Điểm mặt các “sát thủ bay” hàng đầu của Không quân Nga

Tổng hợpThứ Ba, 17/08/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Lực lượng không quân Nga hiện nay không chỉ mạnh về số lượng mà còn hội tụ của rất nhiều “sát thủ bay” hiện đại hàng đầu thế giới.

(VTC News) – Lực lượng không quân Nga hiện nay không chỉ mạnh về số lượng mà còn là nơi hội tụ của rất nhiều “sát thủ bay” hiện đại hàng đầu thế giới.

 

Không quân Nga trình diễn sức mạnh trước "những người bạn lớn" (Trung Quốc và Mỹ). 

Trong buổi lễ kỷ niệm ngày Không quân Nga (12/8), Nga đã chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng thực sự của mình trước “những người bạn lớn” (Mỹ và Trung Quốc) bằng các dòng máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay trực thăng tấn công hiện đại, công nghệ cao như: Su-35, Su-24, Mig-29 SMT, Ka-52,

 

1. Máy bay tiêm kích đa năng Su-35.

 

Máy bay tiêm kích đa năng thế hệ "4++" Su-35. 

Đây là máy bay tiêm kích đa năng siêu linh hoạt thế hệ “4++” được phát triển dựa trên phiên bản của máy bay tiêm kích Su-27 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được sử dụng để thực thi nhiệm vụ thống lĩnh trên không bằng cách tiêu diệt máy bay có người lái và không người lái của đối phương bằng tên lửa có điều khiển tầm trung, tấn công vào các mục tiêu mặt đất, mặt nước, đồng thời cũng có thể sử dụng để làm nhiệm vụ trinh sát cả trên biển lẫn trên bộ.

 

 Hệ thống vũ khí trên máy bay tiêm kích Su-35.

Su-35 được trang bị pháo bắn thẳng 30 mm, tên lửa có điều khiển lớp không đối không (R-27RE, R-73, RVV-AE), không đối đất (X-59, X-31A, X-31P, X-29T), tên lửa và bom không quân không điều khiển (FAB-500M54, FAB-500M62, OFAB-100-120, S-8, S-13, S-25) và bom không quân có điều khiển (KAB-500Kr, KAB-500l và KAB-1500Kr), 12 giá treo vũ khí (8 giá ngoài dưới cánh, 2 giá trong ở giữa thân và 2 giá dưới động cơ), hệ thống tiếp nhiên liệu trên không và trang thiết bị điện tử hàng không hiện đại nhất. Một chiếc Su-35 có thể mang tất cả hơn 70 loại vũ khí khác nhau.

 

 Su-35 được trang bị hơn 70 loại vũ khí khác nhau.

2. Máy bay ném bom tiền phương Su-24.

 

Hệ thống vũ khí, trang bị trên máy bay ném bom tiền phương Su-24. 

Đây là loại máy bay cánh cụp cánh xòe sử dụng từ thời Liên Xô. Nó được sử dụng để ném bom, bắn tên lửa vào các mục tiêu quan trọng của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, hoạt động cả ngày lẫn đêm, có thể hoạt động ở tầm thấp và tiêu diệt mục tiêu mặt nước, mặt đất.

 

Máy bay ném bom tiền phương cánh cụp cánh xòe Su-24. 

Su-24 có thể hoạt động ở tốc độ 1.700 km/h trong phạm vi 2.900 km. Năm 2007 Không quân Nga sở hữu gần 800 máy bay ném bom tiền phương Su-24 với các biến thể khác nhau, trong đó 350 chiếc được biên chế cho không quân Hải quân. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2009, hiện nay Nga chỉ còn khoảng gần 300 máy bay loại này và 60 trong số đó đang biên chế trong không quân Hải quân.

 

Không quân Nga đang sở hữu gần 300 máy bay ném bom tiền phương Su-24. 

Ngoài hệ thống trang thiết bị điện tử hiện đại, công nghệ cao, Su-24 còn được trang bị hệ thống vũ khí có hỏa lực mạnh, độ chính xác cao: 6 pháo bắn thẳng 23 mm, 8 giá treo bom không quân không điều khiển, tên lửa không điều khiển, tên lửa có điều khiển lớp không đối đất, không đối radar, không đối không với tổng trọng lượng tác chiến hơn 7 tấn. Máy bay còn được trang bị hệ thống điều khiển vũ khí tiên tiến có thể tự động lựa chọn loại vũ khí tương thích với mục tiêu cần tiêu diệt.

3. Máy bay cường kích trước âm Su-25.

 

Đặc tính kỹ-chiến thuật của máy bay cường kích Su-25. 

Cường kích Su-25 được Tập đoàn Sukhoi nghiên cứu, thiết kế từ những năm 70 của thế kỷ trước và hiện đang là dòng máy bay tấn công chủ lực của không quân tiền phương, chủ yếu được sử dụng để yểm trợ tác chiến trực tiếp cho bộ binh trong quá trình hoạt động tác chiến cả ban đêm lẫn ban ngày trong tầm nhìn của mắt thường, đồng thời nó còn có thể sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu đã ấn định tọa độ trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu. Trong không quân Nga, Su-25 được mệnh danh là “Rook” (con quạ).

 

Trong biên chế của lực lượng Không quân Nga, Su-25 được mệnh danh là "Rook". 

Khác với máy bay cường kích trước âm các thế hệ trước, Su-25 được trang bị lớp thép bảo vệ đặc biệt có khả năng chống được đạn vũ khí bắn thẳng, đạn pháo phòng không cỡ nhỏ, thậm chí là ngay cả tên lửa phòng không stinger và các phương tiện tấn công tương tự khác.

 

Su-25 được trang bị lớp thép bảo vệ đặc biệt có khả năng chống được nhiều loại đạn. 

Máy bay cường kích loại này có trọng lượng cất cánh tối đa 18.500 kg, thông thường 15.300 kg, tốc độ hoạt động tối đa khi mang khối lượng tác chiến thông thường là 950 km/h, trần bay cao thực tế 10.000 m, có thể hoạt động trong phạm vi từ 450-1.800 km.

 

Su-25 có thể mang khối lượng tác chiến lên tới 4 tấn. 

Su-25 được trang bị pháo 30 mm hai nòng mang 250 đạn, 8 giá treo ngoài, dưới cánh có thể mang khối lượng tác chiến tới 4 tấn (có thể là 8 quả bom không quân với khối lượng 500 kg/1 quả hoặc 32 bom cỡ 100 kg/1 quả và 256 tên lửa không điều khiển cỡ 57 mm hoặc cũng có thể là 4 tên lửa có điều khiển X-25ML, S-25L, 2 tên lửa có điều khiển R-60 lớp không đối không, 2 tên lửa có điều khiển X-29L lớp không đối đất, 8 khối tên lửa không điều khiển).

4. Máy bay tiêm kích tiền phương Mig-29 SMT.



Máy bay tiêm kích tiền phương 1 chỗ ngồi Mig-29 SMT. 

Đây là dòng máy bay tiêm kích tiền phương một chỗ ngồi, được nâng cấp từ máy bay tiêm kích Mig-29SM mang tổ hợp thiết bị trên khoang mới, tăng cường khả năng “làm mù” radar và trang bị thêm nhiều loại vũ khí hiện đại, chính xác cao.

 

Khoang lái của máy bay tiêm kích tiền phương Mig-29 SMT. 

Đặc điểm nổi bật của dòng máy bay này chính là tầm hoạt động xa, cơ động linh hoạt, thiết bị vô tuyến điện tử trên khoang mới, hệ thống dẫn đường quán tính trên con quay laser hiệu chỉnh vệ tinh từ hệ thống dẫn đường toàn cầu Glonass/Navstar, khả năng sinh tồn cao trong mọi điều kiện tác chiến, phương tiện tấn công thế hệ mới hiệu quả cao, tăng trọng tải tác chiến tối đa lên 5.500 kg.

 

Hệ thống vũ khí trang bị trên máy bay tiêm kích tiền phương Mig-29 SMT. 

Mig-29 SMT có trọng tải tối đa 21 tấn, tốc độ hoạt động tối đa 2.450 km/h, tầm bay xa thực tế ở tầm thấp 990 km, trần bay cao thực tế 18.000 m. Loại máy bay này được trang bị pháo 30 mm GSH-301 với cơ số đạn 150 viên, tải trọng tác chiến 4.000 kg, giá treo ngoài tên lửa có điều khiển và không điều khiển lớp không đối không và không đối đất.

5. Máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-31.

 

Máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-31. 

Đây là loại máy bay tiêm kích siêu âm đánh chặn tầm xa hai chỗ ngồi, được sử dụng chủ yếu để đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở tầm thấp, tầm trung và tầm cao trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết kể cả là khi đối phương có sử dụng thiết bị chống nhiễu radar tích cực hoặc thụ động.

 

Mig-31 phóng tên lửa đánh chặn mục tiêu. 

Chỉ cần một phi đội 4 máy bay tiêm kích loại này có thể kiểm soát cả một phạm vi không phận trong bán kính 800-900 km. Máy bay có trọng lượng cất cánh thông thường 41 tấn, tối đa 45,9 tấn, khi không mang tải 22.680 kg, trọng lượng tác chiến 3 tấn. Mig-31 có tốc độ hoạt động tối đa khi chạy trên mặt đất 1.500 km/h, trên không 3.000 km/h, tầm bay xa 3.000 km, trần bay cao thực tế 20,6 km, thời gian hoạt động tối đa liên tục trên không 3,5 giờ.

 

Khoang lái của Mig-31. 

Mig-31 được trang bị pháo 6 nòng GSH-23-6 cỡ 23 mm mang 26 viên đạn có tốc độ bắn 8.000 phát/phút, tên lửa có điều khiển tầm xa R-33 (gần 120 km), tên lửa có điều khiển tầm trung mang hệ thống dẫn đường hồng ngoại R-40T và tên lửa có điều khiển tầm thấp R-60, R-60M hoặc R-73.



Động cơ của Mig-31. 

6. Máy bay trực thăng tấn công Ka-52 Alligator “cá sấu đen”.

 

Máy bay trực thăng tấn công Ka-52 Alligator "cá sấu đen". 

Ka-52 là dòng máy bay trực thăng tấn công đa năng hiện đại nhất của Nga hiện nay do Hãng Kamov nghiên cứu, chế tạo mà theo phân loại của NATO là Hokum B hay còn gọi là “cá sấu đen”. Nó thường được sử dụng để giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ tác chiến khác nhau không kể ngày hay đêm, trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết, trong đó chủ yếu là dùng để trinh sát địa hình, yểm trợ cho bộ binh, chỉ thị mục tiêu và điều chỉnh hoạt động của cụm máy bay trực thăng chiến đấu.

 

“Cá sấu đen” có khả năng tiêu diệt cả xe chiến đấu bộ binh thông thường lẫn bọc thép có kích cỡ nhỏ, làm tiêu hao sinh lực đối phương, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không hoạt động ở tốc độ nhỏ. Ngoài mục đích chiến đấu, Ka-52 còn có thể được sử dụng vào mục đích huấn luyện và thực luyện bay.

 

Đặc tính kỹ-chiến thuật của Ka-52. 

Được nghiên cứu, chế tạo dựa trên phiên bản của máy bay chiến đấu đa năng Ka-50 “Cá mập đen”, nhưng Ka-52 lại nặng hơn 1 tấn so với ka-50 song lại không làm giảm khả năng chiến đấu so với Ka-50, thậm chí Ka-52 còn tỏ ra rất hiệu quả trong các chiến dịch tác chiến vào ban đêm, hơn nữa Ka-52 còn có khả năng kết hợp tác chiến trong đội hình, liên lạc thường xuyên với trung tâm điều khiển ở mặt đất ở cơ chế thời gian thực.

 

Buồng lái của máy bay trực thăng tấn công Ka-52. 

Ka-52 được thiết kế 2 chỗ điều khiển để khi cần thiết cả hai phi công đều có thể lái và điều khiển trực thăng cũng như điều khiển hệ thống vũ khí. Máy bay được thiết kế với các đặc tính kỹ-chiến thuật cơ bản sau: đường kính quạt - 14,50 m, chiều dài máy bay 15,9 m, trọng lượng máy bay tối đa 10.400 kg, khi không tải là 7.800 kg, trần bay cao thực tế 5.500 m, trang bị hai động ТВ3-117ВМА công suất 2 х 2260 mã lực.(2 х 1660 KW) cho phép máy bay hoạt động trong phạm vi 1.160 km ở các vận tốc khác nhau (thẳng đứng 10 m/s, khi bổ nhào 350 km/h, khi bay ngang 310 km/h, khi lượn vòng là 80 km/h).

 

Ka-52 là một trong những máy bay trực thăng tấn công hiện đại nhất thế giới hiện nay. 

“Cá sấu đen” được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại, tối tân với 12 tên lửa siêu âm có điều khiển chống tăng “Whirlwind” tự động dẫn đường tới mục tiêu bằng tia laser, các hộp phóng đồng nhất giành cho cả súng máy và pháo, 80 tên lửa không quân không điều khiển cỡ 80 mm, tên lửa lớp “không đối không”, pháo 30 mm 2A42 cùng 500 quả đạn, 4 giá treo tên lửa hoặc bom không quân có trọng lượng 2.000 kg.

 

Theo đánh giá của giới chuyên gia phân tích, Ka-52 hiện đang là một trong số những trực thăng tấn công hiện đại nhất thế giới hiện nay và cũng là mục tiêu săn đón của nhiều quốc gia trên thế giới. Rất khó để có thể so sánh Ka-52 với các đối thủ “nặng ký” khác như  Apache (USA), Tiger (Đức-Pháp), song nếu tính theo tiêu chí “giá cả và hiệu quả sử dụng” thì Ka-52 bỏ xa các đối thủ “nặng ký” khác.

 

Ka-52 phóng đồng thời 4 quả tên lửa nối tiếp nhau. 

Do đặc điểm về tốc độ và tầm bay nên trực thăng chiến đấu một khi bị trúng tên lửa phòng không thì phi công thường là chung số phận với máy bay. Nhưng ở Ka-52 thì khác. Nó được thiết kế buồng lái khá đặc biệt và những chiếc ghế lái “thông minh” có thể đẩy phi công văng ra khỏi máy bay khi có trường hợp khẩn cấp nguy hiểm. Nhờ đó mà tính mạng của phi công có thể được bảo đảm an toàn hơn so với các máy bay trực thăng chiến đấu thông thường khác.  

 

Sức mạnh của lực lượng Không quân Nga qua các thời kỳ. 


Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

 

Bình luận
vtcnews.vn