Vị Tổng biên tập có "uy lực của thuốc nổ"

Thế giớiThứ Ba, 19/10/2010 06:10:00 +07:00

(VTC News) - Những thông tin bị kiểm soát chặt chẽ, đều được Wikileaks khai thác, nếu so về mảng tin này, chúng tôi hơn phần còn lại của báo chí thế giới”.

(VTC News) - Paul Julian Assange sinh năm 1971, là một nhà hoạt động internet và nhà báo người Úc. Là một sinh viên vật lý và toán học, một hacker và một lập trình viên máy tính trước khi trở thành Người phát ngôn rồi Tổng biên tập của Wikileaks.

Liên tiếp trong những tháng gần đây Wikileaks liên tục tung ra những tài liệu tuyệt mật của Lầu Năm Góc về các cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông. Những tài liệu của Wikileak được công bố đã khiến giới chức quốc phòng Mỹ phải đau đầu, tìm cách thỏa hiệp, thậm chí đe dọa, mưu hại TBT
Julian Assange nhưng ông vẫn đứng vững cho tới thời điểm này.

Thời niên thiếu của Julian Assange

TBT Wikileaks Julian Assange. 

Cha mẹ của Julian Assange là chủ một hãng Du lịch nhà hát (một dạng du lịch có kết hợp biểu diễn hài và ca nhạc, thường do các nam diễn viên đảm nhận, rất thịnh hành ở Úc và một số nước Châu Âu).  Nhưng gia đình hạnh phúc của ông không tồn tại được lâu, bố mẹ Assange mỗi người một ngả.

Năm 1979, mẹ ông tái hôn với một nhạc sỹ và có được một bé trai nhưng rồi lại chia tay nhau năm 1982. Những năm sau đó, mẹ ông đưa hai anh em ông đi sống tại một vài nơi khác nhau. Assange đã rời gia đình từ năm 1985. Trong suốt thời thơ ấu của mình, ông đã di chuyển chỗ ở và trường học hàng chục lần.

Ông đăng ký và học tại một vài trường đại học khác nhau ở Úc. Kiến thức mà ông có được chủ yếu là do tự học và tự đọc, ông đặc biệt thích thú với lĩnh vực khoa học và toán học. Từ năm 2003 đến 2006, ông nghiên cứu vật lý và toán học tại Đại học Melbourne nhưng không nhận một văn bằng chứng chỉ nào.

Năm 2005, ông là đại diện của Đại học Melbourne tham dự kỳ thi vật lý Quốc gia Úc. Ngoài ra, ông cũng từng nghiên cứu về triết học và thần kinh học.

Cuối những năm 1980, ông là thành viên của nhóm hacker “International Subversives”. Đến năm 1992, hacker Assange đã bị buộc đến 24 tội liên quan đến hoạt động "tin tặc".

Wikileaks là gì?

Wikilieaks được thành lập năm 2006, Assange là một trong 9 thành viên của Hội đồng tư vấn và là một phát ngôn viên nổi tiếng của website này từ đó. Trong khi báo chí miêu tả ông như một “giám đốc”, một “sáng lập viên” của Wikileaks thì Assange chỉ nhận mình là một tổng biên tập của Wikileaks và tuyên bố rằng ông sẽ luôn giữ quyền kiểm duyệt và thông qua cuối cùng mọi văn bản trước khi đưa lên trang web.


Giống
như bao người làm việc cho trang web, Assange cũng không được nhận thù lao từ công việc ông làm.

Năm 2009, Assange đã giành giải báo chí của Tổ chức Ân xá quốc tế với loạt bài mang tên "The cry of Blood"  viết về một vụ thảm sát tại Kenya. Tại lễ trao giải, Assange đã nói: “Đó là một sự phản ánh can đảm về xã hội Kenya, một loạt tội ác đã được đưa lên mặt báo. Nhờ sự hỗ trợ hết sức đắc lực của các tổ chức và quỹ quốc tế như Oscar, KNHCR, … chúng ta đã đưa ra ánh sáng các vụ giết người man rợ ở Kenya... ".

"Tôi biết rằng những tổ chức này sẽ không ngừng đấu tranh, và chúng tôi cũng vậy, cho tới khi công lý được thực thi”. Năm 2008, ông cũng giành giải của The Economist với bài "Chỉ số kiểm duyệt", ngoài ra ông còn giành một số giải thưởng truyền thông khác.

Assange nói rằng Wikileaks đã cho công bố số tài liệu mật nhiều hơn tất cả số báo chí trên thế giới cộng lại. “Đó không phải là cách để tự huyễn hoặc về thành công của mình, đúng hơn là để thấy được tính cạnh tranh khốc liệt trong giới truyền thông. Những thông tin bị kiểm soát chặt chẽ, đều được Wikileaks khai thác, nếu so về mảng tin này, chúng tôi hơn phần còn lại của báo chí thế giới”.

Những lần xuất hiện trước công chúng

Kể từ khi Wikileaks ra đời, Assange đã xuất hiện tại một số hội nghị định hướng tín tức như New Media Days 2009 tại Copenhaghen, đọc Báo cáo điều tra tại Logan Symposium năm 2010, hội nghị định hướng hacker…. Nửa đầu năm 2010, ông đã xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc tế như Al Zareera tiếng Anh, MSNBC, Democracy Now, RT… để thảo luận việc công bố các tài liệu bằng video về các trận không kích Baghdad ngày 12/7/2007 trên Wikileaks.

Ngày 3/6, ông xuất hiện qua băng ghi hình tại Hội nghị dân chủ cá nhân cùng với Daniel Ellsberg. Sở dĩ ông phải xuất hiện qua băng hình vì ông cho rằng quá nguy hiểm khi phải xuất hiện tại Mỹ để dự hội nghị này. Ngày 11/6, tên ông có trên panel quảng cáo về "Hội nghị Biên tập viên và Phóng viên điều tra" tổ chức tại Las Vegas, nhưng rồi lại có thông báo ông đã hủy chuyến đi này.


Ngày 10/6 có báo cáo cho biết Lầu Năm Góc đang cố gắng xác định nơi ở của ông. Từ báo cáo này, bắt đầu xuất hiện tin cho rằng các quan chức Mỹ đang muốn sờ gáy Assange. Bạn bè ông đều cho rằng, việc chính phủ Mỹ muốn truy lùng ông là do họ lo sợ những thông tin mật về cuộc chiến tranh ở Afganishtan và Iraq do Mỹ cầm đầu có thể bị Wikileaks cho công bố.

Và rằng “việc săn Assange là để phục vụ cho một chiến dịch của chính phủ Hoa Kỳ”.

Ngày 21/6 Assange tham gia một phiên điều trần tại Brussel, Bỉ, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng trong gần một tháng. Ông là thành viên của ban thảo luận về việc kiểm duyệt Internet và bày tỏ quan ngại xung quanh những hệ thống kiểm soát Internet gần đây của một số quốc gia, trong đó có Úc.

Trao đổi với tờ"The Guardian", ông cũng đề cập đến vấn đề đăng tải thông tin từ báo giấy đến báo mạng. Ông nói rằng ông không lo cho sự an toàn của mình nhưng những dấu hiệu của chính phủ Mỹ cho thấy ông cần tránh tới Mỹ. Ông nói, “động cơ chính trị là một sai lầm lớn cho những hành động của họ. Tôi cảm thấy hoàn toàn an toàn, nhưng luật sư của tôi vẫn khuyên tôi không nên đến Mỹ trong giai đoạn này”.

Ngày 17/7, Jacop Appellaum đã phát biểu thay mặt cho Assange tại "Hội nghị Hackers on Planet Earth" (HOPE) 2010, tổ chức tại New York  rằng Wikileaks vẫn sẽ tiếp tục hoạt động, ngay sau khi bị tạm đình chỉ.

Tại "Hội nghi TED" tổ chức ở Oxford ngày 19/7, Assange lại một lần nữa làm mọi người ngạc nhiên khi tuyên bố Wikileaks vẫn hoạt động bình thường. Ngày 26/7/2010, sau khi cho đăng lên loạt tài liệu về "Nhật ký chiến tranh Afghanistan", Assange đã xuất hiện tại Frontline để tổ chức họp báo về sự kiện này.

Tính cách của Assange và công việc tại Wikileaks

Assange là người luôn ủng hộ tính “minh bạch” và “khoa học” trong hoạt động báo chí. Ông luôn nói rằng “bạn không thể xuất bản một ấn phẩm về vật lý nếu không công bố lên đó đầy đủ dữ liệu về các con số, về các cuộc thí nghiệm, đó cũng là tiêu chuẩn của báo chí”.


Năm 2006, Assange được tạp chí CounterPunch miêu tả như “chủ tịch của một Tổ chức phi chính phủ và là một cựu hacker nổi tiếng nhất nước Úc”. "The Age" thì gọi ông là “người đàn ông hấp dẫn nhất thế giới” và là “người đấu tranh vì tự do Internet”. Assange thì tự gọi mình là kẻ “hoài nghi cực đoan”. "Diễn đàn Dân chủ cá nhân" miêu tả ông là “hacker đạo đức nhất nước Úc”, và là “người hùng trong trận chiến trí tuệ”.

Daniel Ellsberg, một nhà phân tích người Mỹ, người đã cho công bố nhiều tài liệu tuyệt mật của Lầu Năm Góc (trong đó có tài liệu về chiến tranh Việt Nam, ông cũng là người kịch liệt phản đối chiến tranh Việt Nam những năm 1969) đã nói rằng “những việc Assange làm là để bảo vệ người dân Mỹ, là nhằm đưa ra ánh sáng các tài liệu mà người dân có quyền được biết, cũng như pháp luật có quyền được điều chỉnh”.

“Cái mà gọi là nguy cơ an ninh quốc gia thực ra rất thấp. Liệu có thể nổ ra những xung đột ngoại giao từ các sự kiện này không? Chúng tôi cho rằng điều này là hoàn toàn không thể xảy ra. Assange rõ ràng đã thấy rõ thẩm quyền và trách nhiệm của mình khi cho công bố các tài liệu được cho là bí mật quốc gia này. Những tài liệu đó đáng phải được đưa ra ánh sáng. Chúng tôi có tranh luận về điều này. Nhưng rõ ràng, Assange không làm tổn hại đến an ninh quốc gia của một nước nào cả”.

Daniel Yates, một cựu sỹ quan tình báo quân đội Anh tin rằng, Julian Assange phải chịu trách nhiệm lớn trước sinh mạng của hàng ngàn dân thường Afghanistan khi giữ vai trò trung tâm trong việc công bố tài liệu "Nhật ký chiến tranh Afghanistan".

 “Những tài liệu đó có nhắc đến tên tuổi của nhiều dân thường đã hợp tác với NATO trong cuộc chiến tiêu diệt Taliban. Đây là một điều vô cùng nguy hiểm bởi Taliban sẽ tìm họ để trả thù. Không thể đánh giá thấp mối nguy đó được”.

VOA đưa tin rằng, trước những lời chỉ trích này, Assange đã tuyên bố, toàn bộ 15.000 tài liệu đó vẫn đang được xem xét “từng dòng một”, và rằng “tên của những thường dân sẽ được thay thế bằng những tên khác hoặc gỡ bỏ”.

Ngoài ra, trước khi phát hành các tài liệu bằng hình ảnh về "Nhật ký chiến tranh Afghanistan", Wikileaks đã liên lạc với Nhà Trắng bằng văn bản, rằng nếu để nguyên tên của những người dân thường Afghanistan có thể gây ra sự trả thù. Nhưng Wikileaks đã không nhận được hồi đáp nào.

Những rắc rối pháp lý của Assange


Năm
1991, Assange đã bị cảnh sát quê nhà Melbourne bắt giữ vì tội truy cập vào một số máy tính khác nhau (gồm máy tính của một số trường đại học Úc, Canada, công ty viễn thông Nortel, và một số tổ chức khác) thông qua modem để kiểm tra lỗ hổng bảo mật của họ. Sau đó ông bị kết đến 24 tội hacking và chỉ được thả tự do sau khi nộp phạt 2.100 đô la Úc.

Tháng 5 năm 2010, khi hạ cánh xuống một sân bay Úc, hộ chiếu của ông bỗng không cánh mà bay, sau khi được trả lại, ông được thông báo rằng, hộ chiếu đã bị hủy. Cơ quan hải quan Úc thông báo rằng, có thể hộ chiếu của ông đã bị … mòn, và giờ nó không còn cả giá trị để đi du lịch.

Ngày 20/8/2010, có lẽ là ngày đánh dấu cho những rắc rối sau này có thể gặp phải của Assange khi ông dám đương đầu với cả một hệ thống chính trị, đứng đầu là Mỹ, bằng việc công bố nhiều tài liệu mật mà một phương tiện truyền thông bình thường không bao giờ được phép làm.

Ông đã bị cáo buộc dính líu đến một vụ lạm dụng tình dục tại Thụy Điển. Tuy nhiên, ông được thả ngay vài giờ sau khi bị bắt với tuyên bố của công tố viên rằng: “không có lý do gì để nghi ngờ ông phạm tội hiếp dâm”. Assange cho rằng ông là nạn nhân của sự phỉ báng, rằng đây là những “thủ thuật bẩn thỉu” để trả đũa lại những việc làm gần đây của Wikileaks.

Tuy nhiên, sự kiện này cũng như một đòn mạnh giáng xuống đầu chính phủ Mỹ, những người luôn tự rêu rao và bắt các nước khác phải tôn trong tự do Internet hay tự do báo chí theo tiêu chuẩn của họ. Việc họ dùng các biện pháp như đối với Assange để che đậy những bí mật của mình cho thấy, thực ra cái tự do ấy cũng có giới hạn của nó.

Hữu Túc (Lược dịch từ Wikipedia)



Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.


 

Bình luận
vtcnews.vn