VTV không ngăn được K+ mua bản quyền Ngoại hạng Anh

Thể thaoThứ Ba, 19/04/2016 02:27:00 +07:00

Bất chấp những báo cáo không mấy khả quan về tình hình tài chính, K+ vẫn quyết tâm mua bằng được bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa kế tiếp 2016-2019

Bất chấp những báo cáo không mấy khả quan về tình hình tài chính, K+ vẫn quyết tâm mua bằng được bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa kế tiếp 2016-2019.

Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã có văn bản đề cập tới việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn tại VSTV (với thương hiệu K+). Lý do đưa ra là “để bảo toàn vốn nhà nước và thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước cần nắm giữ”. 

Điều đáng nói là vì sao VTV tính thoái vốn trong lúc K+ đang “sôi sục” cố gắng mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh khi mà ai cũng biết rằng chính bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ triền miên của K+?
K+ đang tìm mọi cách mua bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019
K+ đang tìm mọi cách mua bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019 
Sẽ bán vốn nhà nước cho chính K+?

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, VTV khẳng định: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp do VTV đầu tư, góp vốn tại công văn số 56/TTg-ĐMDN ngày 7/1/2016, VTV đã tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp”.

Theo VTV: “Sau khi xem xét các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) trong năm 2015 và đánh giá triển vọng các năm tiếp theo, trong điều kiện cạnh tranh gắt gao như hiện nay thì việc tổ chức hoạt động để VSTV đạt điểm hòa vốn và có lãi là rất khó khăn. Đài Truyền hình Việt Nam đã có báo cáo cụ thể về vấn đề này tại công văn số 146/THVN-KHTC ngày 5/2/2016”.

Đề nghị của VTV là chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn tại VSTV. Đây là Công ty TNHH hai thành viên do VTV và Tập đoàn Canal+ International Development (CO) góp vốn, trong đó VTV nắm giữ 51% vốn điều lệ. 

Tổng vốn góp ban đầu của hai nhà đầu tư là 20.143.000USD (CO góp 9.870.000USD bằng tiền mặt, VTV góp 10.273.000USD tương đương 173 tỉ đồng bằng tài sản quy đổi là hàng trăm ngàn thuê bao tích cực của VTVcab từ năm 2010).

Cụ thể, VTV đề xuất là bán thỏa thuận cho thành viên còn lại là Tập đoàn Canal+ International Development, trong trường hợp thành viên này không mua sẽ tiến hành bán đấu giá theo pháp luật.

Được biết, khoản vốn thoái từ K+, VTV sẽ chuyển về cho Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Bên cạnh đó, từ quý I/2016, VTV cũng ráo riết tính chuyện cổ phần hóa và bán phần vốn của mình tại Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), Truyền hình cáp Saigontourism (SCTV).

Lý giải điều này, VTV cho rằng, cổ phần hóa sẽ khiến những doanh nghiệp này quản lý và kinh doanh tốt hơn, VTV chỉ đóng vai trò kiểm soát nội dung.
Vì Premier League, VTV chấp nhận thoái vốn ở K+?
Vì Premier League, VTV chấp nhận thoái vốn ở K+? 
VTV liệu còn “nắm tóc” được K+?

Thực tế, VTV gần như “đứng ngoài” trong một số thương vụ lớn của K+, điển hình là vụ K+ mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh với con số lên tới trên 40 triệu USD trong sự phản đối quyết liệt của những nhà đài. Lý do thời điểm đó là VTV bị “đặt vào sự đã rồi”. 

Ở thời điểm này, khi K+ tuyên bố sẵn sàng “một mình một ngựa” săn Ngoại hạng Anh đã tạo ra một nghịch lý: Tại sao trong văn bản của mình, VTV khẳng định VSTV (tức K+) đang lỗ nhưng lại “đồng thuận” để đối tác tiếp tục bỏ khoản tiền ra mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh với con số “khủng”, dự kiến không dưới 70 triệu USD, tương đương 1.700 tỉ đồng? 

Vấn đề khác đặt ra, với việc K+ dốc túi mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh thì có ảnh hưởng tới việc định giá liên doanh khi VTV thoái vốn? Và hơn hết, quyền ưu tiên gom hết vốn lại thuộc về chính K+.

Chưa hết, trong thời điểm này, VTV cũng đã âm thầm tạo điều kiện để hỗ trợ tối đa K+ có một số bản quyền đáng chú ý. Cụ thể nhất là VTVcab bị “tước đoạt” toàn bộ bản quyền quần vợt từ ATP 500 đến các giải Master 1000 để K+ thâu tóm những giải này mà các thuê bao của VTVcab không nhận được một lời giải thích.

Vấn đề còn lại ở đây, nếu VTV không còn chi phối 51% phần vốn thì lấy gì để kiểm soát nội dung đối với K+ và liệu một đối tác nước ngoài chiếm giữ trên 50% và cao hơn nhiều một đơn vị truyền hình trả tiền liệu có phải là điều bất thường?
Hàng loạt những câu hỏi cần trả lời trong phương án thoái vốn của VTV ở VTVcab, SCTV và đặc biệt là K+.

Một mặt báo lỗ để thoái vốn nhà nước, một mặt đưa ra mức chi “khủng” để có được bản quyền truyền hình, phải chăng đây lại là câu chuyện “chuyển giá” vẫn thấy tại các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam đã từng khiến dư luận bất bình?

Nguồn: Lao động
Bình luận
vtcnews.vn