Tiến Minh ‘sáng cửa’ SEA Games, nên vui hay buồn?

Thể thaoThứ Sáu, 13/12/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Như thông tin trước đó đã đưa, tại SEA Games 27 lần này, cơ hội để Nguyễn Tiến Minh lần đầu tiên có chiếc HCV là rất sáng sủa. Thế nhưng…

(VTC News) – Tại SEA Games 27 lần này, cơ hội để Nguyễn Tiến Minh lần đầu tiên có chiếc HCV là rất sáng sủa. Thế nhưng…
Nếu như Tiến Minh (hạng 8 thế giới) thành công trong nỗ lực giành HCV kì SEA Games lần này thì đây có thể xem như là chiến tích của cầu lông Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Thế nhưng, khoảng trống phía sau lưng Tiến Minh thật khó để lấp đầy. Cây vợt “đàn em” gần với anh nhất là Phạm Cao Cường, sinh năm 1996, hiện còn đang lóp ngóp ở vị trí 253 thế giới (theo bảng thống kê mới nhất của Liên đoàn cầu lông thế giới). 
Ngoài Tiến Minh, cầu lông Việt Nam còn ai? 
Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều đã và đang có rất nhiều “hậu bối” cho những tay vợt hàng đầu thế giới như Lee Chong Wei (hạng  1 thế giới), Tommy Sugiarto (hạng 5), Sony Dwi Kuncoro (hạng 9) và Boonsak Ponsana (hạng 7). 
Ngoài những cái tên trên, trong top 100 hiện tại của cầu lông thế giới, Malaysia có tới 7 VĐV, Indonesia có 6 VĐV và Thái Lan kém nhất cũng là 2 VĐV. Còn Việt Nam, ngoài Tiến Minh và Cao Cường, người tiếp theo có mặt trong… top 300 là Nguyễn Hoàng Nam (hạng 289), cây vợt đã 24 tuổi và vừa thua “liểng xiểng” ngay từ vòng 2 tại Giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2013.
Ngoài ra, những tay vợt trẻ tài năng khác của Việt Nam hầu như đều không mấy ai biết tới như Lê Hà Anh (hạng 426), Nguyễn Đình Tuấn Kiệt (hạng 627)…
Nói về thực trạng hiện tại của cầu lông Việt Nam, một cư dân mạng thẳng thắn chia sẻ: “Báo chí Việt Nam giật tít "Tiến Minh có cơ hội giành HCV Sea Game 27". Vâng - trong khi hàng loạt các tay vợt mạnh khác tại Đông Nam Á đều hướng đến Super Series Final 2013 tại Malaysia thì Minh “Ca” phải... tập trung cho SEA Games.
Và trước khi bắt đầu thi đấu tại SEA Games, Tiến Minh dù chỉ phải gặp những đối thủ dưới cơ hơn rất nhiều, song, trong những trả lời phỏng vấn của anh đều nói về nỗi sợ “kị giơ” lối đánh, sợ không đủ thể lực do lịch thi đấu dày đặc… thì chúng ta có thể hiểu được trình độ của những tay vợt “hậu bối” của Malaysia, Indonesia hay Thái Lan mạnh đến cỡ nào. Trong khi đó, dù theo dõi khá sát sao cầu lông thế giới, chẳng mấy người biết đến một cây vợt nào của Việt Nam nữa ngoài Tiến Minh. 
Tiến Minh vẫn 'đơn phương độc mã' cày ải... 
Nhưng nào có thể trách Tiến Minh được, anh đã cố gắng rất rất nhiều cho sự phát triển của cầu lông Việt Nam. Đáng tiếc rằng những cố gắng đó của anh đã, đang và sẽ rất lâu sau mới có thể được tiếp nối. Do đâu, do ai và biết đến chừng nào mới có một Tiến Minh thứ hai?”.
Câu hỏi “chừng nào sẽ có một Tiến Minh thứ hai?” chắc lại vẫn sẽ không thuộc về người hâm mộ. Bởi, tất cả đều cũng đã biết, bên cạnh tài năng đặc biệt của mình, Tiến Minh phải nhờ tới sự đài thọ của gia đình lẫn những doanh nghiệp tư nhân mới có được thành công ngày hôm nay. Và nên nhớ, Tiến Minh đã bước qua tuổi 31.
Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn