Sự cố ở Tân Sơn Nhất: 'Không thể chấp nhận và hết sức vô lý'

Thời sựThứ Ba, 25/11/2014 02:15:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia kỹ thuật hàng không cho rằng sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát không lưu là không thể chấp nhận và hết sức vô lý.

(VTC News) - Chuyên gia kỹ thuật hàng không cho rằng sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát không lưu là không thể chấp nhận và hết sức vô lý.

Trước sự cố sập nguồn điện dẫn đến mất quyền điều hành bay tại tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC/HCM) vào ngày 20/11, PV VTC News đã phỏng vấn TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM.  
- Ông nhìn nhận thế nào về sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát không lưu khiến sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt mới đây?

Tôi đã nghe thông tin này và thấy hết sức vô lý. Chỉ vì lý do mất điện mà để xảy ra mất kiểm soát không lưu kéo dài trong thời gian cả tiếng đồng hồ. Trong khi đó, hệ thống điện ở sân bay theo tôi nắm được có ít nhất 4 nguồn cung cấp.

Đó là hệ thống điện chính, hệ thống điện phụ, máy phát điện, hệ thống trữ điện UPS. Tất cả những hệ thống điện này được lập trình sẵn “bật” và “tắt”. Nghĩa là, nếu hệ thống điện chính bị ngắt thì có hệ thống điện phụ, hệ thống phụ bị ngắt thì đến máy phát điện, nếu máy phát bị hỏng thì mới đến hệ thống lưu trữ UPS.

Trong khi đó, theo thông tin ban đầu thì lúc đó hệ thống điện chính không bị ngắt, đang hoạt động bình thường. Và hệ thống lưu trữ điện có đến 3 UPS thì tại sao lại để sự cố xảy ra lâu đến như vậy. Một điều không thể chấp nhận và hết sức vô lý.

- Ông có thể nói rõ hơn về 'sự vô lý' này?

Như tôi đã nói, sân bay có đến ít nhất 4 hệ thống điện. Nếu bị hỏng cái này thì chuyển sang hệ thống điện khác. Họ cho rằng, nhân viên kỹ thuật muốn kiểm tra hệ thống UPS, đương nhiên nếu đã chuyển sang UPS thì hệ thống điện chính đi vào sẽ bị ngắt.

Và nếu như cả 3 UPS bị hỏng thì lúc đó nhân viên kỹ thuật chỉ cần “nhấn nút” chuyển sang hệ thống điện chính, hoặc điện phụ hoặc máy phát điện là xong. Chuyện UPS bị hỏng, bị trục trặc thì ta gác lại, cái cấp thiết là bật điện cho hệ thống điều khiển không lưu trong sân bay hoạt động bình thường đã, sau đó muốn sửa chữa, nghiên cứu, khám phá gì thì làm cũng không muộn.

Nói nôm na cho dễ hiểu, một khách sạn mini, một cơ sở sản xuất hay nhà ở bình thường cũng có thể sắm được máy phát điện, UPS lưu trữ điện dùng cho máy vi tính... đề phòng cúp điện.

Cho nên câu chuyện mất điện trong sân bay tôi thấy hết sức lạ lùng, tôi vẫn thắc mắc là tại sao họ không nói rõ vấn đề. Họ không giải thích rõ nhân viên kỹ thuật và những người có mặt liên quan đã làm gì trong suốt thời gian dài như vậy, để cả tiếng đồng hồ mới khắc phục được hệ thống.

 

Tiêu chuẩn an toàn đối với ngành hàng không gần như tuyệt đối, chứ không thể giỡn chơi, chỉ vài giây xảy ra sự cố là có thể đe dọa nghiêm trọng toàn bộ hệ thống bay, tính mạng con người.
Ông Nguyễn Thiện Tống
 
- Theo ông nguyên nhân chính của sự cố mất điện là do đâu?

Đối với sự cố mất điện lâu như vậy tôi nghĩ là do thiết bị chứ không thể do con người. Con người ở đây chỉ có mỗi nhiệm vụ “bật” và “tắt”- “on” và “off” thôi.

Ngành hàng không có một nguyên tắc an toàn là 'fail-safe' (chế độ an toàn khi xảy ra sự cố), nghĩa là không thể nào hư được. Ví dụ như về động cơ máy bay thì phải có 2 động cơ để phòng trường hợp một động cơ hỏng thì động cơ còn lại có đủ sức làm việc.

Hầu như ai cũng biết, tiêu chuẩn an toàn đối với ngành hàng không gần như tuyệt đối, chứ không thể giỡn chơi, chỉ vài giây xảy ra sự cố là có thể đe dọa nghiêm trọng toàn bộ hệ thống bay, tính mạng con người...

-  Vậy có trường hợp thiết bị UPS không đúng tiêu chuẩn không, thưa ông?

Tôi cho rằng, tất cả mọi vấn đề liên quan về sự cố mất điện cần phải xem xét cụ thể, vai trò con người, cũng như thiết bị máy móc liên quan. Phải nêu trách nhiệm rõ ràng do con người hay do thiết bị. Cần xác định thiết bị mua năm nào, của ai cung cấp, giá cả ra sao, nếu lạc hậu cần nâng cấp thế nào cho phù hợp với thực tế...

- Đâu là giải pháp lâu dài để đảm bảo không xảy ra những sự cố như trên với ngành hàng không, thưa ông?

Phải có biện pháp đối với người đứng đầu chứ không thể đổ lỗi hết cho cấp dưới. Vấn đề này xét cho cùng là về quản lý, về kỹ thuật, nhân sự… Để xảy ra sự cố như vậy không những để ảnh hưởng trong nước mà còn làm mất uy tín với thế giới. Điều này cũng cho thấy không phải dễ dàng cạnh tranh với quốc tế.

Đừng nghĩ rằng cứ xây dựng sân bay hoành tráng, hiện đại là xong mà cần phải đào tạo nhân lực, huấn luyện thường xuyên, lâu dài về tác phong cũng như tay nghề.

Trước mắt, chúng ta đầu tư để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách, còn chuyện xây dựng sân bay Long thành là chuyện khác.

Xin cảm ơn ông!

Phan Cường(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn