Chuyện kể ở cánh đồng ma

Thời sựThứ Hai, 01/09/2014 10:06:00 +07:00

Trong ngày vui cùng Tết độc lập, những người dân bản Tống Trong (Túc Đán, Trạm Tấu, Yên Bái) vẫn nhớ những ngày cùng đoàn viên, thanh niên khai phá cánh đồng ma

Trong ngày vui cùng Tết độc lập, những người dân bản Tống Trong (Túc Đán, Trạm Tấu, Yên Bái) vẫn nhớ những ngày cùng đoàn viên, thanh niên khai phá cánh đồng ma để trồng trọt.

Không chỉ mang lại đất canh tác, xóa nỗi sợ mơ hồ cho người dân, đoàn viên, thanh niên còn đang vươn lên đi đầu trong sản xuất, chuẩn bị xây dựng làng thanh niên lập nghiệp…
Đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia khai phá cánh đồng ma tháng 3/2008.
 Đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia khai phá cánh đồng ma tháng 3/2008.
Trung tâm xã Túc Đán (Trạm Tấu) chỉ cách thị xã Nghĩa Lộ khoảng gần 30 cây số. Đường khó đi vì lổn nhổn đá, sỏi nhưng còn chưa là gì so với đường từ xã vào bản Tống Trong, nơi có cánh đồng ma.

Nghe lời kể của Vàng A Chang, Phó Bí thư Đoàn xã “đường đi khó lắm”, ông cán bộ ban tuyên giáo tỉnh đoàn Yên Bái ngay lập tức chuyển xe sang ngồi sau xe của Chang, để phóng viên đi một mình vì sợ không leo dốc được.

Dù đi một mình, đã về số 1, vít ga hết cỡ, chiếc xe cũng chỉ è è leo lên những đoạn cao lưng chừng trời, rồi lại lao vun vút xuống dốc thăm thẳm những đoạn đường đầy những sống trâu, bé chỉ vừa đủ chiếc xe đi qua, dù đã bóp cả phanh trước, phanh sau và có thêm người ở phía sau kéo lại.

Cũng vì thế, vài lần, chiếc xe nằm quay ngang giữa dốc vì phanh không kịp. Đấy là chưa kể những đoạn phải đi qua những con suối nước ngập đến đầu gối sau trận mưa và chiếc cầu tre đã nghiêng hẳn sang một bên vì quá cũ.

Hì hục mãi, mồ hôi ướt áo, mất gần nửa ngày, chúng tôi mới đến được bản Tống Trong, nằm sát cánh đồng ma. Bế đứa con mới đi mổ dạ dày về, Chang bảo, nếu trận mưa cứ kéo dài mãi thì không có đường ra ngoài xã nữa vì đường trơn, suối dữ.

Đến mới thấy, nếu ốm đau, bệnh tật, thực sự phải nể phục sức chịu đựng của người già, trẻ em nơi đây vì ngoài nỗi đau bệnh tật, còn phải chịu thêm vài tiếng đồng hồ di chuyển trên cung đường “khủng khiếp” này để ra ngoài chạy chữa.

Những chuyện lạ

Vừa ôm con ru ngủ, Chang vừa kể những chuyện về cánh đồng ma. Sinh năm 1986, nhưng Chang chững chạc và già dặn hơn nhiều. Chang bảo, hồi nhỏ được nghe bố kể nhiều.

Bố Chang là ông Vàng A Trống, từng làm ở văn phòng xã nên biết được nhiều chuyện nhưng đã mất từ năm 2009. “Nếu cụ còn sống, có nhiều chuyện để kể lắm”, Chang nói.

Nhớ lại chuyện bố kể cho nghe, Chang bảo, cánh đồng tên Nậm Tộc, ngày xưa người Mán (Dao) làm ruộng ở đó, nhưng không hiểu vì lý do gì mà họ bỏ đi. Trước khi đi, họ còn làm phép để người Mông không làm ruộng được nữa.

“Ngày nhỏ, mình chỉ nghe kể lại như thế. Trong làng cũng không ai dám vào đó lấy củi, vào làm ruộng nữa. Ai vào khai hoang đều bị ốm, hoặc người thân bị ốm rồi chết”, Chang nói.

Để rõ hơn câu chuyện về cánh đồng ma, Chang dẫn chúng tôi sang nhà anh trai Vàng A Vảng, trưởng bản Tống Trong. Cũng như Chang, anh Vảng được bố kể lại nhiều câu chuyện ly kỳ của cánh đồng Nậm Tộc.

“Sau lúc người Mán cúng rồi bỏ đi, cả cánh đồng bỏ hoang. Lúc làm hợp tác xã, cả làng cùng đi làm thì không sao. Đến lúc bà con không làm nữa, bố tôi làm riêng thì chị tôi bị bệnh rồi mất”, anh Vảng kể.

Sau chuyện đó, nhà anh Vảng không làm ruộng nữa, cánh đồng Nậm Tộc tiếp tục bị bỏ hoang. Thế rồi, sau đó có một vài người Thái đến khai hoang, trồng lúa trên cánh đồng ma.

“Bố tôi kể lại, họ làm ruộng ở cánh đồng, hễ lội nước ngập đến đâu thì về bị sưng đến chỗ đó, bị phù người rồi chết nên ai cũng sợ, không dám làm nữa”, anh Vảng nói.

Còn có thêm nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn nữa cho đến bây giờ vẫn còn truyền lại, chẳng hạn như việc đi săn ở khu vực cánh đồng ma thì súng bắn đạn không nổ, ban đêm có những đàn chuột chạy phát ra đốm sáng, lúc ẩn lúc hiện.

“Nhiều người cứ rỉ tai nhau như thế, bố tôi cũng kể lại như vậy”, anh Vảng nói.

Anh Vảng cho biết thêm, ngoài việc của gia đình mình, cũng có nhiều người ra đó khai hoang nhưng rồi người nhà bị ốm, chết nên không dám bén mảng nữa.

“Nhiều người về nhà bị đau, sợ hãi đến hỏi thầy cúng. Thầy nói phải cúng con ma, cho nó con gà, con lợn thì mới hết. Mà cũng lạ, cúng xong họ cũng khỏi và không dám vào cánh đồng ma nữa”, anh Vảng nói. Anh Vảng giới thiệu thêm, ngay cả nguyên Bí thư xã Túc Đán Thào Chừ Vàng cũng gặp chuyện khi canh tác ở cánh đồng ma…

Chỉ là trùng hợp?


Tiếp phóng viên trong ngôi nhà ngay ở gần trung tâm xã Túc Đán, Nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Thào Chừ Vàng (SN 1957) chậm rãi nhả khói thuốc và kể về lịch sử hình thành nên cánh đồng ma.

Theo ông Vàng,  ban đầu, chính người Mông khai hoang, trồng cấy ở cánh đồng Nậm Tộc, sau đó, có người Mán (Dao) đến làm cùng. Có hai người Mán (Dao) buôn bán thuốc phiện đến ở trong bản nhưng bị trộm lấy hết nên nảy sinh lòng thù oán.

“Trước khi bỏ đi, họ có làm lễ cúng cho thóc trồng trên cánh đồng bị lép, người Mông không làm ruộng được nữa. Vì thế, người Mông sợ, không dám làm”, ông Vàng kể.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hợp tác xã, thấy ruộng tốt, cả làng Tống Trong cùng đi làm rồi về chia nhau, không có ai bị ốm đau gì cả. “Có điều lạ là cứ người nào đi khai hoang, làm riêng lẻ thì về bị ốm hoặc người thân trong nhà bị chết. Có mấy trường hợp như ông Trống bị mất con gái, mấy người Thái đến khai hoang, trồng lúa, nhưng về bị phù nề, chữa bệnh không khỏi rồi chết”, ông Vàng nói thêm.

Tuy nhiên, ông Vàng vẫn đi làm, khai hoang ruộng ở cánh đồng Nậm Tộc. “Tôi làm lều ở cánh đồng, ban ngày thì trồng cấy, tối đi đánh cá dưới suối, chẳng thấy gì lạ cả”, ông Vàng nói.

Hồi đó năm 1983, chỉ có nhà ông Vàng dám làm ruộng ở cánh đồng Nậm Tộc. Làm một vụ, thu được 5 tạ thóc. “Lúc ấy, chẳng may con trai thứ hai trong nhà tôi bị bệnh, đau vài giờ rồi mất”, ông Vàng nói.

Ông Vàng bảo, cũng vì có nhiều trường hợp trùng hợp bị ốm, bị mất do làm ruộng ở cánh đồng Nậm Tộc nên người dân đồn thổi nhiều, dẫn đến sợ hãi.

“Tôi không sợ, không tin đó là cánh đồng ma. Chỉ vì con tôi mất, đường xá vào cánh đồng xa quá, tôi lại xin được ruộng ở gần nhà nên mới không làm ở đó nữa”, ông Vàng kể.

Theo ông Vàng, ruộng ở cánh đồng Nậm Tộc thuộc dạng tốt nhất, lại có đủ nước để trồng lúa, ngô, lạc. “Tiếc là từ sau đợt đó không ai dám vào cánh đồng đó khai hoang, cây cối mọc um tùm, người dân cũng chẳng dám đi lấy củi ở đó nữa”, ông Vàng nói.

Mọi chuyện cứ trôi qua như thế, cánh đồng bị bỏ hoang ngày một rậm rạp, hoang vu. Những lời đồn thổi về cánh đồng ma ngày càng nhiều. Người dân xung quanh không ai dám đến gần.

Năm 2008, một đại biểu HĐND đi tiếp xúc cử tri về có nêu vấn đề về cánh đồng ma. Tháng thanh niên năm 2008, hàng trăm đoàn viên, thanh niên, bộ đội, lãnh đạo huyện Trạm Tấu vào cuộc khai phá cánh đồng ma.

“Hồi đó rét lắm, nhiều người vẫn còn sợ. Dự kiến làm một tháng, nhưng chỉ 1 tuần đã xong. Làm rồi, không ai bị sao cả, bà con mới tin”, anh Lương Mạnh Hà, Phó Bí thư thường trực tỉnh Đoàn Yên Bái, hồi đó là Bí thư huyện Đoàn Trạm Tấu – Chỉ huy trưởng chiến dịch chia sẻ.

Theo Trường Phong/Tiền Phong
Bình luận
vtcnews.vn