Con cháu lãnh đạo đỗ công chức: Tiêu cực có giá bao nhiêu?

Thời sựThứ Bảy, 23/08/2014 07:02:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều người có chức, có quyền đã “tạo điều kiện” cho con cháu, người quen được đỗ công chức thông qua việc tiết lộ đề thi, nâng điểm...

(VTC News) – Không thể phủ nhận việc nhiều người có chức, có quyền đã “tạo điều kiện” cho con cháu, người quen được đỗ công chức thông qua việc tiết lộ đề thi, nâng điểm.

Mới đây, ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương, nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ đã chuyển một đơn thư của công dân phản ánh có chuyện gian lận trong thi tuyển công chức tại Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đến Bộ Nội vụ xem xét.

Theo nội dung đơn thư, đợt thi tháng 7/2013, Cục Quản lý cạnh tranh được tuyển 6 chỉ tiêu, nhưng kết quả 9 người trúng tuyển. Đáng chú ý là 100% nhân viên hợp đồng của cục đều đỗ. Trong đó, hầu hết người trúng tuyển là con, cháu cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh hoặc trong ngành công thương.

Trước đó, kỳ thi tuyển công chức năm 2013 tại Cục Quản lý thị trường cũng xảy ra việc “lộ đề thi”. Liên quan đến sự việc này, Bộ Công thương đã khiển trách Cục phó có cháu trúng tuyển; hạ bậc lương và cảnh cáo hai cán bộ trực tiếp làm lộ đề thi.

Tiêu cực xảy ra tại Bộ Công thương nói trên đã gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Vụ việc này khiến nhiều người nhớ lại phát ngôn “gây sốc” cách đây 2 năm của ông Trần Trọng Dực - Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội.
 Ông Trần Trọng Dực - Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: TTO)
Cụ thể, ngày 7/12/2012, trong cuộc họp bàn về Nghị quyết phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013, ông Trần Trọng Dực đã thẳng thắn nói đến tình trạng nhiều người phải chi không dưới 100 triệu đồng để được làm công chức tại Hà Nội.

"Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn "chạy" vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện. Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận huyện là trưởng phòng nội vụ các quận huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng”, ông Dực nói.

Vào đầu năm 2013, chỉ vài tháng sau lời phát biểu gây xôn xao dư luận của ông Trần Trọng Dực, đoàn thanh tra huyện Ứng Hòa đã phát hiện 12 trường hợp là trưởng, phó Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, chuyên viên ban tổ chức, hiệu trưởng, hiệu phó các trường trên địa bàn huyện có liên quan tới vụ gian lận thi tuyển công chức.

Trong vụ việc này, các cặp chấm thi và những người liên quan đến vụ việc đã thừa nhận có người tác động, nhờ giúp đỡ để nâng điểm. 
Hàng nghìn người xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức tại Cục thuế Hà Nội. (Ảnh: VnExpress)
Nói như ông Trần Trọng Dực thì tiêu cực trong thi tuyển công chức là một thực trạng đau lòng, nhức nhối đang tồn tại và xã hội đều biết. Tuy nhiên, không rõ vì sao, suốt 2 năm qua, số vụ tiêu cực bị phát giác có thể chưa đếm được trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể tới việc, không có trường hợp nào "chạy việc bằng tiền" được "chỉ mặt đặt tên".

Ngay cả trường hợp xảy ra tại huyện Ứng Hòa nói trên, đoàn thanh tra khi đó cũng chưa làm rõ việc nâng điểm có liên quan gì đến vật chất và tiền bạc nên chỉ dừng lại là vi phạm quy chế thi. Những người liên quan cũng chỉ bị giáng chức hoặc điều chuyển công tác.

Mặc dù vậy, những vụ tiêu cực bị phát hiện trong thời gian vừa qua khiến người ta không thể phủ nhận việc nhiều người có chức, có quyền đã cố tình “tạo điều kiện” cho con cháu, người quen được đỗ công chức thông qua việc tiết lộ đề thi, nâng điểm…

Cũng liên quan đến việc thi tuyển công chức, từ 11/8 - 15/8 vừa qua, có hàng nghìn người xếp hàng dài chờ tới lượt nộp hồ sơ xin thi vào Cục thuế Hà Nội (đường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội).

Sau 5 ngày thu hồ sơ, tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng nhìn vào lượng người đổ về Cục thuế Hà Nội nộp hồ sơ thì có thể con số lớn gấp nhiều lần so với 1.796 chỉ tiêu mà Cục này tuyển dụng.

Điều này khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi rằng, công chức nhà nước vẫn được coi là những vị trí “lương ba cọc ba đồng” nhưng tại sao lại có sức hút lớn đến như vậy? 

Với các tiêu cực trong việc thi tuyển công chức bị phát hiện trong thời gian vừa qua, liệu ai có thể khẳng định rằng, những kỳ thi tuyển công chức như của Cục thuế Hà Nội nói trên sẽ diễn ra hoàn toàn công bằng, minh bạch, không có tiêu cực xảy ra?

Đa Long (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn