Ông Dương Trung Quốc: ‘Nên giã từ lời xin lỗi đi’

Thời sựThứ Ba, 05/04/2016 11:50:00 +07:00

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng các bộ trưởng không nên chỉ xin lỗi mà hãy nhận lỗi và sửa lỗi để có sự thay đổi thực sự trong bộ ngành, lĩnh vực quản lý.

(VTC News) - Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng các Bộ trưởng không nên chỉ xin lỗi mà hãy nhận lỗi và sửa lỗi để có sự thay đổi thực sự trong bộ ngành, lĩnh vực quản lý.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định thái độ tiếp thu của Bộ trưởng Cao Đức Phát rất đáng ghi nhận và xin lỗi dân là một ứng xử đẹp.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Dương Trung Quốc (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Xét về góc độ văn hóa, lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát có thể được hiểu như thế nào, thưa ông?

Làm sai mà xin lỗi là cách ứng xử đáng khuyến khích. Nhưng tôi cho rằng nên giã từ lời xin lỗi đi. Nhận lỗi và sửa lỗi là chính. Điều đó mới đáng làm.

Vấn đề mà nhiều đại biểu đã phát biểu đó là chúng ta thiếu trách nhiệm cá nhân. Nếu có trách nhiệm cá nhân thì xử lý ngay thôi, từ dưới lên trên, không phải chỉ riêng ở khâu nào.

Đằng sau trách nhiệm cá nhân còn là lòng tự trọng của chính các vị ấy.

- Câu chuyện gì đặt ra sau sự việc Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi người dân vì phát ngôn của mình trước Quốc hội?

 

Làm sai mà xin lỗi là cách ứng xử đáng khuyến khích. Nhưng tôi cho rằng nên giã từ lời xin lỗi đi. Nhận lỗi và sửa lỗi là chính
Ông Dương Trung Quốc
 
Bộ trưởng phải đi đến cùng của sự thực. Nếu nói quá sự thật cũng không nên, mà nói thấp hơn sự thật cũng không nên, cho nên rất cần nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm phải đánh giá đúng mức như thế nào đó để đủ sức thuyết phục cho người dân.

Nếu đặt địa vị một người nước ngoài nào đọc báo thấy tình trạng như thế này thì không ai dám đến Việt Nam và cũng không ai dám ăn cái gì cả.

Nếu Bộ trưởng nói không đúng thì phải đưa ra bằng chứng, còn ngược lại Bộ trưởng nói đúng cũng phải đưa ra bằng chứng.

Tất nhiên một bài phát biểu giữa Quốc hội thì không thể diễn giải được nhiều, nhưng nhân sự việc này chúng ta làm đến cùng xem mức độ thực phẩm bẩn đến đâu. Đây chính là cơ hội mà cơ quan có trách nhiệm phải làm cho rõ.

Video: Nguyên văn phát biểu của Bộ trưởng Cao Đức Phát


- Có nhiều ý kiến cho rằng muốn hạn chế được thực phẩm bẩn tràn lan thì chúng ta phải có hình thức xử lý thật nặng hơn nữa?

Tôi thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đưa ra thông tin cho thấy chế tài xử lý là khá nặng. Nhưng từ “cái nặng” trong giấy tờ cho đến ngoài đời sống khác nhau.

Pháp luật thì không thiếu nhưng có đi vào đời sống hay không, bởi pháp luật bị méo mó, bị khúc xạ bởi những cái trung gian.

- Có ý kiến lo ngại về việc đưa sự thực thông tin về thực phẩm bẩn lan tràn sẽ khiến người dân hoang mang?

Tôi cho là minh bạch là quan trọng, nhưng minh bạch phải dựa trên khoa học và không thể cảm tính.

Tôi nghĩ sau lời xin lỗi của bộ trưởng, chúng ta có thể thông cảm, chia sẻ với Bộ trưởng nhưng Bộ trưởng phải đưa ra thông điệp chính xác về kết luận của mình đúng đến mức độ nào. Vì nếu thực trạng không nắm được thì chúng ta không bao giờ khắc phục được.

Đừng nên giấu sự thật.

Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi người dân qua Facebook. Ảnh: Báo Lao động.
Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi người dân sau phát ngôn gây bức xúc. Ảnh: Báo Lao động. 

- Liệu vấn đề có bị bỏ ngỏ khi Bộ trưởng sắp hết nhiệm kỳ không, thưa ông?

Dẫu sao nhiệm kỳ Bộ trưởng có thể không đi trọn vẹn nhưng người tiếp tục phải nhìn câu chuyện kế thừa của các Bộ trưởng sau. Kế thừa là cả những di sản tích cực và tiêu cực.

Các vị Bộ trưởng phải kế thừa nhau, chứ không thể xóa bỏ hết cả những cái người đi trước đã làm.

- Trong nhiệm kỳ vừa rồi, ông đánh giá lĩnh vực nào mà người đứng đầu lẽ ra nên có tiếng nói nhận trách nhiệm sớm hơn về việc đã để xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận?

Mặt bằng chung của chúng ta là thiếu trách nhiệm cá nhân, cái gì cũng trách nhiệm tập thể cả. Đó là chưa kể đời sống xã hội phát triển ngày càng phức tạp.

Tôi đã từng phát biểu không nên chất vấn từng Bộ trưởng, nếu có thì chỉ chất vấn ở những phiên họp của các ủy ban về những vấn đề rất cụ thể.

Đã lên diễn đàn quốc hội thì phải là chất vấn Thủ tướng và các phó Thủ tướng, và đứng đằng sau mới là các Bộ trưởng có liên quan.

Tôi ví dụ câu chuyện thực phẩm bẩn không phải riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà còn có cả trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ máy chính quyền địa phương. Thực chất, bộ máy chính quyền địa phương mới là quan trọng bởi vì là lực lượng thực thi luật pháp.

- Vừa qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa có nói rằng nếu nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng quyết liệt hơn trong việc xử lý một số lãnh đạo địa phương, bộ ngành thì tình hình có thể sẽ khác?

Điều đại biểu Nghĩa phát biểu là chân lý rõ ràng, không có gì phải bàn cãi thêm. Ở Quốc hội lần này cũng đã có vị đại biểu nhắc đến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm, là chỉ sợ mất cán bộ thôi.

Làm gì có chuyện mất cán bộ, thiếu gì người giỏi người tài. Cơ chế của chúng ta vẫn là một cơ chế xin cho, và một cơ chế chia sẻ quyền lợi nhiều hơn là cơ chế vì sự phát triển.

- Xin cảm ơn ông!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn