Bờ Biển Ngà: Ouattara nắm quyền, nội chiến có kết thúc?

Thế giớiThứ Ba, 12/04/2011 08:16:00 +07:00

Con đường lên nắm quyền tổng thống của Alassane Ouattara lắm gian nan nhiều bất ổn như chính đất nước Bờ Biển Ngà bên bờ Đại Tây Dương này.

Con đường lên nắm quyền tổng thống của Alassane Ouattara lắm gian nan nhiều bất ổn như chính đất nước Bờ Biển Ngà bên bờ Đại Tây Dương này.

Ông Alassane Ouattara, người được quốc tế công nhận là chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Bờ Biển Ngà năm ngoái, vừa bắt giữ tổng thống bị phế truất Gbagbo vào hôm qua, 11/4 và chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 4 tháng ở quốc gia Tây Phi này.

 Chân dung Alassane Ouattara

Alassane Dramane Ouattara sinh ngày 1 tháng 1 năm 1942, tại Dimbokro miền trung Bờ Biển Ngà. Nhưng phần lớn thời gian học tập và làm việc của ông đều có liên quan đến đất nước Burkina Faso. Điều này dấy lên các cuộc tranh luận về nguồn gốc xuất xứ của ông.

Ouattara nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại Hoa Kỳ năm 1967 và làm việc với cương vị giám đốc  IMF của châu Phi kiêm thống đốc Ngân hàng Trung ương khu vực Tây Phi (BCEAO).

Mặc dù là một nhà kinh tế, ông thường xuyên tham gia các hoạt động chính trị trong suốt 20 năm qua. Ouattara đã được bầu làm thủ tướng và được tổng thống Félix Houphouet-Boigny bổ nhiệm từ tháng 11 năm 1990 đến tháng 12 năm 1993. Khi Boigny lâm bệnh, ông tạm thời nắm quyền tổng thống.

Sau đó ông bị các đối thủ chính trị loại bỏ khỏi vị trí thủ tướng. Ông cố gắng quay trở lại nắm quyền lực khi trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Tập hợp những người Cộng hòa nhưng đều không thành vì nguồn gốc xuất xứ của mình.

Ông nhấn mạnh rằng cha mẹ đều là người Bờ Biển Ngà nhưng năm 1995, một tòa án phát quyết mẹ ông đến từ nước láng giềng Burkina Faso. Điều đó ngăn cản ông tham gia ứng cử tổng thống.

Điều này cho phép ông Laurent Gbagbo, đối thủ của ông, khai thác những căng thẳng về tình hình di dân kinh tế, nhập cư đang tăng cao và nỗi lo sợ về “sự thống trị của các cường quốc ngoại bang” mà Outtara là một ví dụ điển hình. Ông Gbagbo đã tự coi mình là một người “dân tộc chủ nghĩa chiến đấu chống lại ngoại bang”

Trong khi ông Ouattara, 69 tuổi, một người Hồi giáo đến từ phía bắc đất nước nơi hầu hết là người nhập cư sinh sống, thì ông Gbagbo, 65 tuổi, là một người Kitô giáo đến từ phía nam. Ông Gbagbo cũng bị cáo buộc là kích động các cuộc tấn công vào người nước ngoài trong nổ lực tìm cách nâng cao uy tín chính trị của mình.

Khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11/2010, ông Gbagbo gây áp lực buộc ông Ouattara phải ra đi. Nhưng khi kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy Ouattara đã giành chiến thắng. Điều này dẫn đến cuộc tranh chấp và xung đột gây ra sự bế tắc chính trị ở Bờ Biển Ngà suốt 4 tháng qua.

Cho đến hôm qua 11/4, Tổng thống bị phế truất Gbagbo chính thức bị bắt giữ. Ngay sau đó ông Ouattara đưa ra một lời kêu gọi trong bài phát biểu trên truyền hình: "Tôi kêu gọi đồng bào của tôi tránh mọi hình thức trả thù và bạo lực, một kỷ nguyên mới của chúng ta đã được tạo ra, kỷ nguyên của hy vọng”.

"Đất nước đã trải qua một trang lịch sử đẫm máu, tôi hy vọng các  thanh niên dân quân sẽ hạ vũ khí và tôi hứa sẽ khôi phục lại an ninh cho đất nước”, ông Ouattara kêu gọi.

Tuy nhiên, ông Ouattara cũng bị chỉ trích khi ủng hộ cuộc đảo chính và đưa đất nước rơi vào cuộc nội chiến. Mặc dù đã đánh bại được ông Gbagbo, nhưng ông Outtara sẽ còn phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm nhân quyền và sự chống đối từ các lực lượng dân quân ủng hộ tổng thống bị phế truất ông Gbagbo.

Ivan Simonovic, trợ lý tổng thư ký tại Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở New York cho rằng: "Vấn đề an ninh hiện tại ở Abidjan là một thứ "an ninh chân không", chưa có bất cứ một điều gì đảm bảo rằng cuộc chiến đã kết thúc”.

"Khi xảy ra các cuộc xung đột thì một số cảnh sát và hiến binh của ông Ouattara đã tiến hành cướp bóc, hãm hiếp và giết người tại những khu vực mà họ kiểm soát ở Abidjan", ông Simonovic nói.

Quyền lực hợp pháp của Ouattara có thể bị lu mờ bởi những lời cáo buộc rằng lực lượng của ông đã giết chết hàng trăm người khi họ tiến chiếm Abidjan.

Vì vậy, khi nói về vấn đề đoàn kết và hòa giải dân tộc sau vụ bắt giữ ông Gbagbo, Alex Vines, nhà phân tích chính trị Tây Phi khẳng định “nhiệm vụ khó khăn nhất của ông Ouattara chắc chắn vẫn còn ở phía trước”.

Theo Quang Minh (Telegraph, BBC/DVT)

Bình luận
vtcnews.vn