Nông dân Việt tự chế trực thăng, đọ tài thế giới là ai?

Thời sựThứ Ba, 29/07/2014 02:00:00 +07:00

Một người nông dân đang chế tạo một chiếc máy bay trực thăng mini tiêu chuẩn quốc tế với mục đích cao cả: chứng minh người Việt có thể làm mọi thứ.

Một người nông dân đang chế tạo một chiếc máy bay trực thăng mini tiêu chuẩn quốc tế với mục đích cao cả: chứng minh người Việt có thể làm mọi thứ.

Máy bay tiêu chuẩn quốc tế


Cách đây vài năm, báo chí một phen tốn bao giấy mực về người kỹ sư, nông dân ở Bình Dương chế tạo được một chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay được, và chủ nhân của chiếc máy bay ấy chính là kỹ sư Bùi Hiển.

Trao đổi với ông Hiển ngày 28/7/2014, ông cho biết hiện tại phiên bản đầu tiên của chiếc máy bay mà ông nói vui là “made by nông dân” đã được cho vào viện bảo tàng của nhà ông. Còn ông đang chuyên tâm vào làm chiếc máy bay thứ hai với nhiều cải tiến để đạt đến tiêu chuẩn nước ngoài.

Ông Bùi Hiển bên chiếc trực thăng thứ hai của mình hồi đầu năm 2014 (Ảnh: LĐO) 

Ông Hiển chia sẻ: “Phiên bản đầu tiên là máy bay trực thăng đồng trục, tuy nhiên nó có nhiều điểm khiếm khuyết và càng đi sâu chế tạo tôi mới nhận ra được. Sau đó tôi tìm hiểu tài liệu từ nước ngoài và quyết định tiến hành công trình trực thăng phiên bản hai. Lần này, tôi không sử dụng mô hình đồng trục nữa mà trực thăng cánh đơn, hỗ trợ cánh đuôi.

Với phiên bản thứ hai này, tôi quyết tâm chế tạo cho bằng với tiêu chuẩn quốc tế. Chiếc máy bay đầu tiên tôi mất 3 năm trời để chế tạo, nhưng chiếc thứ hai này mất khoảng gần một năm, chỉ còn một thời gian ngắn nữa là sẽ hoàn thành.”

Ông Bùi Hiển cho biết thêm: “Trước đây phiên bản đầu tiên tôi sử dụng máy của cano để làm động cơ chính, dù công suất máy cho đủ vòng quay, đủ sức gió nhưng có một khiếm khuyết là máy quá nóng. Với cano còn có nước để làm mát, nhưng khi bay trên trời, sức nóng của máy làm trực thăng không bay được cao và thời gian bay ngắn. Vì thế tôi quyết định mua động cơ của Mỹ.

Nhưng động cơ cũng chỉ là một trong những phần quan trọng của máy bay mà thôi. Những phần còn lại như cánh quạt, kết cấu khí động học, cân bằng, bộ số, bộ truyền động… tôi buộc phải tự làm, tự chế tạo.”

Để lái chiếc máy bay này, ông Hiển đã mất ba tháng trời nghiên cứu, tập lái ở trong xưởng sản xuất của mình. Còn với chiếc máy bay mới, ông Hiển mất một tháng là có thể làm quen hoàn toàn.

Toàn bộ chiếc máy bay trực thăng của ông Hiển (Ảnh: LĐO) 

Ông chia sẻ: “Lái máy bay khó lắm chứ có đơn giản đâu, vừa qua ở Hà Nội có anh làm máy bay không biết lái khiến ngã lộn nhào. Mà tôi có muốn đi học thì cũng không học được, ai dạy ông nông dân 60 tuổi lái máy bay bao giờ. Muốn làm phi công thì phải thanh niên trai tráng, mắt tinh sức khỏe tốt, trình độ đại học. Thôi thì của mình làm ra thì mình phải lái được nó chứ.”

Tất cả vì dân tộc

Khi được hỏi về mục đích chế tạo chiếc máy bay này, ông Hiển thành thật nói: “Tôi đầu tư tâm huyết, trí lực, tiền bạc vào hai chiếc máy bay này không phải vì mục đích kinh doanh kiếm lời, mà chỉ đơn giản để mang nó đi thi thố với đời, chứng minh cho thế giới biết là người Việt có thể làm được mọi thứ. Đến một người nông dân cũng có thể làm được máy bay.”

Tuy nhiên, ông Hiển cũng buồn bã nhận định: “Dù cho có tự an ủi mình là làm máy bay để chứng minh như thế, nhưng cũng buồn vì trực thăng mini thế giới người ta ứng dụng rất nhiều, như tưới nước, rải hóa chất cho đồng ruộng, tìm kiếm người bị nạn, tuần tra cao tốc… nhưng ở Việt Nam, khó mà mang nó ra khỏi xưởng để mà bay, dù rằng người Việt làm được, chế tạo được.”

Cận cảnh cánh quạt sau của ông Bùi Hiển (Ảnh LĐO) 

Ông Hiển cho biết thêm, điều ông mong mỏi nhất là các nhà sáng chế nông dân như ông được nhà nước quan tâm đến, để cống hiến sức lực cho dân tộc. Chỉ cần được “bật đèn xanh”, ông Hiển có thể chế tạo cho Việt Nam chiếc trực thăng không chỉ bay được mà còn bay cao, bay xa, đạt tiêu chuẩn của thế giới.

Nhưng điều khó khăn nhất với nhà sáng chế vào lúc này chính là việc được cấp phép thử nghiệm. Ông cho biết đã làm đơn, làm kế hoạch một cách bài bản để gửi đi nhiều cơ quan quản lý, nhưng câu trả lời vẫn là… chờ đợi. Ông đã chờ đợi một thời gian khá dài.

“Việt Nam đến cái ốc vít bắt vào ô tô còn phải đi nhập của nước ngoài, trong khi những sáng kiến sáng tạo của người dân thì không được chú ý tới. Không chỉ trường hợp của tôi mà còn rất nhiều trường hợp khác. Trong Hồ Chí Minh cũng có mấy sáng kiến, ngoài Thái Bình, ngoài Hà Nội, có nhiều lắm chứ, người Việt Nam rất giỏi, rất thông minh và sáng tạo. Nhưng giỏi thôi thì có lẽ chưa đủ!” – Ông Bùi Hiển chia sẻ.

» 'Cha đẻ' tàu ngầm Trường Sa từ chối thử nghiệm 'chui'
» Vì sao tàu ngầm Trường Sa không được dự Ngày khoa học Việt Nam?


Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn