Cây xanh đè chết người, nát xe trong mưa dông: Ai chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Hai, 15/06/2015 05:10:00 +07:00

Trận cuồng phong chiều 13/6 ở Hà Nội đã gây ra thiệt hại nặng nề, cây xanh đổ đè chết người và nát nhiều xe ô tô, vậy đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

(VTC News) – Trận cuồng phong ở Hà Nội đã gây ra thiệt hại nặng nề, cây xanh đổ đè chết người và nát nhiều xe ô tô, vậy đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

Trong cơn mưa dông kinh hoàng vào chiều 13/6 tại Hà Nội, hàng chục ô tô cùng rất nhiều xe máy bị cây xanh, cột điện đổ đè bẹp và hư hỏng. Hai người dân bị thiệt mạng, nhiều người khác bị thương do cây đổ. 

Một câu hỏi được đặt ra ở đây, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại do cây đổ?

Liên quan đến vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco.

Hàng loạt xe tiền tỷ bị cây đổ đè nát trong trận cuồng phong tại Hà Nội. Ảnh: Otofun.

Theo ông Phong, trường hợp người, tài sản do cây xanh, cột điện đổ đè trúng nói trên là bất khả kháng, do thiên tai tự nhiên gây ra. Chính vì vậy, rất có thể các nạn nhân phải tự chịu thiệt hại mà không có cơ quan nào phải có trách nhiệm bồi thường. 

Đối với ô tô bị hư hỏng và có bảo hiểm thì tùy từng công ty bảo hiểm, gói báo hiểm, giới hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu có quy định bồi thường ngay cả trong trường hợp thiệt hại do thiên tai gây ra thì chủ phương tiện mới được công ty bảo hiểm thanh toán.

“Phải căn cứ vào từng loại bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ trong đợt ngập lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008, rất nhiều xe bị ngập nước. Tuy nhiên, lúc đó chưa có bảo hiểm thủy kích nên các hãng bảo hiểm cũng không thanh toán.

Sau đó sinh ra loại bảo hiểm thủy kích thì hãng bảo hiểm mới phải thanh toán trong những trường hợp như vậy”, ông Phong nói. 

Video: Mưa dông đè bẹp ô tô ở Hà Nội


Ông Hà Huy Phong cho biết thêm, không phải 100% các hợp đồng bảo hiểm đều có nội dung quy định hãng bảo hiểm không thanh toán trong trường hợp thiệt hại do các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa… gây ra. Tuy nhiên, đa số trong trường hợp này, các công ty bảo hiểm đều không có trách nhiệm thanh toán cho khách hàng.

Nói về đơn vị quản lý cây xanh, ông Phong cho rằng: “Theo tôi, trách nhiệm của cơ quan trồng cây xanh trong trường hợp này là không có. Tuy nhiên, nếu gia đình nạn nhân chứng minh được cái cây đổ rồi gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là do cây trồng ẩu, trồng một cách vô trách nhiệm (lẽ ra gió như vậy cây không đổ, nhưng do được trồng ẩu nên cây mới đổ)… thì vẫn có thể quy trách nhiệm cho đơn vị trồng cây.

Trong trường hợp này, đơn vị trồng cây sẽ phải bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, để chứng minh được trách nhiệm của đơn vị trồng cây là điều rất khó.”

Trước đó, vào lúc 17h00 - 17h45' ngày 13/6, trên địa bàn thành phố đã xảy ra mưa dông kèm gió lốc. Tuy lượng mưa không lớn nhưng gió giật mạnh (cấp 8, cấp 9), đặc biệt ven các sông, hồ, các khe giữa các nhà cao tầng gió giật tăng lên vài cấp đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người, phương tiện và hệ thống hạ tầng đô thị của Hà Nội.

Trong đó nặng nề nhất là hệ thống cây xanh đường phố và hệ thống điện, hệ thống điện chiếu sáng công cộng đô thị. Theo thống kê ban đầu, có 2 người chết, ít nhất 7 người bị thương, 25 ô tô và khá nhiều xe máy bị hư hại. 

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn