Sập nhà cổ ở Hà Nội: Báo động tình trạng 'cha chung không ai khóc'

Thời sựThứ Năm, 24/09/2015 05:00:00 +07:00

Sập nhà cổ ở Hà Nội báo động tình trạng cha chung không ai khóc ở các tòa nhà cổ hiện nay trên địa bàn thành phố.

(VTC News) - Nhiều ngôi nhà cổ ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc" nên xuống cấp nhanh chóng, nguy cơ mất an toàn cao.

Sau sự cố sập nhà cổ số 107 Trần Hưng Đạo(quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều người dân lo lắng về chất lượng của rất nhiều ngôi nhà cổ khác đang được sử dụng ở Hà Nội. 
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 1.600 ngôi nhà cổ các loại do người Pháp xây dựng, từ 60 đến hơn 100 năm tuổi, được xếp vào dạng di sản, đa số nằm ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình. 
Trong đó, có 562 ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân, gần 1.100 ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước. Ngôi nhà cổ số 107 Trần Hưng Đạo vừa bị sập khiến 2 người tử vongthuộc diện sở hữu nhà nước.
'Cha chung không ai khóc'
Nói về vấn đề quản lý, sử dụng các biệt thự nói trên, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, hầu hết đang rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc".
Ông Thịnh chỉ rõ, thời điểm được xây dựng ở Hà Nội, đã phần nhưng ngôi nhà cổ này đều do một chủ sở hữu quản lý, sử dụng trong suốt quá trình, nên các công trình được duy tu, bảo trì rất tốt.
"Tuy nhiên thời gian sau này, chúng ta đã làm thay đổi toàn bộ công năng của biệt thự, trở thành nơi làm việc, thành chung cư, nhiều người ở, nên xảy ra tình trạng người dân tự cải tạo, phá vỡ kết cấu công trình khi làm thêm một số hạng mục" ông Thịnh nói.
Ngôi biệt thự cổ 107 nhìn từ hướng đường Trần Hưng Đạo 
Ông Thịnh khẳng định, việc người dân tự ý cải tạo, phá vỡ kết cấu công trình gây ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của công trình và đây là hệ lụy của tình trạng "cha chung không ai khóc" đối với các ngôi nhà cổ hiện nay.
Cũng theo ông Thịnh, những ngôi nhà Pháp cổ, thuộc tài sản công, được xếp vào dạng di sản nhưng lại không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về ai, bị bỏ mặc nên rất nhanh hỏng, nguy cơ sập đổ cao.
Đề xuất về phương án quản lý, duy tu các ngôi nhà cổ ở Hà Nội hiện nay, ông Lê Duy Thịnh cho rằng Nhà nước cần đứng ra thu hồi và cải tạo toàn bộ những công trình này. Sau đó, Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các công trình, quản lý việc cho thuê...
"TP Hà Nội nên mạnh dạn di dời các hộ dân đang sinh sống tại các biệt thự Pháp cổ trên địa bàn ra nơi tái định cư mới để thu hồi toàn bộ các biệt thự này. Sau đó cho cải tạo, sửa chữa" ông Thịnh 'hiến kế'.
"Nếu cải tạo được những ngôi biệt thự cổ, thì thành phố Hà Nội sẽ đẹp vô cùng. Chúng ta hãy thử tưởng tượng dọc các tuyến phố, các ngôi biệt thự cổ sẽ là điểm nhấn vô cùng ấn tượng" ông Thịnh nói thêm.
Một nguyên nhân dẫn đến các công trình nhanh chóng xuống cấp mà ông Thịnh nêu ra là do quá trình cải tạo, nâng cấp không phù hợp. 
Trách nhiệm vụ sập nhà cổ
Theo ông Lê Duy Thịnh, với tư cách là chủ sở hữu thì trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). 
"Khi phát hiện công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì Ban quản lý dự án đường sắt phải thực hiện các việc như: kiểm tra lại hiện trạng công trình; quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn đề phòng công trình có nguy cơ sập đổ" ông Thịnh cho hay.
Đơn vị này phải có trách nhiệm thông báo sự xuống cấp của công trình với chính quyền địa phương là UBND TP Hà Nội để tiến hành kiểm tra. Trên cơ sở báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt Khu vực 1, UBND TP Hà Nội sẽ có quyết định có tiếp tục cho sử dụng hay không sử dụng.
 Vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo khiến 2 người chết
Nếu nhận được thông tin công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì chính quyền địa phương phường có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn BQLDA đường sắt tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình, nếu cần thiết.
"Ngoài ra, chính quyền địa phương cần yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 thực hiện các biện pháp khẩn cấp như: hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn nếu công trình có nguy cơ sập" ông Lê Duy Thịnh cho biết.
Video: Thông tin mới nhất vụ sập nhà cổ ở Hà Nội

Trước đó như VTC News đã đưa tin, vào lúc 12h45 phút ngày 22/9, biệt thự Pháp cổ ở 105-107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ sập làm 2 người chết, 6 người bị thương.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1905, đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990, do sự quản lý của Ban Quản lý dự án Đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN), đang trong diện bảo tồn. Ngôi biệt thự có diện tích mặt bằng 1.164 m2 gồm 3 khối. Khối thứ 2 có diện tích 300 m2 đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do tòa nhà đã qua sử dụng nhiều năm (110 năm), xuống cấp. Những trận mưa lớn nhiều ngày khiến nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.

M.Chiến
Bình luận
vtcnews.vn