Huyền thoại thể thao Việt Nam: Trận đấu chấn động khiến đối thủ suýt tự tử

Thể thaoThứ Ba, 29/07/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Sau khi giành HCV nội dung đôi nam, Mai Văn Hòa đầy tự tin bước vào giải đơn với quyết tâm vô địch cho dù có phải gặp đương kim vô địch thế giới.

(VTC News) - Sau khi giành HCV nội dung đôi nam, Mai Văn Hòa đầy tự tin bước vào giải đơn với quyết tâm vô địch cho dù có phải gặp đương kim vô địch thế giới của nước chủ nhà Nhật Bản lúc bấy giờ.

Mai Văn Hòa nhận định: các tay vợt của Nhật có kỹ thuật cao cường và danh tiếng, nhưng không phải là không thể đánh bại. Một điều tâm đắc với ông là muốn thắng các đấu thủ Nhật Bản, ngoài kỹ thuật giỏi phải cộng thêm thể lực dẻo dai và ý chí ngoan cường.

Đúng thời gian này, ở Sài Gòn và Hà Nội, báo chí bắt đầu bình luận về khả năng giành thắng lợi của Mai Văn Hòa.

Vượt qua 20 đối thủ để vào chung kết

Giải đơn chia làm nhiều bảng. Đấu loại, Mai Văn Hòa đã đứng đầu bảng 6. Từ vòng knock-out trở đi, thể thức thi đấu bằng cách bắt thăm, Mai Văn Hòa liên tiếp thắng ở các trận: 1/64, 1/32, 1/16 và 1/8.

Một điều bí mật đến nay vẫn được giữ kín, đó là danh thủ Oguimura, người Nhật Bản – đương kim vô địch thế giới tại giải này, không hiểu đặc cách kiểu gì chỉ xuất hiện ở trận… chung kết.

Ở trận bán kết, cũng với một đối thủ Nhật Bản, Mai Văn Hòa thi đấu rất tự tin. Ông nghĩ nếu thắng trận bán kết này thi coi như chức vô địch châu Á nằm trong tầm tay. Bằng cách đánh lắt léo, khôn ngoan, dẻo dai, làm chủ đường bóng, Mai Văn Hòa đã thắng với tỷ số 3-2 ở ván thứ 5. Tiếng vỗ tay vang dậy, bà con Việt kiều và lưu học sinh reo hò cổ vũ, có người cảm động rơi nước mắt…

Mai Văn Hòa sung sướng trước thắng lợi ở bán kết này. Và đến giờ phút ấy, ông đã thắng tất cả là 20 trận (tính từ đầu giải đơn). Phía trước ông chỉ còn 1 trận chung kết diễn ra vào hôm sau với  đương kim vô địch thế giới Oguimura.

Oguimura “tọa sơn quan hổ đấu”


Tuy vẫn còn đủ trí, lực và kỹ thuật song Mai Văn Hòa chưa hiểu gì về Oguimura, người mà ông sẽ so tài cao thấp ở trận đấu cuối cùng. Những thông tin về con người Oguimura Mai Văn Hòa biết là quá ít. Ông chỉ biết Oguimura 35 tuổi, người Nhật Bản và đương kim vô địch thế giới về bóng bàn, thế thôi!
Oguimura - đương kim vô địch thế giới năm 1952
Trong khi đó, ngay từ trận 1/4, Oguimura đã quan sát, theo dõi cách thi đấu của Mai Văn Hòa. Một thanh niên Việt Nam 25 tuổi, người gầy, cao 1,60m nhưng rất nhanh nhẹn và dẻo dai đến mức lỳ không thể xem thường được.

Trời Tokyo ngày diễn ra trận chung kết lạnh, tuyến đã lất phất bay trên đường phố. Mai Văn Hòa đến nhà thi đấu trong bộ comple trắng thanh nhã. Còn Oguimura đi một chiếc xe hơi sang trọng. Oguimura trắng, cao, đôi mắt nhỏ tinh quái, ẩn chứa một vẻ tự tin, hiếu thắng…

Và cuộc đấu bắt đầu

Mai Văn Hòa được giao bóng trước. Trong 5 quả giao bóng, ông chỉ có được… 1 điểm! Oguimura có kiểu cầm vợt dọc rất lợi hại. Set đầu, Mai Văn Hòa thua đậm với tỷ số 10-21.

Đổi bên, lần này ông rút kinh nghiệm. Nhận thấy Oguimura đang trên đà chủ quan, ông tận dụng những qua xoáy vào giữa bàn, bằng mặt vợt gai (thời đó chưa có vợt mút), Mai Văn Hòa đã khống chế được hầu hết các đường bóng nguy hiểm của Oguimura. Ông vượt xa đối thủ và kết thúc set thứ 2 với tỷ số 21-16 nghiêng về mình.
Di ảnh Mai Văn Hòa
Mai Văn Hòa và lối đánh phòng thủ "Vạn lý trường thành". Di ảnh này được bán đấu giá 5 lượng vàng
Tuy bị thua, Oguimura vẫn chủ quan, vụt tới tấp, tấn công liên tiếp. Mai Văn Hòa trong thế thủ, đưa bóng vào giữa “rốn” của đối phương làm cho Oguimura đẩy bóng ra ngoài khá nhiều. Kết quả set thứ 3, Mai Văn Hòa lại thắng khiến nhà thi đấu trở nên im lặng, căng thẳng.

Vào set thứ 4, Oguimura tung hết những miếng sở trường. Oguimura gồng người đỡ bóng, làm cho đường bóng đi xoáy chậm chạp, uể oải, rất khó đỡ. Mai Văn Hòa tranh thủ những cú rờ -ve nhưng thường bị ra ngoài, nếu có vào bàn thì cũng bị Oguimura hóa giải. Set này, tay vợt người Việt Nam bị dồn vào thế lúng túng và chịu thua. Như vậy, đến đây Mai Văn Hòa – Oguimura: Hòa 2-2.

Set thứ 5 trở thành sec định mệnh, quyết định số phận của mỗi người. Mai Văn Hòa được giao bóng trước. Lần này cả Mai Văn Hòa và Oguimura đều thận trọng, hai người cò cưa, có những quả mà người ta đã đến được đến 30 lượt qua lại mà không bên nào cắt để dẫn điểm.

Có những lúc, Mai Văn Hòa giấu vợt dưới gầm bàn để đối phương lơ đãng, lạc hướng rồi bất thần tung cú rờ-ve.

Hai người đều hăng hái giao tranh, gần một tiếng đồng hồ khi tỷ số đang là 20-18 nghiêng về Mai Văn Hòa, Oguimura bắt đầu nóng ruột. Tay vợt của nước chủ nhà đột ngột liều lĩnh, tung cú đập thẳng xuống mặt bàn hòng ghi cho ông ta điểm thứ 19. Nhưng tiếc thay cho nhà vô địch thế giới, vì bóng xoáy mạnh nên cú đập của Oguimura đưa quả bóng bay nghiêng lên khán đài. Mai Văn Hòa giành chiến thắng 21-18.

Oguimura suýt đập đầu tự tử

Mai Văn Hòa đứng ngơ ngác trước chiến thắng, nước mắt tràn xuống, quyện lẫn mồ hôi. Còn Oguimura thì tuyệt vọng, như mất trí, định đập đầu xuống bàn tự vẫn. Nhưng mẹ ông ta kịp ra ngăn lại, khuyên can, không để con mình làm những việc liều lĩnh.

Mai Văn Hòa đã thắng Oguimura 3-2 ở set thứ 5 trong tình huống thật bất ngờ. Kết quả tuyệt vời đó thể hiện sự dẻo dai, ngoan cường, mưu trí, tạo thành thế thắng của một sự tổng hợp các yếu tố tinh thần, thể chất và chuyên môn…
Mai Văn Hòa (giữa) đứng trước biểu ngữ: "Hoan hô quái kiệt Mai Văn Hòa"
Thế là cùng một lúc, Mai Văn Hòa đoạt 2 cup vô địch: một cup giải đôi (cùng với Trần Văn Đức),  một cup giải đơn trong giải bóng bàn châu Á lần thứ nhất vào cuối năm 1952. Báo chí ở Nhật Bản và Việt Nam năm ấy, tới tấp đăng tin: Mai Văn Hòa, một thanh niên Việt Nam 25 tuổi, đã thắng đương kim vô địch thế giới Oguimura, người Nhật Bản, 35 tuổi ở môn bóng bàn.

Mai Văn Hòa là người đầu tiên và cho đến nay vẫn là người Việt Nam duy nhất đoạt chức vô địch châu Á về môn bóng bàn. Tên tuổi, thành tích của ông đã ghi một mốc son trong lịch sử thể thao Việt Nam.

Hiện nay gia đình Mai Văn Hòa cư trú tại hẻm Lưu Luyến, đường Lê Văn Sỹ, TP.HCM. Ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1971, ở tuổi 44. Bà Nguyễn Thị Đức, vợ ông vẫn còn giữ các tấm ảnh của ông với 4 tấm hộ chiếu có dấu thị thực các quốc gia trên thế giới, cùng các kỷ vật trong đời thi đấu bóng bàn của ông cách đây gần một nửa thế kỷ.

Phạm Hồng Kiên
Bình luận
vtcnews.vn