Từ Iraq đến Libya: Cái bóng của Bush hay triết lý Mỹ

Thế giớiChủ Nhật, 10/04/2011 05:14:00 +07:00

(VTC News) - Những phát biểu của đương kim Tổng thống Mỹ Obama về cuộc chiến Libya khiến người ta không thể không nhớ đến người tiền nhiệm của ông, TT Bush.

(VTC News) - Khẳng định sự khác nhau giữa việc can thiệp của mình ở Libya và cuộc xâm lược của ông Bush tại Iraq, thế nhưng những phát biểu của đương kim Tổng thống Mỹ Obama về cuộc chiến lại khiến người ta không thể không nhớ đến người tiền nhiệm của ông.

Trong bài phát biểu dài 28 phút hồi cuối tháng 3, 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã biện minh một cách đầy triết lý cho hành động can thiệp quân sự của Mỹ là nhằm ủng hộ các phong trào dân chủ ở Trung Đông, Bắc Phi và các nơi khác trên thế giới.

Khi nói như vậy, vị lãnh đạo của Đảng Dân chủ này đã nhắc lại lời của bậc tiền bối thuộc đảng Cộng hòa, đồng thời đưa ra một quan điểm hạn chế hơn về vai trò của Mỹ trong việc giúp “quét sạch” những kẻ độc tài trên thế giới.

Giống như Cựu Tổng thống George W. Bush, ông Obama cũng cho rằng việc thực thi sức mạnh quân sự đơn phương nhằm tiến tới sự tự do có thể cũng vì các lợi ích của cả Mỹ. Nhưng "tiến bộ" hơn ông Bush, ông Obama nhấn mạnh vào sự cần thiết phải sử dụng sức mạnh này trong bối cảnh của chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.

Ông Obama đã bác bỏ sự giống nhau giữa việc can thiệp của mình ở Libya và cuộc xâm lược của ông Bush tại Iraq với những người sẽ hoặc đã có sự so sánh một cách trực tiếp hai cuộc chiến này, đồng thời khẳng định rằng ông không hề quan tâm tới một cuộc chiến kéo dài khác.

"Chúng ta đều hi vọng về một tương lai tốt đẹp cho Iraq. Nhưng việc thay đổi chế độ chính trị ở đó đã lấy đi của chúng ta khoảng 8 năm, cướp đi mạng sống của hàng nghìn lính Mỹ và lính Iraq cùng gần 1 tỷ USD. Đó không phải là điều chúng ta được phép lặp lại ở Libya”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ Barack Obama có... đạo văn? 

Ông cũng giới hạn phạm vi nghĩa cho câu nói của mình bằng việc nói rằng chuyện sử dụng quân đội Mỹ còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, mà ở đó Mỹ còn phải tính đến các yếu tố đạo đức khi sử dụng bạo lực tấn công vào một quốc gia khác nhằm chống lại những thực tế về tình hình quân sự trên mặt đất. Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh “phải tính đến cả chi phí và rủi ro khi can thiệp. Chúng ta phải cân đo, đong đếm giữa lợi ích của mình và việc cần thiết phải hành động”.

Ngược lại, ông Bush lại đưa ra một lời tranh luận trắng đen rõ ràng hơn về lợi ích của việc can thiệp khi nói rằng việc sử dụng quyền lực của Mỹ để chấm dứt chế độ độc tài là một giải pháp quan trọng để đương đầu với các lực lượng khủng bố từng đe dọa Hoa Kì sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Chưa hết, một sự so sánh nhanh, từng khía cạnh một giữa bài phát biểu của ông Obama với bài diễn văn nhậm chức lần thứ 2 của ông Bush cho thấy rằng cả hai vị Tổng thống này đều có những lý do rất giống nhau để tin vào tính đúng đắn của việc sử dụng sức mạnh của Mỹ "đại diện cho nền dân chủ đang nổi trên toàn cầu". Chẳng hạn:

1. Ông Bush từng nói: “Đất nước chúng ta (Mỹ) tiếp nhận các trọng trách to lớn và sẽ là đáng hổ thẹn nếu từ bỏ. Nhưng bởi chúng ta đã từng hành động với truyền thống giải phóng vĩ đại vì quốc gia này, nên 10 triệu người đã giành được tự do. Và như hi vọng nhen nhóm hi vọng, hàng triệu người nữa cũng sẽ tìm ra tự do”.

Trong khi đó, ông Obama nói: “Đối với nhiều thế hệ, Mỹ chỉ đóng vai trò duy nhất như một mỏ neo của nền an ninh toàn cầu và ủng hộ tự do của con người. Ý thức được những rủi ro và chi phí của những hành động quân sự nên hiển nhiên chúng tôi không muốn sử dụng bạo lực để giải quyết nhiều thách thức của thế giới. Nhưng khi lợi ích và những giá trị của chúng tôi bị xâm phạm, chúng tôi có trách nhiệm phải hành động”.

2. Hay khi ông Bush phát biểu: “Mỹ sẽ không áp đặt kiểu chế độ chúng tôi đang theo đuổi lên những quốc gia không bằng lòng. Thay vào đó, mục tiêu của chúng tôi là giúp những người khác tìm được tiếng nói của riêng họ, đạt được tự do của riêng họ và đạt được điều đó theo cách riêng của họ”; thì ông Obama cũng nói: “Mỹ không thể ra lệnh đường đi lối bước hay sự tiến triển của sự thay đổi này. Chỉ có nhân dân ở nước đó mới có thể làm vậy. Nhưng chúng tôi có thể tạo một sự thay đổi”.

3. Ông Bush cũng từng nói: “Với mọi nhà lãnh đạo và mọi quốc gia, chúng ta sẽ liên tục sàng lọc để lựa chọn: giữa đạo đức với áp bức, bóc lột – điều luôn luôn là lẽ trái và tự do – điều luôn luôn là lẽ phải. Mỹ sẽ không giả vờ rằng những ý kiến bất đồng quan điểm thì chuộng hơn là ý kiến của tập thể; hay phụ nữ bị sỉ nhục và phải cam chịu; hay bất cứ người nào bị chà đạp một cách không thương xót bởi kẻ khác”.

Còn ông Obama cho rằng: "Chúng ta phải sát cánh bên những người có niềm tin vào cùng những nguyên tắc cốt lõi – những thứ đã giúp chúng ta vượt qua nhiều sóng gió; chẳng hạn như: chúng ta cùng phản đối việc bạo hành với người khác, chúng ta ủng hộ việc thành lập các quyền phổ quát trong đó bao gồm sự tự do cho mọi người trong việc thể hiện bản thân và lựa chọn vị lãnh đạo đất nước; chúng ta cũng ủng hộ chính quyền đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân."

4. Ông Bush nói “Tất cả những người đang sống dưới chế độ độc tài chuyên chế và đang tuyệt vọng có thể biết rằng: Mỹ sẽ không phớt lờ trước những áp bức, bóc lột mà bạn phải gánh chịu hay tha thứ cho những kẻ áp bức bạn. Khi bạn đứng dậy để giành lấy tự do cho bản thân, chúng tôi cũng sẽ sát cánh cùng với bạn”.

Ông Obama tuyên bố: “Từ thuở sơ khai đến giờ, những người làm cách mạng là những người khao khát tự do. Chúng ta chào đón một sự thật rằng lịch sử đang thay đổi ở Trung Đông và ở Bắc Phi và rằng thế hệ trẻ đang dẫn đầu con đường đó. Bất cứ ở đâu người ta khao khát tự do, ở đó nhân dân sẽ nhận thấy Mỹ là bạn”.

5. Ông Bush nói “Mỹ cần chủ nghĩa lý tưởng và lòng cam đảm bởi vì chúng tôi có một nhiệm vụ cần thiết tại quê nhà – nhiệm vụ chưa được hoàn thành về nền tự do của Mỹ. Trong một thế giới đang hướng tới sự tự do như hiện nay, chúng tôi đã quyết định thể hiện ý nghĩa và lời hứa mang lại sự tự do”.

Ông Obama: "Sức mạnh của chúng tôi ở nước ngoài có sự gắn kết chặt chẽ với sức mạnh trong nước. Đó thường là ngôi sao Bắc đẩu của chúng tôi – khả năng của nhân dân Mỹ nhằm đạt được những mong muốn của họ, nhằm tạo ra những sự lựa chọn sáng suốt bằng các nguồn lực của Mỹ, nhằm mở rộng sự thịnh vượng – điều được xem là thượng nguồn cho sức mạnh của chúng tôi, và để bảo tồn những giá trị mà chúng tôi đã lưu giữ đầy trân trọng."

6. Ông Bush: "Chúng ta đang dẫn đầu ở các sự kiện và ý thức chung nên có thể đi tới một kết luận rằng: sự tồn tại của tự do trên đất Mỹ càng lúc càng phụ thuộc nhiều vào sự tự do ở các quốc gia khác. Niềm hi vọng lớn nhất về hòa bình cho thế giới này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta mở rộng sự tự do trên toàn thế giới."

Ông Obama: “Nhiều thế hệ qua, chúng ta đã làm một công việc hết sức khó khăn đó là bảo vệ nhân dân mình và hàng triệu người khác trên toàn cầu. Chúng ta làm vậy bởi vì chúng ta biết rằng tương lai của chúng ta sẽ an toàn hơn, tương lai của chính chúng ta sẽ sáng sủa hơn nếu có nhiều người hơn nữa được sống trong ánh sáng của tự do và cái chân, thiện, mỹ”.

Như vậy, hoặc ông Obama đã... "đạo văn", hoặc cái gọi là "triết lý kiểu Mỹ" trong 2 cuộc chiến về bản chất là không hề thay đổi. Nhưng tất nhiên, như chính ông Obama đã thừa nhận, tính chi phối của hoàn cảnh thực tế tác động trực diện tới mọi diễn biến, bất chấp xuất phát điểm của nó.

Vậy thì, lối đi nào cho cuộc chiến của Mỹ và đồng minh ở Libya?

Kiều Vui(theo The New York Times)

Bình luận
vtcnews.vn