200 hộ dân ngăn thi công dự án cầu vượt đường sắt Tam Điệp

Thời sựThứ Tư, 19/03/2014 07:43:00 +07:00

Gần 200 hộ dân ngăn không cho nhà thầu thi công dự án cầu vượt đường sắt khiến quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) liên tục ùn tắc.

Gần 200 hộ dân ngăn không cho nhà thầu thi công khiến dự án cầu vượt đường sắt khiến quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) liên tục ùn tắc.

Dự án cầu vượt đường sắt thị xã Tam Điệp được Bộ Giao thông khởi công vào trung tuần tháng 9/2013, nhằm giảm thiểu ùn tắc tại nút giao đường sắt Bắc Nam với quốc lộ 1A phía bắc thị xã Tam Điệp.

Che-het-loi-di-cua-nguoi-dan-8883-139512

Chưa GPMB làm đường dân sinh nhưng nhà thầu đã đào đất thi công, dựng các tấm tôn và tập kết máy móc, vật liệu vây kín mặt tiền khiến người dân không có lối đi. Ảnh: Lê Hoàng. 

Dự kiến hoàn thành sau 12 tháng, nhưng hơn 5 tháng thi công các nhà thầu mới chỉ xây dựng được một số mố cầu. Máy móc, vật liệu, lô cốt do đơn vị thi công dựng lên chiếm quá nửa lòng đường khiến giao thông ách tắc liên tục.

Vào giờ cao điểm, hoặc tàu hỏa đi qua, hàng nghìn phương tiện nối nhau nhích từng mét. Do tầm nhìn hạn chế, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra. Ít nhất hai người chết ở cung đường này gần đây.

Hơn tháng qua, các nhà thầu buộc phải dừng thi công vì 187 hộ dân (ở hai phường Tân Sơn và Nam Sơn, thị xã Tam Điệp) nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án kéo ra ngăn cản, không cho máy móc hoạt động.

Đại diện các hộ dân cho hay, lý do họ cản trở thi công vì không đồng tình với chính sách đền bù của chính quyền thị xã Tam Điệp. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự án, song việc chính quyền áp giá đền bù với tài sản, bồi thường tiền đất, chi phí hỗ trợ việc làm do ảnh hưởng của dự án… không được thực hiện đúng theo các quy định của nhà nước”, anh Trần Danh Tuyên, đại diện các hộ dân phường Nam Sơn, nói.

Theo người dân, chủ đầu tư vội khởi công dự án khi người dân chưa nhận bồi thường khiến cuộc sống đảo lộn. Nhiều gia đình không có lối đi, công việc kinh doanh bị đình trệ.

“Họ chưa giải phóng mặt bằng làm đường gom dân sinh đã cho máy móc đào xới lòng đất, rồi quây tôn xung quanh khiến cả trăm hộ dân bị chắn hết lối đi. Công việc kinh doanh buộc phải đóng cửa, trong khi ở đây chúng tôi đều sống bằng nghề buôn bán nhỏ”, bà Nguyễn Thị Oanh, tổ 5, phường Nam Sơn, bức xúc.

Không hài lòng với chính sách đền bù, người dân vừa tập trung phản ứng với chính quyền vừa kéo ra ngăn nhà thầu thi công. “Suốt đầu tháng 1 đến nay, hễ cứ thấy nhà thầu đưa máy móc ra công trường là cả trăm người lại hò nhau ra ngăn cản buộc họ phải dừng mọi hoạt động”, bà Nguyễn Thị Thân cho biết thêm.

Trong khi chưa trả lời những thắc mắc khiếu nại của người dân thì cuối tháng 2 vừa qua, UBND thị xã Tam Điệp đánh công văn hỏa tốc yêu cầu cán bộ, đảng viên mà gia đình nằm trong diện giải tỏa phải động viên người thân nhận tiền, bàn giao mặt bằng, nếu không sẽ bị nghỉ việc.

“Việc làm đường không hề liên quan gì đến giáo dục, thế mà họ yêu cầu con tôi đang làm giáo viên đi họp rồi cho cán bộ đến nhà dọa sẽ cho nghỉ việc nếu không động viên bố mẹ thôi khiếu nại. Rõ ràng là có sự mờ ám, không dân chủ.…”, một cụ bà cho hay.

Giao-duong-sat-2605-1395126845.jpg

Lòng đường bị thu hẹp, ngay điểm giao cắt với đường sắt Bắc Nam nên tình trạng ách tắc trên quốc lộ 1A thường xuyên xảy ra. Ảnh: Lê Hoàng.

Bà Phan Thị Lam, Chủ tịch UBND phường Nam Sơn xác nhận, việc dự án ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của hơn trăm hộ dân thuộc các tổ dân phố 4, 5, 6 là thực tế. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở không thể giải quyết vì không đủ thẩm quyền. “Chúng tôi đang tập hợp kiến nghị của người dân để báo cáo thị xã xem xét”, bà Lam nói và cho biết, mỗi lần người dân “vây” đơn vị thi công, chính quyền rất vất vả mới thuyết phục được họ.

Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Ngọc Châu, Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp xác nhận, các gói thầu dự án cầu vượt đường sắt Tam Điệp đã buộc phải dừng hoạt động hơn 1 tháng nay do người dân ngăn cản. “Thắc mắc của các hộ dân chúng tôi đang kiểm tra và sẽ có điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho họ”, ông Châu nói.

Lý giải về việc UBND thị xã dọa cho thôi việc cán bộ, đảng viên, ông Châu cho biết, vấn đề này đã được Thị ủy thống nhất.

“Xác định đây cũng là nhiệm vụ chính trị nên chúng tôi cho cán bộ nghỉ việc cơ quan nhưng vẫn hưởng lương để họ ở nhà vận động người thân. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ dự án", ông Châu nói.

Tiểu dự án cầu vượt đường sắt Bắc Nam qua thị xã Tam Điệp thuộc Dự án lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 3. Công trình này có tổng mức đầu tư trên 484,3 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án An toàn giao thông làm chủ đầu tư. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Thiết kế đường cấp ba đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h. Bề rộng mặt cắt ngang cầu 20,5 m bao gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp.

Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng cầu vượt, đường dẫn hai đầu cầu, đường gom và hệ thống thoát nước. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hai nút giao dạng đảo xuyến ở hai đầu dự án và cầu vượt đường bộ... Nhà thầu thi công là Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu 75 - Tổng Công ty Cienco 8. Thời gian thực hiện dự kiến 12 tháng.


» Nhiều khuất tất trong dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
» Sắp xây dựng cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa dài 121km
» Bộ trưởng chỉ thẳng lý do 'đường Việt Nam đắt gấp 3 Mỹ'


Theo VNE
Bình luận
vtcnews.vn