4 thông điệp từ cuộc duyệt binh của Bắc Triều Tiên

Thế giớiThứ Ba, 12/10/2010 07:30:00 +07:00

(VTC News) - Nhà phân tích chính trị Trịnh Hạo đã chỉ ra 4 thông điệp chính trị mà lãnh đạo Bắc Hàn gửi gắm trong hoạt động quan trọng này.

(VTC News) - Về mặt vũ khí trang bị có thể thấy rằng trong cuộc diễu duyệt hoành tráng này không có loại vũ khí nào mới nhất được “trưng ra” cho cộng đồng quốc tế thấy được sức mạnh của Bắc Triều Tiên…. 

Cuộc duyệt binh chào mừng 65 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng sáng 10/10/2010 trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông quốc tế không chỉ bởi quy mô hoành tráng, thời điểm đặc biệt, sự cởi mở với báo chí phương Tây, hoạt động này còn ngầm chứa những thông điệp mang tính chính trị khá rõ nét.

Kim Jong-un và các lãnh đạo cao cấp của Bắc Triều Tiên. 

Chuyên mục Bình luận quốc tế đài truyền hình Phượng Hoàng có trụ sở đặt tại Hồng Kông đã phái phóng viên sang Bình Nhưỡng hôm 9/10 truyền hình trực tiếp hoạt động diễu binh diễu hành quy mô lớn của Bắc Triều Tiên. Từ Hồng Kông, nhà phân tích chính trị Trịnh Hạo đã chỉ ra 4 thông điệp chính trị mà lãnh đạo Bắc Hàn gửi gắm trong hoạt động quan trọng này.

Theo ông Hạo, cuộc đại duyệt binh của Bắc Triều Tiên diễn ra vào sáng 10/10 không chỉ nhằm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên mà nó còn nhằm chào mừng một thời điểm trọng đại mở ra thời kỳ mới trong tiến trình chuyển giao quyền lực. Nói cách khác, lễ duyệt binh là thời cơ đẹp nhất để thế hệ lãnh đạo thứ ba của Bắc Hàn chính thức bước lên vũ đài lịch sử.

Lần đầu tiên tân Đại tướng Kim Jong-un, người vừa được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy trung ương cùng cha mình và các quan chức cao cấp nhất của CHDCND Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Sự xuất hiện của Jong-un không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Bắc Hàn như trước mà được truyền đi khắp thế giới qua các hãng thông tấn lớn như BBC, Reuters, CNN, AP…

Trước đó báo giới Nam Hàn cũng đã nhiều lần đưa tin về việc Bình Nhưỡng điều động các lực lượng quân sự gồm bộ binh, pháo binh và tên lửa về gần thủ đô chuẩn bị cho một cuộc đại diễu binh ngay từ đầu tháng 9.


Về mặt vũ khí trang bị có thể thấy rằng trong cuộc diễu duyệt hoành tráng này không có loại vũ khí nào mới nhất được “trưng ra” cho cộng đồng quốc tế thấy được sức mạnh của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, một điểm mới có lẽ ít ai để ý đó là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đưa các xe ra đa phối thuộc vào đoàn diễu binh. Hệ thống ra đa này được đánh giá là mới, liệu đó có phải là dấu hiệu của việc Bình Nhưỡng bắt đầu nâng cấp hệ thống phòng thủ của mình?

Giới quan sát quốc tế cho rằng, cuộc diễu binh quy mô lớn này của Bắc Triều Tiên mang nhiều màu sắc chính trị, nói cách khác nó truyền đi những thông điệp chính trị mới tới cộng đồng quốc tế.

Ông Trịnh Hạo chỉ ra rằng, ít nhất đã có 4 thông điệp chính trị mà nhà cầm quyền CHDCND Triều Tiên đưa ra qua cuộc diễu binh này. Thông điệp đầu tiên và rõ ràng nhất đó là thể hiện sự xác lập vai trò lịch sử của Kim Jong-un trên vũ đài chính trị Bắc Hàn. Đây là lần đầu tiên Kim Jong-un chính thức xuất hiện trước ống kính phóng viên quốc tế với vai trò là thành viên ban lãnh đạo cao nhất ở Bắc Triều Tiên.

Cho tới hết ngày 28/9 khi đại hội Đảng Lao động Triều Tiên kết thúc, chân dung tân Đại tướng Jong-un như thế nào vẫn là một bí ẩn lớn đối với cộng đồng quốc tế. Giới truyền thông lục lọi khắp nơi cũng chỉ tìm thấy những tấm hình chụp Jong-un từ khá lâu, cuộc săn lùng chân dung nhà lãnh đạo trẻ tuổi này trở thành đề tài nóng hổi của báo giới, nhất là truyền thông Nam Hàn.


Thông điệp chính trị thứ 2 chính là sự hình thành cục diện mới ở tầng lãnh đạo cao cấp miền Bắc bán đảo Triều Tiên. Qua việc sắp xếp các vị trí chủ chốt ở lễ đài có thể thấy rất rõ, ngoài Chủ tịch Kim Jong-il và Phó chủ tịch Quân ủy Kim Jong-un còn có Kim Kyong-hui, em gái Chủ tịch Kim đồng thời là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, Chang Sung-taek, em rể Chủ tịch Kim và mới được bầu bổ sung làm Phó chủ tịch Quân ủy trung ương ngày 7/6 vừa qua.

Kyong-hui cũng được phong hàm Đại tướng cùng đợt với cháu ruột Jong-un hôm 27/9. Cùng với Choe Yong-rim - Thủ tướng được bổ nhiệm hồi tháng 6 năm nay và 3 quan chức ngoại giao phụ trách quan hệ với Mỹ được thăng chức, cục diện ban lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên đã cơ bản hình thành.

Thông điệp chính trị thứ 3 từ cuộc diễu binh quy mô lớn này chính là sự thể hiện lòng trung thành của giới chức quân đội Bắc Hàn đối với lãnh đạo thế hệ mới. Đồng thời một lần nữa khẳng định nguyên tắc “quân sự trước chính trị sau” trong tiến trình thử thách, bàn giao và tiếp nhận quyền lực ở Bắc Triều Tiên.

Thông điệp chính trị thứ 4 và có lẽ cũng là yếu tố mà giới phân tích quốc tế quan tâm nhất đó chính là sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với việc Chủ tịch Kim Jong-il sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai thứ 3, Kim Jong-un.

Sáng ngày 10/10, Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường trực Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh của Bắc Triều Tiên.


Cùng thời điểm đó ông Tập Cận Bình, Phó chủ tịch nước và là người được cho là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào trong khóa tới có mặt tại buổi chiêu đãi mừng quốc khánh Bắc Triều Tiên tại đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh.

Động thái này được đánh giá là hiếm gặp khi cả 2 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị của Trung Quốc cùng tham gia lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Nếu không có sự ủng hộ đối với nhân sự kế cận Chủ tịch Kim Jong-il, có lẽ Bắc Kinh đã không có sự trọng thị cao độ như vậy.

Hồng Vũ
Bình luận
vtcnews.vn