'Bắt bệnh' quan chức ngồi 'nhầm ghế' ngày một nhiều

Thời sựThứ Tư, 30/07/2014 03:00:00 +07:00

Từ lâu, chạy chọt để được một vị trí trong bộ máy nhà nước là điều đã được nhiều chuyên gia “bắt bệnh” và gọi rõ tên cán bộ, công chức ngồi “nhầm ghế”.

Từ lâu, chạy chọt để được một vị trí trong bộ máy nhà nước là điều đã được nhiều chuyên gia “bắt bệnh” và gọi rõ tên cán bộ, công chức ngồi “nhầm ghế”.

Còn nhớ, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khi được điều về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An trong 3 năm, ông đã cho tới 9 bí thư huyện uỷ ngồi “nhầm ghế” thôi chức. Còn ông Nguyễn Bá Thanh thời còn làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông đã có nghỉ việc và điều chuyển nhiều lãnh đạo sở, quận huyện cũng vì ngồi “nhầm ghế”.


Từ lâu, chạy chọt để được một vị trí trong bộ máy nhà nước là điều đã được nhiều chuyên gia “bắt bệnh” và gọi rõ tên cán bộ, công chức ngồi “nhầm ghế”. Để có góc nhìn đa chiều, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của một số chuyên gia, Đại biểu Quốc hội bàn về vấn đề này.

ĐBQH Đỗ Văn Đương, thành viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. 

ĐBQH Đỗ Văn Đương, thành viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm về đánh giá cán bộ:

“Cần người năng động sáng tạo, người có tài, chứ còn người đạo đức phẩm chất tốt một cách trừu tượng thì không làm được gì cả. Cụ Hồ nói “có đức mà không có tài là vô dụng”, anh ăn lương từ ngân sách tức là tiền thuế do dân đóng góp mà vô dụng thì phải thay.

Trước áp lực của công việc khó khăn lúc bấy giờ mới bộc lộ ai thực sự là người có năng lực, ai thực sự vì dân, vì nước, thực sự vì công việc và xã tắc, không phải cứ ngồi một dạ, hai vâng vì thế phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ”.


Đơn cử như kỳ thi nâng ngạch vừa qua, có đến 30% công chức trượt, trong khi nhiều đợt thi những năm trước đó, con số này chỉ từ 3-5%. Điều này đã thấy rõ thực trạng “ngồi nhầm” vị trí trong một số cơ quan Nhà nước vẫn phổ biến.

 Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội. 

Thẳng thắn nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng: Những cán bộ không đáp ứng được năng lực không hoàn do “chạy” việc nhưng phần nào cũng thấy sự bố trí công việc không phù hợp với năng lực nên dẫn đến tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Từng nhiều lần đề cập trên diễn đàn Quốc hội về nạn chạy chức, chạy quyền, trong cuộc trao đổi lần này, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông tiếp tục bày tỏ sự bức xúc của mình: “Chạy chức, chạy quyền có biểu hiện gia tăng, nhất là trong quá trình bầu cử và sắp xếp tổ chức nhân sự.

Mặc dù về mặt pháp lý quy định như hiện nay khá chặt chẽ, qua nhiều cấp giới thiệu, phát huy dân chủ, nhưng thực tế con voi vẫn chui lọt lỗ kim. Bởi ở nhiều nơi dân chủ chỉ là hình thức, còn quyền quyết định bổ nhiệm vẫn thuộc về một nhóm người, thậm chí chỉ ở người đứng đầu”.


Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông. 

Từ thực tế trên, vị này đề xuất dự luật bổ sung nguyên tắc bổ nhiệm phải dân chủ, công khai, minh bạch, tạo tính cạnh tranh bình đẳng. Phương thức bổ nhiệm phải có nhiều ứng cử viên cho một vị trí lãnh đạo, các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động trước hội đồng thẩm định. “Ngành giáo dục đang có phong trào chống ngồi nhầm lớp, Quốc hội cũng cần xây dựng luật cán bộ, công chức nhằm tạo nên thiết chế để chống ngồi nhầm ghế”, ông Cuông nói.

Vấn đề sử dụng cán bộ đúng vị trí công việc để phát huy năng lực được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Thực trạng này cũng đã được nhìn nhận do quản lý nhà nước còn yếu kém, chủ trương thì đúng nhưng người thực hiện kém. Điều này có ở hầu hết các bộ ngành, địa phương.

ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Tôi lấy ví dụ về “cán bộ ngành thuế ăn vặt” được chỉ rõ và Thủ tướng yêu cầu phải loại ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực. Đây là việc làm không chỉ chấn chỉnh ngành thuế mà là lời cảnh báo với nhiều bộ, ngành, địa phương.

Các cơ quan công quyền cần đánh giá, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân. Nếu chúng ta thiếu kiên quyết thì chỉ loại bỏ được những cá nhân “ăn vặt” còn “ăn lớn” thì sao? Theo tôi, vấn đề bây giờ phải rà soát chuẩn lại nhiệm vụ, chức năng của từng cá nhân, tổ chức. Trên cơ sở hoạt động thực tiễn chúng ta mới có đánh giá cụ thể."


Thực trạng cán bộ công quyền ngồi “nhầm ghế” cũng đã được chỉ ra, 1/3 cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, có cũng như không. Nhiều cán bộ không đáp ứng được nhu cầu công việc, không có năng lực thật sự nhưng vẫn “kiên trì bám ghế” do sự nâng đỡ, thân quen. Đây là một thực tế đòi hỏi các bộ, ban ngành cần đánh giá lại công tác tổ chức cán bộ.

ĐBQH Bùi Thị An cũng cho rằng: “Nguyên nhân của tình trạng này là do khâu tuyển dụng có vấn đề. Chính vì thế mới có tình trạng chạy chức, chạy quyền. Người ta bỏ tiền ra mua một vị trí thì tất nhiên phải tìm cách nhũng nhiễu, vơ vét để thu lại vốn. Đây là một thực tế đáng buồn mà công tác cán bộ đã nhìn ra và trong Quốc hội cũng đã bàn luận nhiều về chuyện này”.

 ĐBQH Bùi Thị An.

Theo bà An, muốn loại bỏ tình trạng ngồi nhầm ghế thì các cơ quan nên tiến hành thi tuyển chức danh lãnh đạo để tìm nhân tài.

“Tôi ủng hộ một số bộ, ngành đã công khai thi tuyển, công khai hội đồng, công khai chấm thi. Việc này muốn làm được phải kiên quyết, công việc tuyển dụng phải công tâm, có ý thức bổ nhiệm cán bộ vì công việc chung, chứ không phải phục vụ cho lợi ích cá nhân, mối quan hệ riêng tư nào đó.

Vì thế yếu tố con người là rất quan trọng, anh phải sắp xếp sử dụng con người ấy đúng vị trí, đúng năng lực mới phát huy được hiệu quả công việc. Kiên quyết loại bỏ những người không đáp ứng được công việc, cố “chui” vào bộ máy để sách nhiễu, lũng đoạn, phá hỏng bộ máy là công tác quản lý nhà nước yếu kém, dẫn đến sự mất lòng tin trong dân”.


Nhiều ĐBQH khác cũng kiến nghị: Rà soát cán bộ, phát hiện những cán bộ ngồi “nhầm ghế” cần đánh giá tổng thể nếu làm lẻ tẻ thì hiệu quả sẽ không cao. Đồng thời, phải truy trách nhiệm đến cùng, điều này đã được Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thực hiện trong thời gian vừa qua khi đã mạnh tay “trảm tướng” thiếu năng lực.

Bởi, cán bộ được giao nhiệm vụ phải hoàn thành trong một thời gian nhất định, nếu không hoàn thành đồng nghĩa với không có năng lực, không phù hợp với vị trí đang đảm nhận và buộc phải điều chuyển công tác khác. Việc sử dụng cán bộ kiên quyết như vậy dần dần sẽ tăng được sức mạnh, tinh giảm biên chế và phát huy được người tài.


Bàn về giải pháp khắc phục vấn nạn quan chức ngồi “nhầm ghế”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: “Người đứng đầu phải có ý chí khách quan, sự quyết tâm, không ngại va chạm mới làm được. Nếu vì tư lợi cá nhân hoặc cả nể thì đâu lại vào đấy”.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra TW. 

Thừa nhận thực trạng có hiện tượng một số cán bộ, quan chức ngồi “nhầm ghế”, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng song song với việc nghiêm túc trong xét tuyển chọn người có chuyên môn cho các vị trí phù hợp thì lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cũng cần rà soát lại các chức danh, vị trí thuộc cấp của mình và khi phát hiện ra người thiếu chuyên môn thì mạnh tay “trảm” để tìm người có năng lực phù hợp chứ không được cả nể.

Công tác cán bộ mà quan liêu thì là nguyên nhân của mọi phát sinh tiêu cực trong xã hội. Để xảy ra tình trạng cán bộ tha hoá, biến chất, ngồi “nhầm ghế” thì cũng nên cách chức, kỷ luật người đứng đầu ban tổ chức xét tuyển trước. Những cán bộ làm công tác kiểm tra, tổ chức rất dễ bị mua chuộc, vì vậy nên chuyện tâm – đức lúc nào cũng cần đề cao.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

Còn ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Có lần tôi đã chia sẻ với các bạn, đã làm lãnh đạo thì ai cũng có một chút quyền lợi, nếu không phải vậy thì chẳng ai phấn đấu làm lãnh đạo, nhưng có những lúc phải biết dẹp bỏ cái tôi để ưu tiên cho đại cục. Người dân biết cả đấy, ai làm được việc gì tốt, làm vì nhân dân, ai chỉ nói hay mà làm dở thì rốt cuộc cũng bộc lộ ra hết cả”.

» Thứ trưởng Nội vụ không tìm ra 'công chức cắp ô'
» Dân chống cát tặc, cơ quan chức năng ở đâu?
» Thủ tướng Hàn từ chức: Nhìn vào các quan chức 'ghế nóng' VN


Theo Petrotimes
Bình luận
vtcnews.vn