Đà Nẵng, Quảng Nam: Nói được là làm được

Thời sựThứ Năm, 13/03/2014 09:04:00 +07:00

Trong thời gian qua, hàng loạt những đề xuất, đi taxi công, cán bộ đi làm bằng xe đạp, thu gọn túi nilon đã được Đà Nẵng, Quảng Nam thực hiện.

Đà Nẵng đi taxi công, thi tuyển lãnh đạo

Bắt đầu từ năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng nghiêm cấm dùng ngân sách nhà nước để mua xe ô tô công.

UBND TP đã gửi các sở ban ngành, quận huyện, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện không mua sắm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung.

Việc mua sắm tài sản công phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành từ nguồn dự toán kinh phí mua sắm đã được phê duyệt kế hoạch và bố trí trong dự toán năm 2014.

Đà Nẵng lập đội taxi công

Đà Nẵng lập đội taxi công

UBND TP. Đà Nẵng sẽ không bổ sung kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách nhà nước để mua sắm, trang bị tài sản.

Theo Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, khi các sở ban ngành chuyển nơi làm việc vào Tòa nhà trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng chuẩn bị hoàn thành sẽ thành lập đội xe công vụ phục vụ chung giống như dịch vụ “taxi công” theo ý kiến của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo cách đây 2 năm.

Không chỉ vậy, Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo, sau khi nhận được chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc thi tuyển vị trí lãnh đạo công khai, với mục tiêu tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, chạy chức chạy quyền.

Trong năm 2013, Đà Nẵng cũng đã tổ chức thi tuyển 40 vị trí chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều vị trí quan trọng như cấp phó một đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố quản lý.

Được biết, trong 6 năm (2006-2012) triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý đã bổ nhiệm thông qua thi tuyển 92 cán bộ, công chức, viên chức từ 283 ứng cử viên đăng ký dự thi.

Năm 2007, cô giáo dạy văn Nguyễn Thu Nga - là người đầu tiên trúng tuyển cuộc thi vào chức danh Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng).

Quảng Nam đi làm xe đạp, bỏ túi nilon

Mới đây, ngày 26/2, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy thành phố Hội An, (Quảng Nam) cho biết tới đây toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức toàn thành phố sẽ đi làm bằng "xe đạp riêng".

Nếu điều này được đưa vào thực hiện thì lại thêm một câu chuyện lạ tại Hội An. Theo tính toán, Hội An có khoảng hơn 1.600 cán bộ, công nhân viên chức. Toàn bộ số này sẽ phải đi làm bằng xe đạp và đương nhiên tiền mua xe là của cá nhân bỏ ra chứ không phải do nhà nước cấp.

Các cán bộ Hội An đi làm bằng xe đạp

Các cán bộ Hội An đi làm bằng xe đạp

Mặc dù chưa đến ngày thực hiện, nhưng hiện nay đã có hơn 60% số cán bộ đi làm bằng xe đạp, có nơi 100% cán bộ, công chức đã đi làm bằng xe đạp từ nhiều năm nay, tạo hình ảnh gần gũi của người cán bộ đối với nhân dân.

Ông Sự chia sẻ: "Việc phát động chủ trương cán bộ, công chức đi làm bằng xe đạp không những rèn luyện sức khoẻ cho cán bộ, tiết kiệm được kinh tế, bảo vệ môi trường mà còn thể hiện thái độ văn minh, lối sống hiện đại trên phương diện tinh thần".

Hơn nữa, Hội An cũng được nhắc đến bởi môi trường sạch sẽ, không túi nilon. Thế nhưng, sau khi ông Sự họp toàn bộ 500 dân trên đảo lại rồi thuyết phục. Rằng, tài nguyên đất nước không thể nói chung chung được. Phải bỏ túi nilon thôi để giữ biển, giữ rừng sạch. Nói xong rồi ông hỏi, bà con có làm được không. Người dân đồng thanh được.

Sau buổi họp, hơn ngàn chiếc giỏ đi chợ được phát cho từng người dân. Còn có thêm cặp lồng để mua đồ nước như cà phê.

“Bây giờ, thấy ai cầm túi nilon là người dân phê bình liền. Đã bốn năm rồi, Cù Lao Chàm không xài túi nilon. Đó là hòn đảo duy nhất của đất nước này không xài túi nilon. Túi nilon không xài nữa thì biển trong lành trở lại", ông Sự nói.

Những việc làm mà cán bộ, lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam đã và đang làm được, luôn là tấm gương cho các tỉnh, thành khác trên cả nước học hỏi.

Bình luận
vtcnews.vn