"Kẻ hủy diệt" dưới biển của Ấn Độ mạnh tới mức nào?

Tư liệuThứ Bảy, 27/02/2010 10:04:00 +07:00

(VTC News) – Ấn Độ đã trở thành 1 trong 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga.

(VTC News) – Cùng với việc đưa vào thử nghiệm chiếc tàu ngầm nguyên tử tự chế đầu tiên INS Arihant, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga.

 

Với mục tiêu củng cố và nâng cao khả năng hoạt động tác chiến của lực lượng hải quân, đặc biệt là lực lượng hạt nhân ngầm, Ấn Độ đã rất chú trọng vào phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Để thực hiện được kế hoạch dài hạn này, ngoài việc tự nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm hạt nhân, Ấn Độ cũng chủ động thuê của Nga một số loại tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại để nâng cao trình độ tay nghề cho các thuỷ thủ làm việc trên các tàu ngầm hiện đại trong tương lai.

Hiện nay, sau 11 năm miệt mài nghiên cứu, Ấn Độ đã chế tạo thành công tàu ngầm nguyên tử tự chế đầu tiên mang tên INS Arihan, theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là “Kẻ huỷ diệt” theo dự án mang mật danh “Tàu chiến công nghệ tiên tiến” (ATV) trị giá 2,9 tỷ USD. Hiện Arihant đang được tiến hành các thử nghiệm cần thiết trên các vùng biển trong thời gian khoảng 1 năm.

Một số tính năng cơ bản của tàu ngầm nguyên tử INS Arihatn.
Đây là loại tàu ngầm tấn công mang tên lửa đạn đạo chiến lược, dài 112 m, rộng 15 m, cao 9 m với biên chế 100 thuỷ thủ và sỹ quan chỉ huy được phát triển dựa trên tàu ngầm dự án 670 “Scat” của Liên Xô, có tổng trọng lượng 5.500 - 6.500 tấn, được trang bị lò phản ứng hạt nhân công suất 85 MW sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu 40%, 1 turbine 47.000 mã lực, 1 chân vịt 7 cánh.

Tàu không hạn chế về thời gian và tầm hoạt động mà chỉ phụ thuộc vào lương thực, thực phẩm trên tàu.

Arihant có thể phát triển tới vận tốc tối đa gần 44 km/h ở dưới nước, hoạt động ở độ sâu 500 m, phóng tên lửa từ độ sâu hơn 100 m dưới biển. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm và 12 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Agni-III SL hoặc K-15 Sagarika có tầm bắn gần 700 km. Dự kiến, INS Arihant sẽ chính thức đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Ấn Độ vào năm 2011 sau khi kết thúc thành công tất cả các chương trình thử nghiệm cần thiết.

Cùng với sự xuất hiện của INS Arihant, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 6 cường quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân. 

Giới quan sát nhận định, việc Ấn Độ cho hạ thủy tàu ngầm hạt nhân INS Arihant là tiêu chuẩn, là thước đo để Ấn Độ tự khẳng định vị thế nước lớn của mình trên trường quốc tế và khu vực.

INS Arihant ra đời đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ của hải quân Ấn Độ, đưa nước này gia nhập nhóm các nước có khả năng tự thiết kế và đóng tàu ngầm hạt nhân. Với 155 tàu chiến các loại, hải quân Ấn Độ hiện được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Ấn Độ còn dự tính sẽ bổ sung thêm ít nhất 3 tàu ngầm hạt nhân tự đóng và 3 tàu sân bay cho hải quân vào năm 2015,  đồng thời Ấn Độ cũng đã ký thỏa thuận mua 6 tàu ngầm Scorpene, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011, có thể đàm phán với Nga để mua 6 tàu ngầm thông thường. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã cử cả nhân viên sang Nga để huấn luyện khả năng vận hành tàu ngầm các lớp từ thông thường đến hạt nhân siêu hiện đại. Hiện tại, trong biên chế của hải quân Ấn Độ có khoảng 16 tàu ngầm thông thường mua từ các quốc gia khác, song phần lớn đều đã già nua.

 

Sau INS Arihant, New Delhi sẽ sớm bắt tay vào đóng một chiếc tàu ngầm hạt nhân mới tương tự. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cao sức mạnh quân sự của New Delhi cho tương xứng với sức mạnh kinh tế, cũng như những biến động trong khu vực và thế giới.

 

Tàu ngầm nguyên tử Nerpa lớp Akula-II của Nga cho hải quân Ấn Độ thuê. 
Cùng với các dự án tự đóng mới tàu ngầm hạt nhân, Ấn Độ cũng đồng thời tăng cường cả các hoạt động thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga, trong đó có tàu ngầm hạt nhân tấn công Nerpa lớp Akula-II mà trong hải quân Ấn Độ gọi là INS Chakra. Theo dự kiến ban đầu, Nga sẽ chuyển giao chiếc tàu ngầm này cho hải quân Ấn Độ thuê trong thời hạn 10 với tổng trị giá 650 triệu USD vào cuối năm 2009, song do tai nạn bất thường nên kế hoạch này được chuyển sang quý II năm 2010.

Tàu ngầm nguyên tử đa năng mang tên lửa đạn đạo chiến lược Nerpa hiện đang là tàu ngầm lớn nhất thế giới. Nó thuộc dự án 971 loại "Shuka-B" mà phương Tây gọi là "Cá mập-2". Đây là loại tàu ngầm thế hệ thứ ba với thiết kế đa thân, có khoảng 19 khoang, trong đó có 1 khoang module được gia cố chắc chắn để sử dụng làm phòng điều hành chính cùng khoang linh kiện, thiết bị điện tử nằm ở phía trên thân tàu, phía sau các ống phóng tên lửa. Với lối kết cấu đặc biệt này, Nerpa có thể di chuyển dưới băng hoặc cũng có thể sử dụng làm tàu phá băng.

 

Tàu ngầm nguyên tử Nerpa nhìn từ phía sau. 
Tàu được biên chế 73 thuỷ thủ, có lượng choán nước 8140/12770 tấn, vận tốc tối đa 30 hải lý, độ lặn sâu 600m và được trang bị 20 tên lửa đạn đạo, mỗi tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công đồng thời 200 mục tiêu lớn nhỏ khác nhau trên mặt đất, 4 hệ thống phóng ngư lôi 533mm cùng 4 hệ thống phóng ngư lôi 650mm, thời gian hoạt động độc lập liên tục dưới nước 120 ngày đêm. Nerpa còn được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân công suất 50.000 mã lực cùng 4 turbine phát điện 3.200 KW và hai động cơ diesel dự trữ công suất 800 KW, hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến và thiết bị định vị, dẫn đường bằng vệ tinh cùng nhiều trang thiết bị kỹ thuật khác.

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn