Trung Quốc lên kế hoạch thành siêu cường bóng đá thế nào?

Thể thaoThứ Ba, 12/04/2016 12:00:00 +07:00

LĐBĐ Trung Quốc vừa đưa ra kế hoạch phát triển bóng đá nước này đến tận năm 2050, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là biến ĐTQG Trung Quốc thành một siêu cường

(VTC News) - LĐBĐ Trung Quốc vừa đưa ra kế hoạch phát triển bóng đá nước này đến tận năm 2050, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là biến ĐTQG Trung Quốc thành một siêu cường trên thế giới.

Kế hoạch này được LĐBĐ Trung Quốc (CFA) công khai trên trang web chính thức vào hôm qua 11/4. Trong đó, họ nhấn mạnh: đất nước 1,4 tỷ dân đang ở trong giai đoạn quan trọng của việc xây dựng xã hội khá giả. Sự phát triển của bóng đá sẽ đáp ứng được lòng mong đợi của cả dân tộc. Nó có liên quan mật thiết đến sức khỏe, văn hóa và thúc đẩy ngược trở lại kinh tếxã hội phát triển.
Trung Quốc đưa ra kế hoạch phát triển bóng đá dài hạn đến năm 2050
Trung Quốc đưa ra kế hoạch phát triển bóng đá dài hạn đến năm 2050 
Thông báo cũng nêu rõ: "Hội đồng Nhà nước sẽ đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp thể thao nhằm thúc đẩy tiêu dùng thể thao" và "Cải cách bóng đá Trung Quốc nằm trong chương trình tổng thể, thúc đẩy phát triển bền vững và lành mạnh bóng đá Trung Quốc". 

CFA cũng khẳng định: "Hội đồng Nhà nước đã đồng ý với kế hoạch phát triển này. Mục tiêu ngắn hạn là từ năm 2020 đến giữa những năm 2030, và triển vọng dài hạn đến năm 2050."

Kế hoạch của CFA cũng cung cấp số liệu rằng, trên đất nước Trung Quốc hiện mỗi năm có hơn 100.000 trận đấu diễn ra. Bóng đá trong môi trường xã hội, ở tất cả các cấp và doanh nghiệp đã tổ chức hơn 20.000 trận đấu nghiệp dư mỗi năm. Họ cũng nhấn mạnh rằng, hai giải đấu hàng đầu ở Trung Quốc là giải chuyên nghiệp (Super League) và giải Hạng nhất đang ngày càng thu hút được những ngôi sao hàng đầu trên toàn thế giới.

Super League hiện thu hút được 1,5 triệu khán giả theo dõi. Sự phát triển này đang ngày càng được mở rộng thành một ngành công nghiệp hiện đại. 

CFA cũng cho rằng, bóng đá đang từng bước trở thành một công cụ ngoại giao hữu hiệu. Mặc dù vậy, bóng đá Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề như thiếu sự giám sát hiệu quả, thiếu nhân sự và trang thiết bị, chưa phát triển bóng đá sâu rộng đến cộng đồng.
Trung Quốc muốn nước này thành siêu cường vào năm 2050
Trung Quốc muốn nước này thành siêu cường vào năm 2050 
Bất chấp điều ấy, CFA vẫn khẳng định thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Đại hội Đảng lần thứ 18 với tiêu chí "bốn toàn diện gồm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện, quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện". Trong đó, bóng đá được coi là sức mạnh quốc gia. Phát triển bóng đá giúp phát triển toàn diện nền thể thao Trung Quốc.

Không những vậy, bóng đá còn được CFA ca ngợi là có chức năng giáo dục quan trọng trong việc chuyển tiếp các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Phát triển bóng đá giúp Trung Quốc xây dựng một nền văn hóa đặc sắc Trung Quốc, truyền cảm hứng cho toàn người dân Trung Quốc tinh thần chiến đấu bất khuất, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và tăng cường sự gắn kết của quốc gia và niềm tự hào của Trung Quốc.

Dựa trên những phân tích ấy, CFA chia định hướng phát triển bóng đá ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu (ngắn hạn) từ năm 2016 đến 2020, Trung Quốc phấn đấu xây dựng 20.000 trung tâm đào tạo bóng đá, 70.000 sân bóng trên khắp cả nước. Số lượng người chơi bóng đá thường xuyên là 50 triệu người, trong đó có 30 triệu là sinh viên.

Giai đoạn thứ hai (trung hạn) từ năm 2021 đến 2030, Trung Quốc đặt chỉ tiêu cứ 10.000 người bình quân lại có 1 sân bóng tiêu chuẩn. Bóng đá học đường phát triển mạnh mẽ. Đội bóng đá nữ Trung Quốc trở lại vị thế cường quốc thế giới, còn đội tuyển nam gia nhập tốp đầu châu lục và thường xuyên có mặt ở vòng chung kết World Cup.

Giai đoạn cuối (dài hạn) từ năm 2031 đến 2050, Trung Quốc hạ quyết tâm trở thành siêu cường của bóng đá thế giới. Đội tuyển nam gia nhập nhóm có thể cạnh tranh huy chương ở World Cup.

Đây là một kế hoạch rất tham vọng của Trung Quốc bởi hiện tại đội tuyển bóng đá nam nước này đang xếp thứ 81 trên bảng xếp hạng FIFA. Dù vừa lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 nhưng họ vẫn không được đánh giá cao bằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Ả Rập Saudi.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn