Sự cố chưa từng có ở Tân Sơn Nhất: Có phải bồi thường?

Thời sựThứ Ba, 25/11/2014 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Sự cố xảy ra do lỗi chủ quan, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường nếu các hãng hàng không yêu cầu.

(VTC News) - Sự cố xảy ra do lỗi chủ quan, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường nếu các hãng hàng không yêu cầu.

Theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam, thời điểm xảy ra sự cố mất quyền điều hành bay tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC/HCM) vào ngày 20/11, có 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của ACC/HCM trên tổng số trên 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố.

Nhiều tàu bay trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.

Chỉ riêng ba hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Jetstar và VietJet con số thiệt hại đã không hề nhỏ.

Thông tin cho báo chí, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng có 9 chuyến bị ảnh hưởng trực tiếp, bao gồm 5 trường hợp phải chuyển hướng hạ cánh và 4 chuyến phải bay vòng đề chờ. Ngoài ra, có 30 chuyến khác phải khởi hành chậm do sự cố mất điện cản trở khả năng cất, hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng dây chuyền đến 58 chuyến khác trong ngày.

Trong khi đó, Jetstar Pacific có một chuyến bay từ Singapore, đã phải bay lòng vòng trên vùng trời TP HCM trong khi chờ được hạ cánh. Sự cố mất điện gây ảnh hưởng dây chuyền tới 32 chuyến khác trong ngày 20/11.

Đại diện Vietjet Air cho biết họ có 2 chuyến bay phải chuyến hướng. Một từ Hà Nội đi TP HCM phải hạ cánh xuống Buôn Mê Thuột. Chuyến khác từ Hà Nội đi Cần Thơ phải quay lại nơi xuất phát. Ngoài ra, sự cố mất điện còn ảnh hưởng trực tiếp đến 11 và dây chuyền tới 50 hành trình khác.

Ảnh minh họa (NLĐ) 

Tại cuộc họp ngày 21/11 ở Cục hàng không Việt Nam, khi PV đặt câu hỏi về việc thống kế thiệt hại và bồi thường các hãng hàng không bị ảnh hưởng do sự cố, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho rằng, đây là sự cố "bất khả kháng", nên không đặt ra vấn đề bồi thường.

Tuy nhiên, trong cuộc họp tại Bộ GTVT ngày 24/11, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng nhận định sơ bộ ban đầu, sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh ngày 20/11 là do lỗi chủ quan của kíp trưởng và nhân viên kỹ thuật phụ trách hệ thống điện.

Không thể gọi là "sự cố bất khả kháng"


Theo luật sư Trần Quang Khải (VP luật sư Tâm Phát - Đoàn luật sư TP Hà Nội), điều 161 Bộ luật dân sự quy định rõ về "sự cố bất khả kháng". Theo điều 161, "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".

Cũng theo luật sư Khải, trong sự cố này, cần chờ kết luận điêu tra chính thức nguyên nhân từ đâu. Tuy nhiên, với nguyên nhân ban đầu được xác định do kíp trực thao tác sai dẫn đến việc sập nguồn, mất quyền kiểm soát không lưu, thì sự cố này là do lỗi chủ quan của con người, không thể gọi là "sự cố bất khả kháng".

"Lỗi chủ quan đó là nguyên nhân gây ra các sự cố và làm thiệt hại đến khách hàng sử dụng dịch vụ. Cụ thể, các nhân viên kĩ thuật đã thao tác sai, hơn nữa các phương án dự phòng cũng không được sẵn sàng để không xảy ra sự cố. Rõ ràng, đây là sự cố do lỗi chủ quan của con người", Luật sư Khải nói.

 

Lỗi chủ quan đó là nguyên nhân gây ra các sự cố và làm thiệt hại đến khách hàng sử dụng dịch vụ. Cụ thể, các nhân viên kĩ thuật đã thao tác sai, hơn nữa các phương án dự phòng cũng không được sẵn sàng để không xảy ra sự cố. Rõ ràng, đây là sự cố do lỗi chủ quan của con người.

Luật sư Trần Quang Khải
 
Luật sư Trần Quang Khải phân tích, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều hành bay trong vùng FIR, các hãng hàng không là khách hàng trực tiếp sử dụng dịch vụ đó của đơn vị này và có trả chi phí theo quy định. Cho nên, giữa hai bên đã có hợp đồng thương mại.

Cụ thể, theo Điều 518 - Bộ luật dân sự: "Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ"

Ngoài ra, Điều 78 - Luật Thương mại quy định rõ nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ: Cung ứng các dịch vụ và thực hiện những công việc có liên quan một cách đầy đủ, phù hợp với thoả thuận và theo quy định của Luật này; Bảo quản và giao lại cho khách hàng tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện dịch vụ sau khi hoàn thành công việc;

Thông báo ngay cho khách hàng trong trường hợp thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm để hoàn thành việc cung ứng dịch vụ; Giữ bí mật về thông tin mà mình biết được trong quá trình cung ứng dịch vụ nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, các bên phải tuân thủ và thực hiện hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam gây thiệt hại cho hãng hàng không và có lỗi liên quan thì phải bồi thường thiệt hại đó.

"Việc để xảy ra sự cố mất quyền điều hành bay, gây phát sinh chí phí do quá trình các phương tiện bay hoạt động trong thời gian chờ; chi phí phát sinh do sự gián đoạn các chuyến bay; chi phí phát sinh phục vụ hành khách trên chuyến bay trong thời gian xảy ra sự cố...bên cung cấp dịch vụ là Tổng công ty quản lý bay Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường nếu các hãng hàng không yêu cầu" luật sư Khải cho hay.

"Mức bồi thường cụ thể như nào thì sẽ được hai bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam. Trong điều 98 - Luật hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu. Theo đó, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị, kế đến là những cán bộ phụ trách kỹ thuật của kíp trực hôm xảy ra sự cố" luật sư Khải nói thêm.
 
Điều 98. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu

1. Cung cấp đầy đủ và liên tục dịch vụ không lưu.

2. Cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác theo nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao.

3. Duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của quốc gia lân cận để cung cấp dịch vụ điều hành bay, bảo đảm an toàn, điều hoà, liên tục và hiệu quả cho hoạt động của tàu bay trên các đường hàng không và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ vùng trời, Quy chế không lưu hàng không dân dụng và các tài liệu hướng dẫn bảo đảm hoạt động bay.

5. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay thuộc Bộ Quốc phòng để bảo đảm an toàn cho hoạt động bay dân dụng.

6. Tham gia, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý các tình huống khẩn nguy, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và tác chiến phòng không.

7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn