CSGT thấp lùn bụng phệ phải luân chuyển: Cao to đẹp trai để làm gì?

Thời sựThứ Tư, 20/04/2016 05:00:00 +07:00

Cho dù anh CSGT có đẹp trai, cao 1m80 đi chăng nữa mà thái độ với công việc, với nhân dân mà không tốt thì cũng không có nghĩa lý gì.

(VTC News) – Cho dù anh CSGT có đẹp trai, cao 1m80 đi chăng nữa mà thái độ với công việc, với nhân dân mà không tốt thì cũng không có nghĩa lý gì.

Mới đây, tại một buổi sơ kết đánh giá hiệu quả các chiến dịch triển khai của Phòng CSGT Hà Nội (PC67 – Công an Hà Nội), Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, để cải thiện hình ảnh thân thiện của cán bộ, chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ Tuần tra kiểm soát trên đường trong mắt người dân, đối với những cán bộ CSGT thấp bé, bụng phệ sẽ được chuyển sang làm công tác văn phòng.

Trả lời trên Báo Giao thông, Đại uý Nguyễn Phương Dung, Đội trưởng Đội chính trị, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội nói thêm, Phòng CSGT công an thành phố đã ra thông báo chỉ đạo các Đội, trạm CSGT trên địa bàn tiếp tục rà soát, kiểm tra cán bộ, chiến sỹ CSGT thấp bé, bụng phệ để thực hiện việc luân chuyển công tác về làm công việc văn phòng.  

Theo như lãnh đạo PC67, thì việc làm này nhằm mục đích tạo hình ảnh người chiến sĩ CSGT đẹp trong mắt người dân.

Tuy nhiên, sau đó thông tin này nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.

Đẹp ở thái độ chứ không phải hình thức

Ông Nguyễn Trung Tín (cán bộ quân đội về hưu) cho biết: “Nội dung và hình thức đều quan trọng và nó có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu một anh CSGT mà có hình thức đẹp cộng với tác phong, thái độ làm việc tốt thì chắc chắn sẽ tuyệt vời trong mắt người dân.

Việc điều động cán bộ thấp lùn, bụng phệ về làm công tác văn phòng cũng được, nhưng phải làm thật khéo không thì sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng chiến sỹ.

Cái gì cũng có chủ yếu và thứ yếu. Trong vấn đề này, thì nên để thái độ ứng xử trong làm việc, với người dân làm chủ yếu và hình thức bên ngoài làm thứ yếu. Trong mắt người dân, người Cảnh sát Nhân dân đẹp ở thái độ và hành động chứ không đẹp ở hình thức.”

Nhiều người đồng tình, hình ảnh CSGT đẹp ở thái độ, trách nhiệm với công việc và nhân dân chứ không ở hình thức. Ảnh minh họa
Nhiều người đồng tình, hình ảnh CSGT đẹp ở thái độ, trách nhiệm với công việc và nhân dân chứ không ở hình thức. Ảnh minh họa 

Còn anh Lê Đức Anh (sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội) thì đánh giá: “Theo em thì không nên làm như vậy, có thể những người CSGT béo lùn, bụng phệ chắc gì họ đã làm xấu hình ảnh. Biết đâu họ là những người có tâm, có trách nhiệm nhiệt tình trong công việc, có năng lực… tóm lại, không nên đánh giá qua vẻ bề ngoài.”

Anh Đức Anh đặt ngược câu hỏi: “Chắc gì những người có vẻ bề ngoài đẹp đã làm tốt công việc?”

Nhận xét về cách làm của PC67, anh Anh bày tỏ: “Theo em đây là một cách làm sai lầm, cần phải có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về vấn đề này. Thay vì việc chú trọng vào hình thức thì CSGT Hà Nội nên chú trọng vào việc siết chặt thái độ của chiến sỹ CSGT với công việc và người dân. Với công việc cần tận tụy, trách nhiệm, với người dân thì nhã nhặn lịch sự… Hình thức không đánh giá được con người của họ.”

Video: Người dân nói gì về việc CSGT bụng phệ, béo lùn phải luân chuyển công tác


Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Hải, hành nghề xe ôm đã 10 năm nay quanh khu vực bờ Hồ nói: “Hình thức là một phần nhưng quan trọng là thái độ của người CSGT với nhân dân. Thái độ tốt, đứng mực sẽ tạo nên hình ảnh tốt.”

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhàn (54 tuổi, kinh doanh tự do) ví von: “Một anh CSGT cao đến 1m80 mà có thái độ không nhã nhặn với người dân, không tận tụy với công việc thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cả. Cao to đẹp trai để làm gì? Cái người dân cần là thái độ phục vụ nhân dân.”

Câu chuyện “bố” Đoàn và bài học hình ảnh CSGT đẹp

Thời gian qua, không ít những clip phát tán trên mạng xã hội phản ánh thái độ làm việc không đúng của CSGT Hà Nội. Dẫu biết rằng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh nhưng không thể phủ nhận rằng chính những con sâu ấy đã phần nào làm xấu đi hình ảnh người chiến sỹ cảnh sát trong mắt nhân dân.
 
Song bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều gương chiến sỹ, cán bộ CSGT tận tụy với nghề nghiệp, với nhân dân. Thậm chí xả thân vì nhiệm vụ như thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội Cảnh sát giao thông số 5, bị xe tải kéo lê 20m khi đang làm nhiệm vụ.

Như trung tá Phạm Văn Tuyến - Đội phó Đội CSGT số 14, khi đang làm nhiệm vụ phát hiện thanh niên có biểu hiện ngáo đá. Trong lúc lại gần trấn áp đối tượng, anh hắn dùng gạch ném gãy tay. 

Và chắc hẳn rất nhiều người dân thủ đô đến giờ vẫn luyến tiếc với hình ảnh Thượng tá Lê Đức Đoàn, Chiến sỹ Cảnh sát giao thông thuộc Đội 1, Phòng CSGT Hà Nội khi về hưu năm 2014.

Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội Cảnh sát giao thông số 5, bị xe tải kéo lê 20m khi đang làm nhiệm vụ.
Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội Cảnh sát giao thông số 5, bị xe tải kéo lê 20m khi đang làm nhiệm vụ. 

Ngày trước, cánh tài xế đi qua cầu Chương Dương đã quá quen với “ông già” Đoàn. Thậm chí, họ còn thân mật gọi CSGT này là “bố”. Hình ảnh những chiếc xe đi qua, các bác tài đưa tay chào “bố” Đoàn, hay những câu hỏi “hôm nay bố trực à” đã trở nên quen thuộc.

Thực tình mà nói, với cánh tài xế thì họ thấy CSGT luôn có cảm giác gì đó “gờn gợn”, và e sợ.  Sở dĩ với “bố” Đoàn CSGT mọi người có thể thân thiện đến như vậy cũng do thái độ của ông với công việc, và với người dân.

Vi phạm pháp luật là phải xử phạt theo đúng quy định. Tuy nhiên, với những lỗi nhỏ, “bố” luôn chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng rồi cho đi, kèm với đó là những lời dặn dò chân tình, đầy trách nhiệm để lần sau không mắc phải. Kèm theo đó luôn là nụ cười thân thiện.
Tài xế chạy qua cầu Chương Dương giơ tay chào bố Đoàn và nhận lại hành động tương tự. Ảnh Zing
Tài xế chạy qua cầu Chương Dương giơ tay chào "bố" Đoàn và nhận lại hành động tương tự. Ảnh Zing 

Đó có thể coi là một minh chứng rõ ràng cho thấy: Hình ảnh người Cảnh sát Nhân dân đẹp ở trách nhiệm với công việc, thái độ với nhân dân chứ không phải đẹp ở hình thức.

Chia sẻ với PV VTC News về vấn đề này, ông Lê Đức Đoàn nói: “Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT ngoài khuôn dung ra, thì cái quan trọng nhất vẫn là thái độ văn hóa ứng xử đối với những người dân mình tiếp xúc.”

Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên Chiến sĩ Cảnh sát giao thông thuộc Đội 1, người được cánh lái xe gọi thân mật là bố Đoàn.
Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên Chiến sỹ Cảnh sát giao thông thuộc Đội 1, người được cánh lái xe gọi thân mật là "bố" Đoàn.  

Bằng thực tiễn nhiều năm công tác, ông Đoàn chia sẻ với những chiến sỹ CSGT đang tiếp tục nhiệm vụ: “Với người chiến sỹ, đầu tiên phải nắm vững nghiệp vụ, nắm chắc luật pháp… như vậy khi giải quyết tình huống mới thấu tình đạt lý. Người vi phạm mắc lỗi bị xử phạt cũng thấy tâm phục.”

Ông Đoàn nhấn mạnh: “Cái quan trọng nhất để giữ hình ảnh đẹp của người CSGT là thái độ phục vụ nhân dân, ứng xử của mỗi con người với người vi phạm, là trách nhiệm mỗi cán bộ chiến sỹ với công việc, với đất nước.”

Nói về công việc mà bản thân đã gắn bó, ông Đoàn trải lòng: “Tất cả những chia sẻ trên là những điều tôi đã làm, đã sống… và ít nhiều đã được người dân ghi nhận. Mặc dù nó chỉ như hạt cát thôi. Nhưng tôi vui vì đã làm hết trách nhiệm với công việc, tận tụy hết lòng với nhân dân.”


Đức Thuận

Bình luận
vtcnews.vn