Không thể bắt trẻ nghỉ học bán vé số nuôi người nghèo

Thời sựThứ Bảy, 07/06/2014 12:08:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều ĐBQH đồng tình với việc quy định cụ thể đối với các hộ nghèo để không xảy ra tình trạng người nghèo bắt con nghỉ học đi bán vé số.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định cụ thể đối với các hộ nghèo để không xảy ra tình trạng người nghèo bắt con nghỉ học đi bán vé số.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Tham gia thảo luận, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng Chính phủ phải có đặt ra điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo, khắc phục tình trạng nghèo trong giai đoạn nhất định. 
Đại biểu Ngô Thị Minh
Đại biểu Ngô Thị Minh 
“Không thể để tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời, cờ bạc, rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con, bắt con bỏ học bán vé số, lao động kiếm tiền để nuôi người nghèo còn sức khỏe. Người nghèo ngồi nhà uống rượu và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo của nhà nước”.

Kiên quyết cắt giảm các chính sách nếu người nghèo, hộ nghèo không thực hiện các chính sách nhà nước yêu cầu và không có ý thức thoát nghèo. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách tuyên dương, hỗ trợ những người thoát nghèo trước thời hạn, có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Quang Vinh (Lai Châu) cũng nêu ví dụ thực tế tại địa phương khi đi tiếp xúc cử tri. 
Ông Vinh kể lại có cụ bà người dân tộc thiểu số tâm sự rằng dù đã cao tuổi nhưng bà vẫn phải ngày ngày lên nương làm việc để mong muốn thoát nghèo, nhưng có trường hợp thanh niên ở gần đó thường xuyên uống rượu chè, nghiện ngập lại vẫn nhận được hỗ trợ cho người nghèo. 
Đại biểu Bùi Quang Vinh (Lai Châu)
Đại biểu Bùi Quang Vinh (Lai Châu) 
Trước thực tế, đại biểu Vinh cũng đồng tình cho rằng cần phải có chính sách phù hợp để những người không lao động, nghiện ngập, rượu chè cũng được hưởng chính sách hộ nghèo.

 
Không thể để tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời, cờ bạc, rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con, bắt con bỏ học bán vé số, lao động kiếm tiền để nuôi người nghèo còn sức khỏe
Đại biểu Ngô Thị Minh
 
Để việc giảm nghèo đạt được những giá trị bền vững, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung kinh phí vào cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các hộ nghèo, đặc biệt là các trạm y tế xã, các trạm y tế vùng thôn bản để tạo điều kiện cho dân nghèo và dân tộc thiểu số tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân.


Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) nêu ý kiến cần bảo đảm các nguồn lực được tập trung tránh dàn trải, bố trí các nguồn lực phải bám sát tình hình của địa phương, để địa phương chủ động sử dụng nhằm đảm bảo nguồn vốn giảm nghèo hiệu quả, sát thực tế.

Vị đại biểu này cũng cho rằng cần ưu tiên các gói chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo cần phải điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn.

Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020”.

Nghị quyết tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội…
Không để tình trạng trẻ em phải nghỉ học để đi bán vé số về nuôi người nghèo còn sức khỏe (Ảnh minh họa) 
Đối với Chính phủ, cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau 2015 nhằm bảo đảm an sinh tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, trợ giúp pháp lý và thông tin để đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững; rà soát, phân loại và chuyển số nghèo kinh niên sang nhóm bảo trợ xã hội.

Xây dựng bộ tiêu chí bình xét, đánh giá chuẩn nghèo, tổ chức công tác thống kê, theo dõi thống nhất trong cả nước; hiện đại hóa công tác quản lý để thực hiện tốt hơn công tác giám sát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần tăng thêm nguồn vốn để thực hiện định mức cho vay theo hộ gia đình, đồng thời điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn.

 
Chênh lệch giàu nghèo gia tăng

Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này. 

Ở cấp quốc gia thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012. 

Giai đoạn 2005 - 2012 tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm giảm từ 2,3 - 2,5%. 

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cũng chỉ ra hạn chế trong việc giảm nghèo. “Tỉ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Đến năm 2012, chỉ có 3 vùng tỉ lệ hộ nghèo dưới 10%, đó là Đông Nam Bộ, ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long; các vùng có tỉ lệ nghèo cao là miền núi Tây Bắc, miền núi Đông Bắc và Tây Nguyên; còn 1/5 số tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo ở mức trên 20%”.

Tỉ lệ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số là khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới, hầu hết các huyện 30a là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Mai cũng cho biết thêm, đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống do phải bảo đảm chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục, đi lại và sinh hoạt tối thiểu. 

Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn