Để giảm sức nặng chiếc cặp học sinh đâu cần tới 4.000 tỷ?

Thời sựThứ Năm, 21/08/2014 11:58:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia giáo dục cho rằng, mất 4.000 tỷ thực hiện đề án SGK điện tử không có ý nghĩa, ngược lại đang biến học sinh thành 'nô lệ' của máy tính.

(VTC News) – Chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu chỉ vì mục tiêu 'giảm sức nặng cái cặp' không cần tới 4.000 tỷ, có nhiều cách làm đơn giản mà không tốn một đồng.

Dư luận đang bàn tán xôn xao về đề án sách giáo khoa điện tử (SKGĐT) và máy tính bảng dành cho học sinh lớp 1,2,3 mà Sở GD-ĐT TP.HCM giới thiệu mới đây tại hội thảo.

Theo đề án, SGKĐT có nội dung đặt vào máy tính bảng 7 – 10 inches, khối lượng không lớn giúp giáo viên, học sinh tiện sử dụng. Mọi tương tác dạy - học, quản lý đều thông qua kết nối internet.


TS Phạm Thị Ly - Giám đốc Chương trình nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (ĐHQG - TP.HCM)
Nhiều lãnh đạo các trường, phòng GD-ĐT đánh giá cao đề án này bởi SGKĐT khắc phục khối lượng lớn của SGK giấy mà hàng ngày học sinh phải mang vác đến trường. Ngoài ra SGKĐT còn kích thích tính năng động sáng tạo, khả năng tư duy cho học sinh.

Tuy nhiên, khi đề án này vừa được đưa ra công bố tại các hội thảo, hầu hết phụ huynh các em nhỏ đều tỏ ra lo lắng.

Để rộng đường dư luận, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) xung quanh vấn đề này.

- Bà có cảm nhận như thế nào về đề án sử dụng SGKĐT và máy tính bảng dành cho các em học sinh lớp 1, 2, 3 ở TP.HCM  mà Sở GD – ĐT TP.HCM nêu trong các hội thảo mới đây?

Trong thời đại bây giờ, khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh, cho nên lẽ tự nhiên là tôi ủng hộ việc đưa những phương tiện kỹ thuật mới vào nhà trường để hiện đại hóa công việc giảng dạy. Nhưng đưa tiến bộ công nghệ vào nhà trường như thế nào, nó có phù hợp với bối cảnh thực tế của mình hay không, thì đấy là việc cần phải cân nhắc. Nhất là khi nó liên quan đến việc sử dụng ngân sách công và tác động đến hàng vạn gia đình.

- Theo bà, các em ở lứa tuổi còn nhỏ khi tiếp cận với máy tính bảng và các thiết bị thông minh như vậy, đâu là mặt có lợi, đâu là có hại?

Ngoài những cái bất tiện khi cho các em lứa tuổi nhỏ sử dụng máy tính bảng mà người ta đã nói nhiều, tôi muốn nói đến một điểm khác, đó là sử dụng máy tính bảng trong lớp học khi tuổi còn nhỏ sẽ làm hạn chế sự tương tác với thầy giáo, bạn bè và môi trường thật. Nó có thể dẫn tới một hiệu ứng làm cho các em nhỏ trở nên phụ thuộc, ‘nô lệ’ vào màn hình mà quên mất rằng thế giới thật mới là cái mang lại cho các em những trải nghiệm cần thiết trong việc học.

Tất nhiên nó vẫn có cái lợi, như thay vì mang nhiều tài liệu thì các em chỉ cần một chiếc máy tính bảng. SGKĐT có thể khai thác ưu thế âm thanh, màu sắc, khiến việc học vui hơn. Tuy nhiên theo tôi biết thì đến nay có lẽ vẫn chưa có một dự án nào thực sự đầu tư cho việc biên soạn giáo trình điện tử đúng nghĩa, mà người ta chỉ làm việc đơn giản là mang giáo khoa hiện tại vào máy. Nó không thực sự là SGKĐT.

Nhưng kể cả khi có SGKĐT thì tương tác giữa học sinh và những chương trình được thiết lập trong máy cũng không thể thay thế vai trò của người thầy. Nếu xem máy tính bảng là phương tiện bổ sung cho hoạt động dạy và học thì tôi hoan nghênh, nhưng không thể kỳ vọng máy tính bảng tạo ra thay đổi trong chất lượng giáo dục. Càng ở lứa tuổi nhỏ thì chất lượng giáo dục càng phụ thuộc rất ít vào phương tiện, mà phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất và năng lực của người thầy.

Cho nên, mặt trái của việc dùng máy tính bảng trong lớp học là làm giảm tương tác với thầy cô giáo và bạn học. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhân cách học sinh, vì nhân cách hình thành thông qua giao tiếp. Thiếu những giao tiếp lành mạnh, trẻ em không thể phát triển tâm lý một cách đầy đủ.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng SGKĐT ngay từ cấp tiểu học vô tình làm mất đi niềm đam mê viết chữ của các em?

Cái đó cũng đúng, nhưng đáng ngại nhất là việc sử dụng các công cụ đó như phương tiện chủ yếu cho việc dạy và học có thể sẽ làm tăng thêm tính thụ động của học sinh.

Hiện nay, các em đã và đang dành quá nhiều thời giờ trước màn hình ti vi, giờ lại thêm một màn hình máy tính bảng nữa, thì cuộc sống của các em sẽ càng bị tách ra khỏi đời sống thật. 

- Những người đưa ra đề án này, hình như ‘quên’ rằng các em nhỏ đang trong quá trình hoàn chỉnh về tính cách. Theo bà, để tiếp xúc với máy tính bảng lứa tuổi nào là hợp nhất?
 

Nếu như mục tiêu chỉ là làm giảm sức nặng của cái cặp thì đâu cần tới 4.000 tỷ như vậy để mua máy tính bảng. Có cách khác đơn giản hơn nhiều và không tốn một đồng nào cả.


 

Vấn đề thị lực, sức khỏe thì nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn, tôi không dám có ý kiến. Về phương diện giáo dục, các em càng nhỏ càng cần được tiếp xúc nhiều với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Khi các em có nền tảng vững chắc trong giáo dục gia đình để hình thành nhân cách thì tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật sẽ ít bị ảnh hưởng tiêu cực.Theo tôi, lứa tuổi tối thiểu sẽ là cấp II. Kể cả ở tuổi cấp II, cũng không nên suốt ngày cứ ngồi vào màn hình máy tính. 

- Theo TS trong giáo dục nên ứng dụng công nghệ như thế nào cho phù hợp?

Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi một cách cơ bản cách thức con người giao tiếp với nhau, trong đó có việc dạy và học. Cho nên việc đưa công nghệ truyền thông vào giảng dạy là một tất yếu không thể tránh khỏi.

Chúng ta không thể nào tách khỏi xu hướng công nghệ hóa. Nhưng cần nhấn mạnh, công nghệ dù có văn minh, hiện đại tới đâu đi chăng nữa, nó cũng chỉ là phương tiện không thay thế được con người. Trong lĩnh vực giáo dục, ở bất cứ cấp nào, công nghệ không thể thay thế được người thầy thực sự.

Vì thế không thể tuyệt đối hóa phương tiện công nghệ, cho nó là cứu cánh của việc đổi mới giáo dục. Công nghệ không thể thay thế được những đổi mới thực sự có ý nghĩa nguyên tắc trong giáo dục, mà những đổi mới thực sự đó nó chủ yếu nằm ở nội dung chương trình và phẩm chất người thầy.

- TS đánh giá thế nào về cách giảng dạy của chúng ta so với các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan…, nếu như đề án SGKĐT và máy tính bảng được áp dụng cho các em lứa tuổi lớp 1,2,3?

Theo tôi biết, ở các nước người ta cũng rất thận trọng khi đưa máy tính bảng vào nhà trường, đặc biệt là các lứa tuổi nhỏ. Vì ở lứa tuổi nhỏ, các em đến trường không phải để học 2 x 2 = 4 mà là học cách tiếp xúc với người khác, qua đó tiếp thu những nguyên tắc xử sự trong xã hội. Máy tính có thể mang lại kiến thức nhưng không tạo ra được trải nghiệm về việc xây dựng quan hệ giữa người với người.

Hiện nay người ta quá chú trọng dạy kiến thức. Cải thiện phương tiện kỹ thuật cũng là để dạy kiến thức tốt hơn. Trong khi đó, người ta vẫn thiếu chú trọng đến việc tạo ra một môi trường giáo dục thông qua trải nghiệm, thông qua giao tiếp và tương tác giữa thầy và trò. Tuyệt đối hóa vai trò của công nghệ có thể khiến chúng ta trở thành ‘nô lệ’ của nó. Ít nhất nó cũng làm mất đi của học sinh nhiều cơ hội để tương tác với người khác và học hỏi từ những tương tác đó. 

Cho nên việc đưa máy tính bảng vào nhà trường có mặt tốt, mặt thuận lợi, có những khó khăn và trở ngại. Vấn đề của người làm chính sách là cân nhắc giữa hai thứ đó, và nhất là cân nhắc tới bối cảnh xã hội và hoàn cảnh kinh tế của hàng vạn gia đình.

- Theo bà, dư luận sẽ phản ứng như thế nào khi đề án SGKĐT và máy tính bảng được áp dụng vào giảng dạy?

Nhiều người cho rằng việc bắt buộc sử dụng máy tính bảng gây tốn kém mà lợi ích chưa thấy rõ. Nếu như máy tính bảng được cho không, nếu như mọi thứ hư hỏng được nhà nước hỗ trợ thì có lẽ người ta ít phản đối hơn. Tuy nhiên điều quan trọng là người ta không thấy rằng việc sử dụng máy tính bảng có thể tạo ra thay đổi đáng kể nào trong chất lượng giáo dục. 

Nếu như mục tiêu chỉ là làm giảm sức nặng của cái cặp thì đâu cần tới 4.000 tỷ như vậy để triển khai đề án này? Có cách khác đơn giản hơn nhiều và không tốn một đồng nào cả: đó là thay đổi quan niệm coi nhà trường là nơi truyền thụ kiến thức bằng quan niệm coi nhà trường là môi trường trải nghiệm để hình thành nhân cách và là nơi khơi gợi khát vọng ham hiểu biết trong học sinh

Xin cảm ơn bà!

Sỹ Hưng(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn