Tàu Titanic đâm phải băng do thuỷ thủ hiểu sai lệnh?

Tổng hợpThứ Năm, 23/09/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Cháu nội của một sỹ quan chỉ huy trên tàu Titanic đã tiết lộ nguyên nhân hoàn toàn mới dẫn đến thảm họa của con tàu định mệnh. Đó là gì?

(VTC News) - Gần đây dư luận Anh xôn xao về một cuốn tiểu thuyết mới kể về “những bí mật của một gia đình”, trong đó, tiêt lộ nguyên nhân dẫn đến thảm họa chìm tàu Titanic theo hướng hoàn toàn mới.

Tác giả cuốn sách là cháu nội của một sỹ quan chỉ huy có mặt trên chuyến tàu định mệnh ngay lần đầu tiên xuất phát từ Anh để vượt Đại Tây Dương đi tìm giấc mơ Mỹ.

Theo Louise Patten, tác giả cuốn sách, khi đó Charles Lightoller, ông nội cô, là sỹ quan chỉ huy thứ 2 trong kíp điều khiển con tầu bị chìm năm 1912 khi nó gặp phải một tảng băng khổng lồ, cho biết lệnh điều khiển con tàu tránh xa tảng băng đã bị hiểu sai.

Cô nói rằng, ở thời điểm đó, tàu sử dụng sức gió và tàu sử dụng động cơ hơi nước có những hệ thống điều khiển khác nhau. Titanic được trang bị động cơ hiện đại nhất lúc bấy giờ, đó là động cơ hơi nước. Ông nội của cô chỉ ra rằng người điều khiển bánh lái đã hiểu sai mệnh lệnh của người chỉ huy là điều khiển tàu về mạn phải.

Con tàu định mệnh Titanic đã không bao giờ có thể vượt được Đại Tây Dương.

“Điều quan trọng là, hai hệ thống lái được điều khiển hoàn toàn ngược chiều nhau”, Patten tiết lộ. “Vì thế khi mệnh lệnh của người chỉ huy đưa xuống là “bó sang mạn phải” thì với hệ thống lái này được hiểu là đánh bánh lái sang phải, trong khi với hệ thống lái khác lại là sang trái”.

Người điều khiển bánh lái đã thật sự hoảng loạn và đó là lý do tàu Titanic đâm vào tảng băng trôi, rồi không bao giờ đến được nước Mỹ.

Người đàn ông điều khiển bánh lái đó, ông Robert Hitchins, đã mắc một lỗi cơ bản, nhưng những hành động tiếp sau đó lại là hoàn toàn có chủ ý.

Tác giả cuốn sách tiết lộ rằng, thời điểm đó không phải là ca trực của ông nội cô, khi sự cố chết người này xảy ra, ông đã được tham dự một cuộc họp cuối cùng đầy kịch tính của 4 sỹ quan chỉ huy cao nhất con tàu, trước khi nó hoàn toàn sụp đổ.

Lightoller cũng được nghe về những gì đã xảy ra tiếp sau đó, hành động đánh lái sai đã đưa con tàu đâm vào tảng băng trôi. Cuốn sách tiết lộ, khi sự cố xảy ra, Bruce Ismay, chủ sở hữu con tàu thuộc tập đoàn White Star Line đã thuyết phục thuyền trưởng tiếp tục điều khiển tàu Titanic.

Trong vòng 10 phút, Titanic đã từ từ lao mình xuống đáy đại dương, cộng với áp lực dòng nước cực lớn tràn vào thân đã khiến nó không thể cưỡng nổi sức hút của đại dương thăm thẳm.

Khi phát hiện con tàu gặp nạn, những nhân viên trên  boong đã không ngừng hướng dẫn hành khách đóng kín các cửa sổ kính dọc hai mạn tầu. “Ismay cũng không hề nghĩ gì đến khoản đầu tư khổng lồ bỗng chốc bốc hơi và nguy cơ sụp đổ uy tín của tập đoàn White Star Line, ông liên tục giục thủy thủ đoàn tiến lên phía trước”.

“Con tàu gần nhất cách đó 4 tiếng di chuyển. Nếu tàu Titanic duy trì được ở trạng thái “đứng yên” trong một khoảng thời gian nhất định, có thể nó đã được ứng cứu”.

Những tài liệu do Charles Lightoller đánh máy để ghi lại bí mật mà ông quyết chôn giấu về đêm định mệnh của con tàu Titanic.

Ông nội của Patten đã mất trước khi cô sinh ra, cậu chuyện mà cô viết thành sách này là do bà nội cô kể lại.

“Thời niên thiếu tôi đã bị Titanic mê hoặc”, Patten nói. “Bà nội tiết lộ cho tôi chính xác những gì đã xảy ra đêm hôm đó, và chúng tôi có thể nói với nhau về nó quên thời gian”.

Ông Lightoller sinh ra ở Chorley, Lanscashire. Khi con tàu bị chìm, ông được phân công phụ trách các thuyền cứu hộ trên boong.

Sau khi sống sót trở về từ thảm họa cướp đi hơn 1000 sinh mạng, ông tiếp tục công việc trên biển và đã từng chỉ huy một con tàu nhỏ trong cuộc giải cứu một tầu hải quân Anh trên bờ biển Dunkirk.

Lightoller là người biết rõ nhất những gì đã xảy ra trong đêm định mệnh ấy, nhưng ông đã quyết định che giấu tất cả những bí mật đó trước câu hỏi của các nhà điều tra để bảo vệ ông chủ của mình.

“Người duy nhất mà ông tiết lộ toàn bộ câu chuyện này là người vợ yêu quý của ông, chính là bà nội tôi”, Patten tâm sự.

Charles Lightoller quyết không tiết lộ bí mật trước cơ quan điều tra để bảo vệ ông chủ của mình. 

“Khi tôi 16 tuổi thì bà mất, mặc dù bà không bao giờ bảo tôi phải giữ bí mật này cho riêng mình, nhưng tôi đã không nói cho bất cứ ai về câu chuyện này”.

“Mẹ tôi nhấn mạnh rằng mọi việc trong gia đình này phải được giữ nguyên như nó vốn có. Ông nội tôi là một anh hùng”, Patten tiết lộ.

“Gần 40 năm sau, bà nội và mẹ tôi đều đã qua đời, khi đang ấp ủ dự định viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, như có một cái gì đó đánh vào tiềm thức tôi rằng, tôi là người duy nhất còn lại biết được toàn bộ bí mật của đêm định mệnh mà con tàu Titanic gặp phải, vì thế tôi viết cuốn “Good as Gold” này”.

Titanic và bí mật đằng sau nó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn và nhà làm phim. Cuốn tiểu thuyết “Good as Gold” của Patten kể về cuộc sống của một chủ ngân hàng giàu có may mắn trở về sau khi  tàu Titanic vĩnh viễn bị vùi lấp dưới đáy đại dương lạnh giá.

Hữu Túc(Theo DailyMail)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn