Cử tri Hà Nội: ‘Ăn cũng chết, không ăn cũng chết’

Thời sựThứ Bảy, 07/05/2016 07:55:00 +07:00

Cử tri bày tỏ sự lo lắng về thực phẩm bẩn đang lan tràn và đòi hỏi Quốc hội phải có quốc sách chú ý đến đời sống nhân dân.

(VTC News) – Cử tri bày tỏ sự lo lắng về thực phẩm bẩn đang lan tràn và đòi hỏi Quốc hội phải có quốc sách chú ý đến đời sống nhân dân.

Ngày 6/5, trong hội nghị tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, nhiều cử tri đã nêu ra rất nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp kịp thời.

Hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội (Ảnh: Phạm Thịnh)
Hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Bày tỏ sự tin tưởng cao các ứng viên tại đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội, cử tri Đỗ Thị Kim Oanh, phường Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) cho rằng các ứng viên đều có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để trở thành đại biểu Quốc hội. Vì vậy, bà Oanh cho rằng nếu ai được trở thành đại biểu Quốc hội thì cần nghiên cứu các quyết sách của Quốc hội phải gần dân.

“Hiện, nhân dân đều quan tâm đến an ninh Tổ quốc, vị nào trúng cử phải báo cáo Quốc hội có quyết sách để ngăn chặn việc xâm phạm chủ quyền của đất nước”, cử tri Oanh nói.

Bên cạnh đó, là người thường xuyên lo bữa ăn trong gia đình, bà Oanh bày tỏ sự lo lắng về vấn nạn thực phẩm bẩn đang lan tràn trong thời gian gần đây. Đây là điều khiến dư luận hết sức bức xúc.

“Ngoài ra, tôi cực kỳ lo lắng về thực phẩm, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, nên Quốc hội phải có quốc sách chú ý đến đời sống nhân dân”, bà Oanh bày tỏ.

Các cử tri nêu nhiều vấn đề bức xúc cần phải giải quyết hiện nay (Ảnh: Phạm Thịnh)
Các cử tri nêu nhiều vấn đề bức xúc cần phải giải quyết hiện nay
(Ảnh: Phạm Thịnh)
 

Các cử tri nêu nhiều vấn đề bức xúc cần phải giải quyết hiện nay (Ảnh: Phạm Thịnh)
Các ứng viên đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến góp ý của các cử tri

Trong khi đó, cử tri Trần Công Dân (phường Thành Công, Ba Đình) nhấn mạnh các vị trúng cử đại biểu Quốc hội phải “Lắng nghe dân nói thì nói dân mới nghe, tổ chức làm thì dân mới làm theo”.

Cử tri Dân cũng đánh giá cao chương trình hành động ngắn gọn của Tổng Bí thư bởi đó cũng là tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri.

Cùng quan điểm này, cử tri Trương Đức Ngãi, phường Cống Vị, Ba Đình mong muốn đại biểu Quốc hội phải là người thực sự gần dân, hiểu dân, nghe dân và lo cho dân thì mới thực sự là người đại biểu của dân ở cơ quan quyền lực cao nhất.

“Muốn yên dân thì ai ứng cử phải phát huy vai trò đại biểu, có những chủ trương, chính sách lo cho dân sinh. Đồng thời, tiệt trừ nạn tham nhũng, tệ lãng phí, lợi ích nhóm ra khỏi đời sống”, cử tri Ngãi nói.

Còn cử tri Nguyễn Văn Hiệp, quận Hoàn Kiếm cũng bày tỏ mong muốn đại biểu Quốc hội phải nói không với tham nhũng quan liêu và đẩy lùi tham nhũng.

“Không để tiền của Nhà nước thực chất là tiền của nhân dân bị những con sâu đục khoét,  đến khi phát hiện ra thì không còn tiền nữa. Phải làm mạnh hơn nữa, Đảng viên mà vi phạm, cùng một tội nhưng phải phạt nặng gấp đôi so với người bình thường”, ông Hiệp nói.

Video: Khi nghệ sĩ tự ứng cử đại biểu Quốc hội


Thay mặt các ứng cử viên trong đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xin tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm của cử tri.

Tổng Bí thư lưu ý các ứng cử viên trong chương trình hành động của mình phải làm cho tốt. Không phải chỉ hứa, rồi ghi trong văn bản mà phải làm cho tốt hơn.

Danh sách 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIV TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ:

1.Ông Nguyễn Doãn Anh: sinh năm 1967, quê xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Nơi cư trú: phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học, ngành chỉ huy Tham mưu Binh chủng Hợp thành; Cao cấp chuyên ngành quân sự.  Lý luận chính trị: Cao cấp. Nghề nghiệp, chức vụ: Thiếu tướng, Phó Bí thư đảng ủy, Tư Lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ngày vào Đảng: 3/4/1987. Đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011 – 2016.

2.Ông Phạm Xuân Anh: sinh năm 1972, quê xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nơi cư trú: phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học xây dựng, Kỹ sư kinh tế xây dựng. Học hàm học vị: Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng. Ngày vào Đảng: 21/3/2002.

3.Ông Phan Thành Chung: sinh năm 1963, quê xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Nơi cư trú: phố Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Chuyên môn, nghiệp vụ: Cử nhân Luật, Cử nhân Hành chính. Lý luận chính trị: Cao cấp. Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng Công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Xây dựng Việt Nam khóa VII. Ngày vào Đảng: 4/10/1987.

4.Bà Trần Thị Phương Hoa: sinh năm 1975, quê xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Nơi cư trú: phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Chuyên môn, nghiệp vụ: Cử nhân Kinh tế chuyên ngành sản xuất Kinh doanh; Cử nhân chính trị. Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Ngày vào Đảng: 14/9/1996.

5.Ông Nguyễn Phú Trọng: sinh năm 1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Nơi cư trú: phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành Ngữ văn. Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học. Lý luận chính trị: Cao cấp. Nghề nghiệp, chức vụ: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương. Ngày vào Đảng: 19/12/1967. Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn