Bí thư Xuân Anh thị sát 'điểm nóng' bãi rác Khánh Sơn

Thời sựThứ Ba, 17/05/2016 05:00:00 +07:00

Sáng nay (17/5), ông Nguyễn Xuân Anh cùng cán bộ của các sở, ngành hữu quan đã thị sát điểm nóng bãi rác Khánh Sơn.

Sáng nay (17/5), ông Nguyễn Xuân Anh cùng cán bộ của các sở, ngành hữu quan đã thị sát điểm nóng bãi rác Khánh Sơn.

Chuyến thị sát của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại bãi rác Khánh Sơn, “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP lần này khác với cách đây 6 tháng. Nguyên do là bãi rác khổng lồ này không còn quá ngập ngụa mùi hôi thối.


Vào trung tâm bãi rác không cần đeo khẩu trang!

Nếu cách đây 6 tháng, chỉ cần đứng ở ngã ba đường Hoàng Văn Thái và đường dẫn vào bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) đã không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc ra nồng nặc thì trong chuyến thị sát sáng nay 17/5, ông Nguyễn Xuân Anh cùng cán bộ của các sở, ngành hữu quan đã có thể vào đến tận trung tâm bãi rác mà không cần phải đeo khẩu trang.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (giữa) thị sát bãi rác Khánh Sơn vào sáng 17/5
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (giữa) thị sát bãi rác Khánh Sơn vào sáng 17/5 

Để có được điều này, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, ngay trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, các đơn vị chức năng đã triển khai thực hiện ráo riết các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng. Tại khu vực bãi chôn lấp, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã đầu tư gần 4 tỉ đồng phủ đất và phủ bạt rộng tới 5,5ha đối với 3 hộc chôn lấp đã đóng cửa tạm thời để giảm thiểu mùi hôi và lượng nước rỉ ra.

Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Anh cùng đoàn công tác đã đến đứng và trao đổi công việc ngay trên khu vực xử lý phân bùn bể phốt dung tích 220m3, được đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 1/4. Ở đây mỗi ngày tiếp nhận, xử lý nước, bùn lắng của hơn 80 tấn phân từ các nhà vệ sinh, hầm vệ sinh... trên toàn TP Đà Nẵng nhưng mùi hôi cũng không đáng kể.

Ông Nguyễn Xuân Anh nói: “Ở đây có nhiều anh đã cùng lên bãi rác này với tôi cách đây 6 tháng. Giờ thấy có đỡ hôi hơn nhiều không? Chắc chắn bãi rác mà... thơm thì không phải là bãi rác nữa, nhưng xử lý được mùi hôi như thế này là rất đáng ghi nhận. Kể cả ruồi cũng hầu như không thấy nữa, chứ lần trước tôi vô là nó bu dày đặc”.

Vì sao người dân không kéo ra gặp Bí thư Thành ủy nữa?

Ông Nguyễn Xuân Anh đứng ngay trên bể phốt bãi rác để  nghe các đơn vị báo cáo tình hình. (Ảnh: HC)
Ông Nguyễn Xuân Anh đứng ngay trên bể phốt bãi rác để nghe các đơn vị báo cáo tình hình. (Ảnh: HC)  
Nay ông Nguyễn Xuân Anh trở lại. Bãi rác Khánh Sơn vẫn có nhiều người dân đang kiếm sống nhưng có một điều lạ là không thấy có ai kéo tới gặp ông như trước nữa.

Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, ông Võ Công Chánh nói: “Sau khi Bí thư Thành ủy chỉ đạo thì Ủy ban, các ngành của TP cùng với quận đã quyết liệt triển khai nên sau mấy tháng đã thay đổi hoàn toàn một điểm nóng ô nhiễm suốt bao nhiêu năm. Nếu tình hình không được cải thiện thì bữa nay Bí thư lên thị sát, người dân đã kéo tới rồi. Như lần trước đó, họ kéo ra đông nghịt luôn!”.


Theo ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, vấn đề còn lại lớn nhất hiện nay là khu vực lò đốt chất thải nguy hại và chất thải y tế. Tại đây, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã sửa chữa, nâng cấp, điều chỉnh thời gian vận hành 2 lò đốt chất thải nguy hại công suất 100kg/h và 200kg/h.

Tuy nhiên vẫn còn tình trạng khói đen khiến người dân phản ảnh và kiến nghị Công ty thực hiện đúng quy trình vận hành lò đốt để không xảy ra tình trạng nêu trên.


6 tháng trước, ngày 23/10/2015, chuyến đi thực tế đầu tiên trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng của ông Nguyễn Xuân Anh là bãi rác Khánh Sơn, nơi trước đó 2 ngày đã xảy ra vụ người dân quyết liệt chặn xe chở rác vào bãi.

Ông nhận ra người dân phải sống khổ bên bãi rác ô nhiễm trầm trọng với mùi hôi thối, ruồi nhặng, nước rác rỉ ra ngoài.... Từ chuyến đi thực tế này, ông Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương liên quan có giải pháp dứt điểm đối với bãi rác này.
Chúng tôi gặp một chị phụ nữ tên Mai đang đi vào bãi rác Khánh Sơn để nhặt phế liệu về bán kiếm tiền. Nhà chị ở ngay khu vực Khánh Sơn và chị cũng cho biết: “Bây giờ đỡ hơn nhiều lắm rồi, không còn quá hôi hám, ô nhiễm như trước. Người dân ở đây ai cũng mừng hết. Chỉ có điều chỗ lò đốt cứ chiều chiều là còn xả khói đen thôi!”.

Hỏi sao chị và người dân quanh đó không kéo tới gặp Bí thư Thành ủy như lần trước nữa, chị trả lời tỉnh queo: “Lần trước mình phản ảnh, ổng giải quyết rồi thì chừ mình lo đi làm đi ăn chứ tới gặp ổng chi nữa!”.


Tầm soát ung thư cho người dân trong bán kính 1km


Cũng theo ông Đàm Quang Hưng, bên cạnh việc xử lý ô nhiễm, lãnh đạo TP Đà Nẵng còn chỉ đạo thực thi nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân ở khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Thực hiện chỉ đạo này, đến nay quận Liên Chiểu đã mua thẻ BHYT năm 2016 cho 272 hộ với 513 nhân khẩu (còn 287 hộ do chủ hộ đã tự mua thẻ BHYT hoặc hết thời hiệu sử dụng thẻ BHYT, UBND quận Liên Chiểu cũng sẽ tổ chức mua theo diện hỗ trợ).

hị Mai làm nghề nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn: Lần trước mình phản ảnh, ổng (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - PV) giải quyết rồi thì chừ mình lo đi làm đi ăn chứ tới gặp ổng chi nữa!” (Ảnh: HC)
hị Mai làm nghề nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn: "Lần trước mình phản ảnh, ổng (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - PV) giải quyết rồi thì chừ mình lo đi làm đi ăn chứ tới gặp ổng chi nữa!” (Ảnh: HC) 

UBND quận cũng giao Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Chi nhánh Cấp nước Liên Chiểu thực hiện hỗ trợ nước sạch (bằng cách khấu trừ tiền sử dụng nước) cho hàng ngàn người dân trong khu vực này; đồng thời trực tiếp ký hợp đồng với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tổ chức khám bệnh và tầm soát ung thư cho 322 người đang nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn trong tháng 6.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương chọn địa điểm đầu tư xây dựng trường mầm non, khu vui chơi và sân thể thao cho khu vực Khánh Sơn với diện tích 13.069m2. Hiện UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương hoàn thiện thiết kế tổng mặt bằng để trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

“Chế độ chính sách đối với khu vực này thì TP giải quyết cho tất cả các hộ dân sống trong vòng bán kính 1km quanh bãi rác Khánh Sơn, miễn phí về bảo hiểm y tế, nước sạch, khám bệnh và tầm soát ung thư... Tất cả những yêu cầu chính đáng của người dân mà TP có thể giải quyết được thì giải quyết cho nhân dân!” – ông Nguyễn Xuân Anh nêu rõ.

“Điểm nóng” bãi rác Khánh Sơn sẽ trở thành... công viên!

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, giải quyết vấn nạn bãi rác Khánh Sơn là một trong những dự án ưu tiên trọng điểm của Đà Nẵng để xử lý vấn đề môi trường. Tất nhiên xử lý các vấn đề về môi trường cần phải có thời gian chứ không thể chỉ một sớm, một chiều. Nhưng qua 6 tháng, tình hình của bãi rác Khánh Sơn đã được cải thiện rất đáng kể. Lãnh đạo TP Đà Nẵng rất biểu dương các sở, ban, ngành, quận Liên Chiểu cũng như Công ty Môi trường đô thị.

Ông Nguyễn Xuân Anh kiểm tra quy hoạch bãi rác mới và giao quận Liên Chiểu chịu trách nhiệm quản lý tốt quy hoạch ở khu vực này (Ảnh: HC)

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho hay, trong tương lai gần, bãi rác Khánh Sơn sẽ được đóng cửa hoàn toàn; phủ đất, trồng cây xanh để tiến tới chỉnh trang cảnh quan, xây dựng công viên do khu vực này nằm dọc tuyến đường du lịch Hoàng Văn Thái.

Trong khi đó, bãi rác chính của Đà Nẵng sẽ được dời đến vị trí mới đã quy hoạch xong địa điểm. Theo đó, bãi rác mới sẽ rộng 100ha, nằm phía bên kia đèo Đại La, cách hẳn khu dân cư Khánh Sơn bằng một... ngọn núi và sẽ có  tuyến đường 1,3km được xây dựng, nối bãi rác Khánh Sơn với bãi rác mới.


“Thành ủy giao UBND TP trong năm 2016 hoàn tất công tác chuẩn bị để qua năm 2017 kêu gọi đầu tư xây dựng bãi rác mới thay thế bãi rác Khánh Sơn. TP sẽ tổ chức đấu thầu các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất và có thể sẽ có vài nhà máy chứ không chỉ có 1 cái, để đảm bảo trên 90% lượng rác đưa về đó sẽ được xử lý và chỉ có khoảng 10% phải chôn lấp. Phải hạn chế đến mức tối đa việc chôn lấp rác thải để tránh nguy cơ gây ô nhiễm về sau!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Cũng liên quan tới bãi rác Khánh Sơn, ông Đàm Quang Hưng cho hay, tại khu vực trạm xử lý nước rỉ rác do Công ty TNHH Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc Việt quản lý, Sở TN-MT đã họp thông qua phương án cải tạo và nâng cấp. Dự kiến trong tháng 9, sau khi kết thúc hợp đồng với Công ty Quốc Việt, UBND TP Đà Nẵng sẽ chuyển giao cho Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng có trách nhiệm quản lý, nâng cấp, cải tạo và điều hành trạm xử lý nước rỉ rác này.

Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết thêm, đã chủ trì họp vói các chuyên gia môi trường, các sở, ngành để nghe 3 đơn vị là Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty CP Kỹ thuật SEEN và Công ty CP Công nghệ môi trường và Xây dựng Đà Nẵng báo cáo phương án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác mới có công suất 1.000m3/ngày, đảm bảo xử lý triệt để nước rỉ rác. Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, hiện 3 đơn vị đang rà soát, tính toán lại công nghệ, chi phí đầu tư, đơn giá để gửi lại Sở TN-MT xem xét, báo cáo UBND TP.

Tại nhà máy phân loại, tái chế rác do Công ty CP Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư đã thực hiện đưa một phần rác sau phân loại vào bên trong nhà xưởng để hạn chế phát sinh mùi, đối với rác có kích thước lớn vẫn còn để bên ngoài nhưng phủ bạt. Hiện công ty đang xây dựng thêm nhà xưởng chứa toàn bộ rác sau phân loại.


Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn