Trạm cân 'bó tay' với xe siêu trường, siêu trọng?

Thời sựThứ Tư, 23/04/2014 07:09:00 +07:00

(VTC News) - Khi xe siêu trường, siêu trọng lăn bánh đến cân điện tử, một thanh tra vội la lớn cho xe dừng lại vì nhiều khả năng bánh sẽ cán nát cân điện tử.

(VTC News) - Khi xe siêu trường, siêu trọng lăn bánh đến cân điện tử, một thanh tra vội la lớn cho xe dừng lại vì nhiều khả năng bánh sẽ cán nát cân điện tử.

» Cước vận tải 'rủ nhau' tăng 15%
» Trạm cân hoạt động, xe vi phạm có giảm?
» Bộ trưởng Thăng cứu đường: Cần thêm 7.000 tỷ đồn

Ngày 19/4, tại giao lộ Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP.HCM) Thanh tra GTVT TP.HCM tổ chức cân lưu động để xử lý các xe quá tải, quá khổ chạy từ các cảng Cát Lái, khu chế xuất Tân Thuận... về hướng miền Tây.

Cách trạm cân vài trăm mét, hai thanh tra GTVT đứng dưới tán cây cầm bộ đàm liên tục báo tới trạm những xe đầu kéo, container có dấu hiệu khả nghi để khi những xe này đến trạm cân thì thanh tra ra dấu hiệu dừng lại yêu cầu lái xe chạy vào khu vực cân tải trọng xe theo hướng dẫn.
Chiếc đầu kéo mang BKS 51C-299.49 chở container BKS 51R-1735 do tài xế Lâm Hoàng Dũng điều khiển được đề nghị vào trạm cân thực hiện việc đo tải.
 Xe Minh Thành có kết cấu rơ-moóc 'đặc biệt' nên trạm cân di động đành 'bó tay'. Ảnh: Huy Phan
 Xe Minh Thành có kết cấu rơ-moóc 'đặc biệt' nên trạm cân di động đành 'bó tay'. Ảnh: Huy Phan
Sau khi kiểm tra giấy tờ xe, tải trọng xe, tải trọng container... đối chiếu với số đo từ máy điện tử, các thanh tra đưa ra quyết định xử lý phạt tài xế Dũng đã 
vi phạm chở hàng vượt tải thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định từ 5% - 30% đối với xe hơn 5 tấn. Mức phạt tiền 900.000 đồng, giữ bằng lái xe 1 tháng.
Lần lượt, các xe thuộc diện nghi ngờ được đưa vào trạm cân. Theo ghi nhận, thời gian trung bình cho một xe tải, đầu kéo, container làm thủ tục cân, đo tại trạm từ 30 phút, có trường hợp đặc biệt có thể lâu hơn.
Được biết, việc xử lý tại các trạm cân di động được truyền trực tiếp đến Bộ GTVT. Nói về việc này, một cán bộ thanh tra cho biết: "Các số liệu được truyền trực tiếp đến Bộ GTVT nên không một ai có thể làm gian dối, cũng không thể báo cáo sai được".
Xe gầm thấp, bánh nhiều, trạm cân "bó tay"
 Rơ-moóc với nhiều bánh xe, gầm thấp nên khi lăn bánh qua cân điện tử có thể cán nát 'mắt thần' hoặc các thiết bị khác của cân. Ảnh: Huy Phan
Đến lượt 2 xe đầu kéo của hãng xe Minh Thành, chở vòng dây điện lớn, lần lượt có BKS 51C - 240.61 kéo theo rơ-moóc số 51R-0259 và BKS 57L - 2219 kéo rơ-moóc 51R-0352. 
Khi xe lăn bánh qua phần đầu đến thân, một thanh tra GTVT đang ngồi trên máy tính phát hiện cân không nhảy số vội vã nhảy xuống xe cân lưu động hô cho xe dừng lại. 
Thanh tra giải thích do bánh xe đi lệch ra ngoài, nếu đi tiếp, khả năng bánh sẽ cán nát cân điện tử, nhất là khu vực có gắn "mắt thần" cùng một số thiết bị khác của cân.
Cụ thể, khi xe Minh Thành đi qua bàn cân, do kéo hàng dạng siêu trường, siêu trọng nên kết cấu rơ-moóc có khác với những rơ-moóc chở container thông thường.
Rơ-moóc có gầm thấp, với 8 bánh xe cho mỗi trục khiến những bánh xe này khi đi qua cân điện tử thì có sự cố xảy ra. Lúc này, thanh tra viên tên Xuân gọi điện thoại đến cấp trên xin ý kiến về việc có hay không tiếp tục cân hai chiếc xe đầu kéo Minh Thành. Hai chiếc xe tạm lùi về phía sau để các thanh tra "hội ý".
 Thanh tra GTVT hội ý về trường hợp xe Minh Thành. Ảnh: Huy Phan
Lát sau, một chiếc xe ô tô khác chở một số thanh tra viên đến hiện trường, xem xét trường hợp xe đầu kéo Minh Thành. Những người này chuyên về nghiệp vụ đo đạc, qua quan sát biết được trọng lượng của vòng dây điện. Họ đưa ra kết luận xe không chở quá tải. 
Các thanh tra thực hiện đo chiều cao vòng dây điện đã phát hiện chiếc xe vượt quá chiều cao cho phép. Theo giấy lưu thông hàng hóa, xe đầu kéo chỉ chở hàng có chiều cao từ 4,2m nhưng lại chở cao đến 5,1m. Việc lập biên bản phạt được thực hiện.
Khi bị phạt lỗi chở quá khổ, tài xế than thở: "Tôi chở hàng không quá tải. Nếu có cân hoạt động thì chúng tôi không bị phạt kiểu như thế này. Đằng này họ lại cho rằng chúng tôi chở xe quá chiều cao quy định. Chẳng lẽ vòng dây điện nguyên đai nguyên kiện như thế này phải cắt xén để cho vừa chiều cao quy định hay sao?".
Bị phạt giữ bằng lái, hai tài xế hãng xe Minh Thành bức xúc: "Giam bằng 1 tháng, lấy gì mà làm ăn nuôi con cái, gia đình, mà lỗi phạt này tôi thấy cũng vô lý".

Cả ngày chỉ phạt được 2 chiếc quá tải
Ngoài trường hợp tài xế Lâm Hoàng Dũng điều khiển xe BKS 51C-299.49 vận chuyển hàng hóa đã vi phạm chở hàng vượt tải thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định từ 5% - 30% đối với xe hơn 5 tấn với mức phạt tiền 900.000 đồng, giữ bằng lái xe 1 tháng và một trường hợp khác là xe tải 57L - 1329 cũng bị phạt lỗi quá tải trên 50%, mức phạt tiền 6 triệu đồng, những trường hợp còn lại không vi phạm về tải trọng nên không xử lý.
 Một chiếc container đang chạy qua bàn cân (màu xanh), bị quá tải. Ảnh: Huy Phan
Trong một ngày, trạm cân thực hiện cân được khoảng 20 xe nhưng chỉ có 2 xe quá tải bị phạt. Khi hỏi về lý do "tuýt còi" nhiều xe nhưng phát hiện vi phạm ít, một thanh tra cho biết, xe đang chạy trên đường không thể biết được xe nào nặng hay nhẹ nên phải chọn phương pháp ngẫu nhiên nên không thể nói là "ghét" hay "thương" xe nào. 
"Có thể những xe biết được có chúng tôi đang cân nên không dám chở vượt tải" - thanh tra nói thêm.
Theo ghi nhân của chúng tôi, số xe bị thanh tra buộc vào trạm cân cũng... hên xui, chiếc nào may mắn không vào trạm cân nếu có chở quá tải cũng không bị xử lý.

Thêm vào đó, do biết trạm cân đi vào hoạt động nên các tài xế, cũng như chủ xe đã "ém quân" chờ đợi lúc trạm cân nghỉ mới cho xe xuất hành. Thời gian hoạt động của trạm cân theo giờ hành chính.
 Đám 'cò' chạy xe máy ngồi phía bên kia đường theo dõi lực lượng chức năng xử lý trên tuyến Nguyễn Văn Linh (Q.7). Ảnh: Huy Phan
Bên cạnh đó, có hơn chục "cò" chạy xe máy luôn dõi theo lực lượng thanh tra. Mục đích của những "cò" này là báo tin về chủ xe để biết trạm cân đang hoạt động ở đâu, địa điểm nào nhằm đề phòng, né tránh. 
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu trạm cân hoạt động, hàng loạt xe đậu đỗ nối đuôi nhau trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (Q.7) để né trạm cân. Sau đó, do có kinh nghiệm đối phó với trạm cân nên các tài xế đã phân tán, chờ thời điểm thuận lợi khởi hành khiến hiện tượng nằm dài hàng loạt trên đường đã giảm hẳn, chỉ lác đác vài chiếc trên đường Nguyễn Văn Linh.
Theo một CSGT Nam Sài Gòn, những xe né trạm, nằm dọc đường, lực lượng CSGT có thể thổi phạt nhưng do những tài xế này chốt cửa xe rồi bỏ đi đâu đó nên cơ quan chức năng cũng khó xử lý.
Từ ngày 15 đến 17/4, xe kiểm soát tải trọng lưu động trên đường Nguyễn Văn Linh, TP.HCM đã cân kiểm tra 121 lượt xe, phát hiện xử phạt 27 lái xe và 22 chủ xe với số tiền hơn 223 triệu đồng.

Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn