên ổn?

 

Rõ ràng, cùng với mục tiêu quân sự nhằm tiêu diệt các trung tâm chỉ huy, NATO đang tìm kiếm một hiệu ứng tâm lý và ý thức rõ về tính khả thi của một vụ “ám sát ngẫu nhiên".

 

Sự chuyển dịch cân bằng

 

Vấn đề là, tính điều hướng cho hiệu ứng này không rõ ràng.

 

Tác động trực quan kinh hoàng từ cuộc không kích cũng như cái chết của những người không có vai trò chính trị hay quân sự sẽ khiến các quan điểm ngoại giao đối lập về cuộc chiến, trong đó có Nga và Trung Quốc, trở nên cứng rắn hơi khi nào hết.

 

 Thủ tướng Nga Putin gọi cuộc chiến Libya là "cuộc thập tự chinh thời trung cổ" của các nước phương Tây

Hơn thế nữa, nó có thể gây ra sự bất bình của ngay các thành viên liên minh như Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, và châm ngòi dư luận ở các nước Arab và châu Phi.

 

Cuối cùng, nó có thể dẫn tới việc Anh và Pháp phải một mình ôm gánh nặng quân sự, với sự hỗ trợ khiêm tốn và hạn chế từ giới cầm quyền thận trọng của Mỹ vốn không muốn nhúng sâu vào cuộc chiến này của châu Âu.

 

Chiến lược tổng thể của Đại tá Gaddafi chưa bao giờ là giành chiến thắng trong một cuộc chiến thông thường, mà là tận dụng những thương vong mang tính cá biệt để tạo ra bất đồng giữa các thành viên liên minh, từ đó phá vỡ những điểm tựa chính trị của cuộc can thiệp.

 

Như vậy, cho đến nay, liên minh vẫn đang tìm cách giằng co giữa việc kéo dài sự tồn tại của mình và gia tăng cường độ chiến dịch. Nếu cán cân tiếp tục chuyển hướng về vế sau, thì có lẽ NATO đang chuyển thế chủ động trong trò chơi này cho chính quyền Gaddafi.

 

Đông Linh (dịch)

Bình luận
vtcnews.vn