Nghi án Công Vinh 'đá bể nồi cơm' đàn anh

Thể thaoThứ Ba, 29/01/2013 12:14:00 +07:00

SEA Games 2005 tại Philippines là cột mốc đánh dấu sự vươn lên của Công Vinh- một cầu thủ luôn bị coi là cái bóng của Quyến…

Nếu JVC Cup 2003 là bệ phóng quan trọng nhất trong đời đá bóng chuyên nghiệp của Vinh, thì SEA Games 2005 tại Philippines là cột mốc đánh dấu sự vươn lên của một cầu thủ luôn bị coi là cái bóng của Quyến…


Nghi án bị "đánh" ở SEA Games 2005

Lê Công Vinh – từ năm 2003 đã trở thành cái tên thường trực của đội tuyển VN. Tại đó, dù vẫn sống dưới “ánh sáng” của các đàn anh như Lê Huỳnh Đức, Phạm Văn Quyến, thậm chí cả Phan Thanh Bình (Bình kém Vinh 1 tuổi?) nhưng vai trò của Vinh đã khác.

 Công Vinh trưởng thành nhanh chóng

Sau SEA Games 22 trên sân nhà, HLV người Áo Alfred Riedl ra đi, thay thế là ông Tavares  - HLV người Brazil. Dưới triều đại này, Công Vinh được sử dụng nhiều hơn và có thời điểm, anh mới là nhân vật không thể  thay thế ở đội tuyển VN chứ không phải Quyến.

Tại Cúp Bóng đá TP.HCM (trước thềm Tiger Cup 2004), HLV Tavares luôn áp dụng sơ đồ 4-4-3, với hai cầu thủ đá nghịch cánh là Công Vinh và Bảo Khanh. Khi đó, cựu binh Lê Huỳnh Đức vẫn được bố trí đá trung phong, nhưng anh đóng vai trò “chim mồi” và “làm tường” cho hai mũi nhọn thực sự xuất hiện bất ngờ ở hai bên cánh.

Đội tuyển VN thời kỳ này chơi nhiều trận cực hay. Sự biến hóa của Bảo Khanh và tốc độ của Công Vinh khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải dè chừng. HLV Tavares cũng chú trọng đến việc khai thác khả năng của Quyến thi thoảng đẩy anh vào vai trò của Lê Huỳnh Đức. Tuy nhiên, vì thái độ tập luyện không tốt và tư duy “cậy tài”, Quyến đã mất dần cơ hội đá chính.

Bđôi tiền đạo của tuyển VN

Từ lúc đó, nhiều người đã mường tượng đến một sự đổi ngôi. Vinh sẽ thay Quyến làm thần tượng của bóng đá Việt.

Hình ảnh của Công Vinh có lẽ sẽ “bốc” ngay từ Tiger Cup 2004 – khi anh và Bảo Khanh là hai cầu thủ đá tốt nhất, nhưng vì đội tuyển VN không may bị loại ngay từ vòng bảng nên tâm lý chán nản của người hâm mộ khiến ngôi sao đang trên đường tỏa sáng như Vinh phải chờ.

Một năm sau đó đến SEA Games 23, HLV Alfred Riedl trở lại, thế chỗ của chính Tavares. Nhưng ở Bacolod, Vinh đã vươn lên soán ngôi Phan Thanh Bình, đá cặp với Quyến. Hai tiền đạo xứ Nghệ được coi là cặp song sát đáng sợ và đáng xem nhất tại Philippines năm đó. Vinh đã được ông thầy người Áo nhìn nhận khác hơn, nhưng so với Quyến, anh vẫn chỉ là số 2.

HLV Alfred Riedl là người có công đưa Văn Quyến thành ngôi sao, nhưng có lẽ, cũng vì sự nuông chiều của ông mà “thằng Béo” trở nên ngỗ ngược.

Đội tuyển U23 ở Bacolod đi một mạch đến trận chung kết không mấy khó khăn, nhưng trận thua 0-3 trước người Thái một lần nữa chứng minh, HLV Alfred Riedl vẫn chỉ là “Vua về Nhì”. Người hâm mộ VN tiếc nuối vì hai kỳ SEA Games liên tiếp, giấc mớ chạm đỉnh bị chặn lại trước cửa Thiên đường.

Hành trình thay Quyến làm thần tượng

Chưa hết buồn vì đội nhà thua trận, người hâm mộ tiếp tục phải nhận một thông tin gây sốc: đội tuyển U23 VN tổ chức bán độ ở SEA Games 2005 và trận gặp Myanmar chính là nút thắt quan trọng nhất.

Hàng triệu người sôi máu vì bị lừa hàng chục ngàn người phẫn nộ vì niềm tin bị phản bội. Họ không thể ngờ, những “đứa con” mà mình đặt trọn niềm tin, luôn yêu thương và chiều chuộng lại đang tâm bán rẻ Tổ quốc.

Sốc hơn, trong số những cầu thủ dính chàm, có tên “thằng Béo”. Xưa nay, người ta chỉ nghĩ Quyến ít học, tính khí ngông nghênh kiểu trẻ con và đôi khi làm hành xử bồng bột của tuổi mới lớn, nhưng không ngờ, nó dám làm… liều đến thế.

 Công Vinh và chiến tích tại AFF 2008

Người dám đứng ra tố cáo nhóm bán độ là đội trưởng Phan Văn Tài Em, nhưng Công Vinh cũng bị nghi nằm trong “nhóm lật đổ”. Nhiều thông tin khi đó còn cho rằng, vì “cố tình” ghi bàn vào lưới Myanmar (U23 VN thắng 1-0), Công Vinh bị một số cầu thủ đánh hội đồng khi về khách sạn. Lý do: Vinh đã “đá bể nồi cơm” của anh em.

Trận đó, U23 VN chỉ cần hòa nhưng lại “bắt” đội nhà phải thắng!

Một hình ảnh được ghi lại khi không hiểu vô tình hay cố ý: Khi Công Vinh ghi bàn, chỉ một vài cầu thủ (trong đó có Tài Em) ôm anh ăn mừng, các cầu thủ khác coi đó là chuyện… đương nhiên và không bộc lộ nhiều niềm vui. Điều này khác hẳn cách tất cả nhảy bổ vào người lập công, cười nói rộn ràng, hô hào quyết tâm đầy hứng khởi ở các trận trước đó. Phải chăng chứng cớ đã có từ lúc đó?

Văn Quyến và nhóm cầu thủ gồm Lê Quốc Vượng, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Lê Bật Hiếu đã phải hầu tòa và sống những chuỗi ngày tủi hổ trong thân phận của kẻ phản bội.

Ở chiều ngược lại, trong đống đổ nát, người hâm mộ đã thấy bóng dáng của một ngôi sao xứng đáng hơn, khiến họ yên tâm hơn “Cậu bé vàng” Phạm Văn Quyến: Đó là Lê Công Vinh.

Sau hành trình vừa vui, vừa buồn ở Bacolod, Công Vinh cứ thế thăng tiến như diều. anh không còn đối thủ nào xứng tầm hơn ở đội tuyển U23 VN và cả đội tuyển VN.

Phan Thanh Bình lùi về số 2 hoặc 3. Cựu binh Lê Huỳnh Đức giải nghệ sau mùa bóng 2004/2005. Những chân sút như Việt Thắng (ĐT.LA), Anh Đức (B.BD), Ngọc Thanh (Hải Phòng) hay một số tài năng trẻ kiểu Đình Việt (HAGL), Hà Minh Tuấn (Đà Nẵng) chưa bao giờ được coi là ngôi sao đích thực.

Công Vinh giành danh hiệu Quả bóng vàng VN

Công Vinh vì thế đã tạo ra cơn sốt thần tượng sân cỏ sâu sắc trong lòng người hâm mộ, sau Quyến.

Lời khẳng định mình là số 1 của Vinh rực rỡ nhất là năm 2007, 2008. Ở triều đại Alfred Riedl, Công Vinh là chân sút không thể thiếu trên hàng công. Anh tỏa sáng trước các đối thủ mạnh như UEA, Qatar, Iraq. Đặc biệt, bàn thắng vào lưới UAE sau pha bứt tốc, khống chế hoàn hảo đã đưa Công Vinh đi vào lịch sử.

Còn ở AFF Cup 2008, niềm tin của HLV Calisto đã giúp Công Vinh vươn đến đỉnh cao. Cú đánh đầu thành bàn phút bù giờ trong trận chung kết với Thái Lan đến giờ vẫn được coi là khoảnh khắc thăng hoa bậc nhất của bóng đá VN trong nhiều năm trở lại đây.

Và Công Vinh, từ khi thay thế Văn Quyến, đã không bao giờ bị coi là số 2!


Theo Bóng Đá Toàn Cầu

Bình luận
vtcnews.vn