Đại biểu Đỗ Văn Đương: 'Ăn hết rồi lấy đâu ra mà chi'

Thời sựThứ Ba, 29/03/2016 03:20:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đã dùng cách nói ví von để nói về công tác phòng chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền đang là vấn nạn nhưng chưa thể giải quyết được.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội nêu ra bất cập trong bộ máy tổ chức của các cơ quan nhà nước.

Phát biểu tại hội trường sáng 29/3, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng hiện nay cơ chế, thể chế chằng chịt, nhiều mối quan hệ, cho nên những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ có nhiều nguyên nhân.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM)
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) 

“Vì sao cứ nói bộ máy nhà nước và biên chế, kể cả các tổ chức, các đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà cứ tăng. Theo tính toán, chi lương tốn gần 400.000 tỉ đồng/năm.

Nếu chi đủ thì tốn khoảng 1 triệu tỷ đồng, bằng ngân sách cả một năm của đất nước. Thế thì ăn hết rồi lấy đâu ra mà chi đầu tư phát triển?”, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu vấn đề.


Vị đại biểu này cho rằng vấn đề trong chính bộ máy tổ chức của các cơ quan nhà nước.

“Ví dụ luật tổ chức chính quyền địa phương ước tính tăng 22.000 biên chế hoạt động ở hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, việc giảm biên chế không làm được.

Có nguyên nhân trong tổ chức thực hiện, báo cáo hàng năm có 1% không hoàn thành nhiệm vụ trong khi dư luận râm ran có tới 1/3 cán bộ không làm được việc, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", nói mãi, nói nhiều”, ông Đương nói.


 

Cuộc đời ví người trong sạch giống như nước trong không có cá, mà người trong sạch thì không ai chơi.
Đại biểu Đỗ Văn Đương
 
Trước thực trạng này, đại biểu Đỗ Văn Đương đề xuất cần phải cắt giảm bộ máy hành chính bằng luật pháp; nhất thể hoá một số chức danh Đảng với chính quyền, chẳng hạn như ở Lào là huyện trưởng, tỉnh trưởng.


Làm được việc này để nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng, làm một nẻo, không sợ quyền lực tập trung vào một người.

"Tôi chỉ sợ nói không đi đôi với làm và sợ trách nhiệm. Đấy là cái người ta sợ nhất" - ông Đương nói.

Mặt khác, nên giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các đoàn thể sử dụng ngân sách nhà nước bằng cách hợp nhất lại, bớt cán bộ trung gian, cán bộ phong trào.

“Trực tiếp làm ra sản phẩm, làm lấy mà ăn, không làm được thì thôi, đừng có dựa dẫm ăn bám nhà nước”, ông Đương bức xúc nói.

Bên cạnh đó, ông Đương cũng đề cập đến vấn nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền được nhắc đến nhiều lần trong các kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội lần này. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được giải đáp.

“Dư luận râm ran có tình trạng chạy chức chạy quyền hay đó là sự thật? Vì sao người ta lại thích chạy và vì sao người ta chạy được?”, ông Đương đặt câu hỏi.

“Cái nạn chạy chức này tạo ra bất công rất lớn. Cuộc đời này còn nhiều “cô Tấm” trong sáng lắm nhưng cuộc đời ví người trong sạch giống như nước trong không có cá, mà người trong sạch thì không ai chơi. Lại bị nói là “quan hệ kém”, ông Đương ví von.

Hiện nay, việc đánh giá đạo đức cán bộ còn chung chung. Trong khi đó, những hành vi ngầm của người ta thì không ai kiểm soát được. Công chức cũng không chỉ “đút chân vào gầm bàn” mà phải lao động, phải ra sản phẩm và có cống hiến.

Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng phải nhìn nhận đánh giá lại việc có chạy chức chạy quyền không. Chạy chức chạy quyền không chỉ tạo bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng.

“Họ đi mua bán thì lại phải đi vơ vét để bù lại chi phí đã bỏ ra”, ông Đương nói.

Đại biểu Lê Nam: "Dân chán lắm rồi cán bộ chỉn chu, trau chuốt"
Nguồn: VTV

Vấn đề này nhạy cảm, phức tạp nhưng cũng phải làm vì nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ.

“Một cơ thể nhiều virus như thế, xâm hại chính thể như thế mà không có thuốc chữa. Thuốc chữa bắt phải uống. Nếu để họ tự uống thì không tự uống đâu. Cứ ban hành nhiều nghị quyết, nói nhiều không làm dẫn đến kháng thuốc, kích thích virus tham nhũng phát triển”, đại biểu Đương nói.

Vị đại biểu TP.HCM cũng hy vọng Chính Bộ Chính trị mới đưa ra quyết sách để tấn công nạn tham nhũng như tội phạm.

“Tôi tiếc là không đưa tội mua bán chức quyền vào trong bộ luật hình sự. Bây giờ chỉ trông chờ vào Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của Đảng ta. Nếu cứ nói nhiều thì dân nghe bảo các ông nói nhiều quá mà không xoay chuyển được tình hình thì tốt nhất là đừng nói nữa”, đại biểu Đương kết thúc chia sẻ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn