Sau chỉ đạo của Bí thư Thăng, TP.HCM quyết dẹp nạn ăn xin

Thời sựChủ Nhật, 13/03/2016 08:00:00 +07:00

Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, TP.HCM quyết tâm dẹp loạn nạn ăn xin, giả dạng nhà sư khất thực, giả bệnh, bán vé số... để xin ăn.

(VTC News) - Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, TP.HCM quyết tâm dẹp loạn nạn ăn xin, giả dạng nhà sư khất thực, giả bệnh, bán vé số... để xin ăn.
Chiều 12/3, trả lời phóng viên VTC News, ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM) cho biết, sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, các cơ quan chức năng liên quan đã và đang tiến hành thực hiện quyết tâm kéo giảm vấn nạn ăn xin, và giả dạng xin ăn trên địa bàn trung tâm TP, nhất là trong cao điểm các ngày lễ lớn, trong đó có ngày 30/4 sắp tới.
"Giải quyết vấn đề này là bài toán khó, cần phải có lộ trình và thời gian, cần phải có sự phối hợp xuyên suốt, quyết tâm cao giữa các sở ban ngành, các cấp. Chúng tôi không thể ngày một, ngày hai giải quyết, xóa bỏ hẳn tình trạng người ăn xin, cũng như những đối tượng giả dạng khất thực, bán vé số, tăm bông để xin ăn trên địa bàn TP" - ông Giang nói.
 Một thanh niên giả tàn tật, lăn lê bò lết bán vé số, người đi đường thấy thương tình cho tiền. Ảnh: Phan Cường

Ông Giang là 1 trong 3 người trực tiếp cầm đường dây nóng để có thể trả lời, xử lý những vấn đề "nóng" liên quan đến nạn ăn xin, giả dạng xin ăn cũng như các trường hợp khác xảy ra trên địa bàn TP. Trung bình ông tiếp nhận 15 cuộc gọi/ngày.
Theo ông Lê Chu Giang, 80% người ăn xin là ở các tỉnh, thành khác; TP sẽ làm việc với các tỉnh, thành đó bàn giải pháp căn cơ. Còn 20% người ăn xin có hộ khẩu TP.HCM thì các quận, huyện càng phải chú ý. Nếu gia đình có người ăn xin, địa phương phải đến đó, xem người dân cần gì thì hỗ trợ, tạo công ăn việc làm phù hợp.

“Chương trình an sinh xã hội của TP.HCM đầy đủ, không thiếu gì hết, tại sao lại phát sinh người ăn xin? Để TP văn minh có người ăn xin là không thể chấp nhận được. Nếu tiếp tục còn người ăn xin, địa phương phải chịu trách nhiệm” - ông Lê Chu Giang lưu ý.
Để xử lý tình trạng này, Sở đề nghị các quận huyện theo sát, hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật bán vé số. Nếu họ không nhận mà tiếp tục ra ngoài đường thì lập biên bản để có cơ sở xử lý. Với người đau yếu, bệnh tật ở ngoài đường, địa phương đưa đi chữa trị, hết bệnh sẽ cho tiền về quê.
Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra việc đăng ký tạm trú để kịp thời phát hiện những dấu hiệu chăn dắt người ăn xin. Thành hội Phật giáo TP.HCM cho biết không cấp giấy giới thiệu cho các nhà sư đi khất thực. Hiện, người khất thực trên đường phần lớn là sư giả nên địa phương có thể xử lý.
Được biết, từ tháng 12/2014 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận 2.285 trường hợp ăn xin nhưng 1.866 người đã được hồi gia. Theo đơn vị này, giải quyết vấn nạn ăn xin gặp khó khăn khi quy định thời gian thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng họ tại trung tâm bảo trợ không quá 3 tháng. Khi được hồi gia, dễ dẫn đến tình trạng tái phát.
Sở LĐTB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người dân 200.000 đồng khi báo tin về người ăn xin cho địa phương. Đơn vị này cũng kêu gọi cán bộ các quận, huyện, phường, xã trên đường đi cần tranh thủ phát hiện người ăn xin để xử lý. 

Sở LĐTB&XH duy trì ba đường dây nóng gồm 0903.959.929 (ông Giang trực tiếp trả lời), (08) 38.292.491 và (08) 35.533.258 để tiếp nhận tin báo về người ăn xin.

Video: Giả làm người tàn tật đi ăn xin 

Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn