Liên tiếp động đất khủng khiếp: Điều gì đang xảy ra với địa cầu của chúng ta?

Thời sựThứ Ba, 19/04/2016 06:00:00 +07:00

Điều gì đang xảy ra trên địa cầu của chúng ta khi chỉ trong vài ngày đã xảy ra hàng loạt trận động đất với sức tàn phá khủng khiếp?

(VTC News) - Điều gì đang diễn ra trên địa cầu của chúng ta khi chỉ trong vài ngày đã xảy hàng loạt trận động đất với sức tàn phá khủng khiếp?

Chỉ trong một tuần qua, trên thế giới đã xảy ra hàng loạt trận động đất mạnh khiến hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương, cả triệu người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Các trận động đất này đều rất mạnh, cụ thể ở Myanmar có cường độ 6,9 độ Richter xảy ra ngày 13/4, Nhật Bản có cường độ 6,4 độ Richter (ngày 14/4) và 7,3 độ Richter (ngày 16/4), Ecuador có cường độ 7,8 độ Richter (ngày 16/4).

 

Những hình ảnh "rợn người" sau 2 vụ động đất lớn tại Nhật Bản.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 tới nay cũng đã ghi nhận ít nhất 4 trận động đất xảy ra ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đây đều là các trận động đất yếu. Gần nhất, ngày 13/4 tại đây đã xảy ra động đất có cường độ 3 độ Richter.

Chỉ trong một thời gian ngắn trên thế giới đã xảy ra quá nhiều trận động đất lớn với sức tàn phá khủng khiếp. Điều này khiến nhiều người phải sợ hãi và đặt câu hỏi rằng, điều gì đang xảy ra trên địa cầu của chúng ta?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam.

Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, theo lý thuyết kiến tạo mạng thì bề mặt Trái đất được chia ra thành nhiều mảng kiến tạo và tất cả chúng đều di chuyển. Khi các mảng kiến tạo dịch chuyển và va chạm vào nhau, ở ranh giới giữa chúng tạo ra các đới đứt gãy thuận lợi cho phát sinh các hoạt động động đất, núi lửa.

Nhiều nhà cao tầng ở Ecuador bị san phẳng sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter.

Các trận động đất ở Nhật Bản, Ecuador, Myanmar vừa qua đều nằm trong những vùng kiến tạo địa chất được dự báo có thể xảy ra các trận động đất mạnh và rất  mạnh. Vấn đề là nó xảy ra lúc nào, sớm hay muộn mà thôi.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc dự báo chính xác thời gian xảy ra động đất vẫn là vấn đề mà các nhà khoa học chưa thể đưa ra câu trả lời.

Video: Người dân Nepal hoảng loạn sau động đất kinh hoàng


"Việc liên tiếp xảy ra động đất tại những khu vực này trong một khoảng thời gian ngắn như vừa qua là ngẫu nhiên, khi các đới đứt gãy tích tụ năng lượng đủ lớn, nó sẽ xảy ra các trận động đất," ông Anh nói.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết thêm, trong thời gian tới, các khu vực nói trên hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra động đất. Tuy nhiên, việc nó xảy ra vào thời điểm cụ thể nào thì chưa thể dự báo được.


Ngoài Nhật Bản, Ecuador và Myanmar thì những khu vực như Chile, Nepal, Indonesia… là những nơi dễ xảy ra động đất mạnh.

Video: Em bé sống sót thần kỳ trong trận động đất ở Nhật Bản


Về tình hình động đất ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Anh xác nhận, thời gian vừa qua xuất hiện nhiều trận động đất tại Bắc Trà My, Quảng Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là những trận động đất có độ lớn yếu với cường độ nhỏ hơn 4 độ Richter.

"Những trận động đất ở đây có bản chất là động đất kích thích do hồ chứa thủy điện gây ra, không liên quan đến những trận động đất mạnh xảy tại Nhật Bản, Ecuador và Myanmar," ông Xuân Anh khẳng định.


Cũng theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu,
ngoài khu vực Bắc Trà My, ở Việt Nam hoạt động động đất xảy ra mạnh mẽ nhất ở khu vực Tây Bắc. Sắp tới, Viện Vật lý địa cầu sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh giá nguy hiểm và phân vùng động đất trên lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1/500000.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn