2010 - năm “giông bão” của thị trường vàng

Kinh tếThứ Năm, 23/12/2010 10:12:00 +07:00

2010 là một năm nhiều “giông bão” trên thị trường vàng trong nước và quốc tế. Dưới đây là một vài con số ấn tượng về thị trường kim loại quý này trong năm 2010.

2010 là một năm nhiều “giông bão” trên thị trường vàng trong nước và quốc tế. Dưới đây là một vài con số ấn tượng về thị trường kim loại quý này trong năm 2010.

1. Các kỷ lục giá 38,2 triệu đồng/lượng và 1.427,8 USD/oz

Giá vàng trong nước đã lập kỷ lục 38,2 triệu đồng/lượng vào ngày 9/11, chỉ thiếu hai ngày trước khi “kỷ niệm 1 năm” ngày giá vàng “nổi loạn” của năm trước - 11/11/2009. Sốt vàng năm nay đã lặp lại gần đúng kỷ lục của năm 2009: tăng vài triệu đồng/lượng chỉ trong buổi sáng, người dân ồ ạt chen lấn đi mua vàng, doanh nghiệp thi nhau thông báo hết hàng bán… Kết quả, giá vàng trong nước bị đẩy cao hơn giá thế giới quy đổi 2 triệu đồng/lượng ở lúc đỉnh điểm

Giao dịch tấp nập tại một doanh nghiệp vàng ở Hà Nội, ngày 20/12

Giới kinh doanh kim hoàn đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc giá vàng leo thang chóng mặt, gồm đà tăng của giá vàng thế giới, tỷ giá USD thị trường tự do tăng nóng, tình trạng cầu cao-cung thấp của thị trường vàng trong nước, yếu tố tâm lý… Trong khi đó, nhận định về diễn biến giá vàng ngày 9/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên, không loại trừ yếu tố đầu cơ.

Đến ngày 7/12, tức là gần 1 tháng sau trận bão vàng tại thị trường Việt Nam, giá vàng quốc tế thiết lập kỷ lục mới. Giá vàng giao ngay đã đạt mức cao nhất mọi thời đại khi chạm 1.432,5 USD/oz tại New York, nhưng giá vàng trong nước sáng 8/12 - sau một loạt nỗ lực bình ổn của cơ quan chức năng - chỉ còn dưới 36 triệu đồng/lượng.

2. Mức lỗ 2,4 triệu đồng/lượng

Những ai “trót” ôm vàng ở mức đỉnh quanh 38 triệu đồng/lượng vào ngày 9/11, đến ngày 22/12 đã cầm chắc khoản lỗ 2,2-2,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nửa cuối của tháng 11 và tháng 12 tăng giảm khá thất thường, nhưng không tái lập được các mốc giá 37-38 triệu đồng/lượng, khiến khả năng hoàn vốn cho những người mua vàng ở giá kỷ lục trở nên xa vời.

3. Mức tăng 26% và 46%

Tính từ cuối năm 2009 tới ngày 21/12, giá vàng quốc tế đã tăng 26%, trong khi giá vàng trong nước tăng 46%. Trong cùng khoảng thời gian trên, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 12,5%, còn chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 2,7%. Như vậy, có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế, vàng là một kênh đầu tư có khả năng sinh lợi tốt trong năm nay.

Giá vàng thế giới năm 2010 tăng do nhiều yếu tố, bao gồm chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các nền kinh tế phát triển thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến với những kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn, đặc biệt là Mỹ; cuộc khủng hoảng nợ công “quật ngã” vài quốc gia ở khu vực châu Âu dẫn tới niềm tin suy giảm nghiêm trọng của giới đầu tư vào tiền giấy; mối lo lạm phát leo thang tại các nền kinh tế mới nổi nhất là Trung Quốc… Năm nay đã làm năm tăng giá thứ 10 liên tục của vàng quốc tế.

Việc giá vàng trong nước tăng với tốc độ cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới có thể được lý giải bằng việc giá trong nước còn được hỗ trợ tích cực bởi sự leo thang của giá USD thị trường tự do trong năm nay. Vào cuối năm 2009, giá USD tự do còn ở mức khoảng 19.200 đồng, còn hiện nay đã lên trên 21.000 đồng, tương đương mức tăng khoảng 9,4%.

4. Con số gây tranh cãi 1.000 tấn vàng

Trong tháng 11, thị trường vàng trong nước rộ lên thông tin Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, số lượng vàng tồn tại trong dân ở Việt Nam lên tới 1.000 tấn. Với dân số Việt Nam vào khoảng 86 triệu người hiện nay, thì nếu con số này là sự thật, trung bình 8,6 người Việt Nam đang nắm giữ 1 kg vàng, tương đương 26,7 lượng vàng. Nghĩa là bình quân mỗi người Việt Nam không phân biệt già trẻ gái trai đang nắm giữ hơn 3 lượng vàng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, khi được hỏi về con số “1.000 tấn vàng nằm trong dân”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết “tôi không hiểu họ lấy số liệu ở đâu ra” và “nếu đúng vậy thì dân ta quá giàu”.

Sau đó, khi đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn về con số trên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã cung cấp số liệu về diễn biến xuất nhập khẩu vàng giai đoạn 1998 đến tháng 9/2010, theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, số vàng nhập khẩu là 339,86 tấn, và xuất khẩu là 268,86 tấn (tức con số nhập siêu vàng vào khoảng 71 tấn).

5. 5 biện pháp hạ sốt giá vàng

Năm 2010 chứng kiến nhiều biện pháp can thiệp nhằm ổn định giá vàng từ các cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong tháng 10 và 11, các cơ quan chức năng đã tích cực đưa ra 5 biện pháp đồng bộ để đưa thị trường vàng trong nước về trạng thái bình thường.

Đầu tiên là Thông tư 22 siết hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng tại các ngân hàng thương mại, tiếp đó là liên tục cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các đầu mối, can thiệp bình ổn tỷ giá USD, giảm thuế nhập khẩu vàng từ 1% về 0%, và tăng thuế xuất vàng từ 0% lên 10% kể từ tháng 1/2011.

Sau những biện pháp can thiệp nói trên, giá vàng trong nước không còn có những diễn biến bất thường như trong thời gian đầu tháng 11 và đã được “ghìm cương” ở vùng giá quanh 36 triệu đồng/lượng trong tháng 12. Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước hiện vẫn đang cao hơn khoảng 500.000 đồng/lượng.


Theo VnEconomy

Bình luận
vtcnews.vn